Cảnh báo trào lưu giao dịch, chế tạo pháo qua online
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, pháo lậu và hoạt động buôn bán pháo trên mạng lại sôi động. Trước thực trạng này, cơ quan Công an và các lực lượng chức năng đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn.
Rao bán pháo tràn lan trên mạng xã hội
Giờ chỉ cần lên mạng seach cần mua “Pháo Tết 2023” thì hàng loạt thông tin, hình ảnh là các loại pháo xuất hiện. Khách chỉ cần để loại lời nhắn hoặc inbox la có thể giao dịch thành công. Có những địa chỉ Facebook bán pháo hoa đăng số điện thoại Zalo để giao dịch như cần gọi 0799306...; trang Facebook “Pháo Chơi Tết” thì đưa hình rất nhiều loại pháo khác nhau và với lời mời “cần thì inbox”. Hay trang “Pháo Tết” cũng chào hàng là chuyên cung cấp sỉ và lẻ các loại pháo hoa, được kiểm tra hàng, đúng hàng mới thanh toán, liên hệ Zalo 0783745...
Thực tế cho thấy, chưa bao giờ tình trạng mua bán pháo nổ trên mạng xã hội lại diễn ra một cách sôi nổi, công khai phức tạp như hiện nay, cho dù đó là mặt hàng cấm. Nhiều loại pháo được chào mời, đa mẫu mã, hình thức và công năng sử dụng. Trong đó có cả pháo nổ và pháo hoa, có loại giá lên tới tiền triệu. Một số đối tượng còn không ngần ngại quay video clip cận cảnh, có đối tượng còn trực tiếp đốt pháo để quảng cáo sản phẩm của mình. Các loại pháo được các đối tượng đăng tải hình ảnh rao bán trên mạng thường có xuất xứ từ Trung Quốc. Đối với pháo nổ thường có hàm lượng thuốc nổ cao dễ gây ra sát thương, đối với pháo hoa thường tầm bắn thấp hoặc không có khả năng phát sáng.
Có rất nhiều con đường thẩm lậu pháo, song công thức hay thủ đoạn chung vẫn được các đối tượng sử dụng đó là: Pháo sẽ được tuồn từ bên kia biên giới, sau đó ngụy trang bằng các kiện hàng, thùng hoa quả. Rồi vận chuyển vào nội địa. Các đối tượng buôn bán pháo thường lập các tài khoản ảo, liên tục đăng các bài viết kèm hình ảnh giới thiệu các loại pháo lậu lên các hội, nhóm mua bán chung để dễ dàng tiếp cận với khách hàng.
Trước thực trạng đó, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát từ biên giới tới trong nội địa. Theo đó, lực lượng Công an đã bắt giữ được nhiều đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo. Như tối 5/1, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn phối hợp với Công an huyện Đình Lập (Công an Lạng Sơn) bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trái phép 181kg pháo hoa dạng nổ, do Trung Quốc sản xuất đi tiêu thụ. Hai đối tượng khai mua số pháo trên từ Trung Quốc nhằm đưa về Việt Nam để tiêu thụ. Hay trước đó, tại Thường Tín (Hà Nội), lực lượng chức năng đã thu giữ gần 7 tấn pháo lậu, tương đương với 7 kg thuốc nổ TNT do đối tượng Nguyễn Mạnh Phái, SN 1998, trú tại huyện Thường Tín cầm đầu. Nếu bán trót lọt, các đối tượng sẽ thu lời khoảng 5 tỷ đồng.
Đấu tranh quyết liệt với pháo lậu
Đại tá Nguyễn Trọng Toản, Phó trưởng Phòng, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, theo đánh giá ban đầu cho thấy, có những phương thức thủ đoạn mới trong lĩnh vực này là đối tượng lợi dụng tính ẩn danh của không gian mạng để mua bán pháo thông qua các trang mạng xã hội. Đồng thời, sử dụng các dịch vụ bưu chính để mua bán vận chuyển pháo nổ trái phép. Cùng với đó, đã xuất hiện tình trạng là đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử theo luồng xanh, luồng vàng để lẫn pháo vào các mặt hàng hóa khác trong các container để nhập khẩu nhập lậu trái phép vào Việt Nam.
Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng tính ưu việt từ mạng xã hội mang đến vỏ bọc an toàn cho những kẻ buôn bán pháo lậu. Mọi giao dịch đều trao đổi thông qua online, chốt đơn online, chuyển khoản online, vô cùng kín đáo, giao hàng đã có đơn vị vận chuyển xử lý. Trong chuỗi cung ứng này, khách hàng không biết mặt người bán, người bán cũng không cần biết đến khách hàng. Vì vậy, việc bắt quả tang hành vi của các đối tượng này trở thành một thách thức đối với cơ quan chức năng.
Thượng tá Trần Trọng Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, qua các vụ việc lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ cho thấy các đối tượng lợi dụng tính ẩn danh của không gian mạng, đồng thời từ các trang mạng xã hội đối tượng sử dụng hình thức ship code để giao hàng và nhận tiền. Khi lực lượng chức năng làm kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh và gỡ bỏ những trang mạng hoặc đường dẫn YouTube liên quan đến quảng cáo này thì đối tượng có thể dễ dàng lập lại các trang mới để mua bán trái phép pháo trên mạng. Sau khi chốt đơn, các đối tượng dùng các tài khoản Zalo, Facebook ẩn danh để thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng không đăng ký chính chủ hoặc đi mượn đi thuê của người khác. Mặc dù, các đối tượng biết đây là mặt hàng cấm, song lợi nhuận từ mặt hàng pháo khá lớn dẫn tới các đối tượng vẫn bất chấp để tìm mọi cách thẩm lậu pháo vào nội địa để tiêu thụ.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Ngô Thanh Tuấn, Phó Hải đội trưởng, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép trên tuyến biển, đơn vị luôn chú trọng đối với tất cả các loại hình, các mặt hàng, các đối tượng. Đặc biệt, là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết, trong đó có pháo, pháo hoa.
Tự chế pháo nổ - Ẩn họa trong dịp Tết
Thời gian gần đây lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, mua bán và tàng trữ trái phép pháo nổ. Đáng buồn là nhiều trường hợp vẫn còn trong độ tuổi đi học, tự chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn và không ít người đã bị tai nạn do tự chế tạo pháo.
Ngày đầu năm 2023, em D.Q.T, 14 tuổi, trú tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đặt mua nguyên liệu làm pháo qua sàn thương mại điện tử, sau đó đem về dùng cối giã tay để nghiền thuốc và chế tạo pháo. Bất ngờ thuốc pháo phát nổ khiến em bị bỏng độ 3 cả hai bàn tay và vùng mặt, phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Em T cho biết: “Em xem cách chế tạo pháo trên mạng, đặt mua các nguyên liệu sau đó rủ hai bạn cùng nhau làm. Trong quá trình làm có cho thuốc vào cối để giã, đang giã thì lửa bùng lên làm em bị bỏng”. Cùng tham gia chế tạo pháo với D.Q.T, em L.V.H ở cùng xã cũng đang phải điều trị ở phòng kế bên với bàn tay phải bị giập nát, bỏng và tổn thương phần mềm vùng hàm, mặt.
Theo các bác sĩ, chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất của quả pháo. Nếu pháo có khói gây cháy có thể dẫn đến tổn thương bỏng, ngộ độc khói, bỏng hô hấp; pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... và thường để lại nhiều di chứng về thẩm mỹ, thậm chí có những bộ phận vĩnh viễn không thể phục hồi như tổn thương về mắt, tay chân phải phẫu thuật, cắt bỏ.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Dung, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết thêm: “So với mọi năm, tình trạng bệnh nhân bị chấn thương do pháo nổ gây ra trong dịp trước Tết năm nay đã tăng đột biến. Trong đó, lứa tuổi học sinh THCS và THPT xảy ra rất nhiều với hơn 20 trường hợp nhập viện điều trị tổn thương do sản xuất và đốt pháo nổ gây ra”.
Trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 32 vụ việc, vụ án liên quan đến pháo, thu giữ hơn 130kg pháo các loại và trên 12kg thuốc pháo. Điều đáng nói, nhiều trường hợp vi phạm là học sinh, từ 12 đến 16 tuổi có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo tự chế. Các trường hợp này mua nguyên liệu và tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng Internet. Ngoài mục đích đốt vui, nhiều trường hợp chế tạo số lượng lớn để bán kiếm lời. Điển hình như trường hợp của 3 em: T.H.T và L.N.T.T, SN 2008 cùng em P.V.Q, SN 2007, đều là học sinh của một trường THCS trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình đi bán pháo, các trường hợp trên đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang, thu giữ 216 quả pháo tự chế (khối lượng 18,5kg) cùng 91 vỏ quả pháo cùng các nguyên liệu, vật dụng chế tạo pháo.
Thực tế, không khó để tìm các video dạy cách tự chế pháo, thuốc nổ qua mạng Internet. Chỉ cần gõ từ khóa "cách làm pháo" hoặc "làm pháo", hàng loạt video hướng dẫn cách làm các loại pháo khác nhau được đề xuất. Các loại nguyên liệu có thể dễ dàng tìm mua riêng lẻ tại các cửa hàng hoặc trên các trang mạng xã hội Facebook, alo, trang thương mại điện tử với giá rất rẻ, chỉ từ 20 nghìn đồng. Trên một số trang thương mại điện tử, nguyên liệu chế pháo được bán theo combo, nhưng lại "ẩn danh" dưới dạng phân bón. Các loại dây cháy chậm, vỏ pháo... cũng không khó để tìm mua trên mạng. Công thức có sẵn trên mạng, cách làm đơn giản, nguyên liệu rẻ, dễ tìm,… được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều bạn trẻ tò mò, ham vui đã tự chế pháo nổ tại nhà mà không nghĩ đến sự nguy hiểm của việc làm này. (Dũng Minh)