Cảnh báo tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng
Theo cơ quan chức năng, thời gian gần đây tình hình vi phạm và phạm tội trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ về tài chính và nhân lực.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hoàn tất hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vụ án Lương Nguyễn Thành Trung tham ô tài sản xảy ra ở Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Bưu điện Liên Việt, tại Phòng Giao dịch (GD) huyện Nam Đông, Chi nhánh Huế.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định, từ năm 2019 đến năm 2020, lợi dụng là giao dịch viên của Phòng GD huyện Nam Đông được giao quản lý tiền, giao dịch hàng ngày đối với khách hàng, do cần tiền tiêu xài nên Trung đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Lợi dụng kiểm soát viên không kiểm soát chi tiết hoạt động của giao dịch viên theo quy trình của Ngân hàng nên Trung đã có hành vi gian dối, tráo đổi sổ tiết kiệm thật với sổ tiết kiệm do Trung có được trước đó với tổng số 43 sổ tiết kiệm của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt tại Phòng GD Nam Đông, Chi nhánh Huế. Với hành vi này, Trung đã chiếm đoạt tổng số tiền của ngân hàng này gần 6,3 tỷ đồng.
Cơ quan Công an cũng xác định, Nguyễn Văn Chương và Cái Hữu Thuyến với nhiệm vụ được giao là kiểm soát viên tại Phòng GD Nam Đông nhưng không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra, đối soát, quản lý mật khẩu tài khoản nên đã ký và phê duyệt để phát hành và tất toán các sổ tiết kiệm không đúng quy định, để Trung lợi dụng thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền. Trong đó, Chương chịu trách nhiệm đối với 41 sổ tiết kiệm với tổng số tiền thiệt hại hơn 5,9 tỷ đồng; Thuyến chịu trách nhiệm đối với 2 sổ tiết kiệm với tổng số tiền thiệt hại là 350 triệu đồng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra đuyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trung về hành vi tham ô tài sản; đồng thời, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Chương và Thuyến về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tương tự, vụ án Huỳnh Trọng Khoa và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hơn 12,9 tỷ đồng của Quỹ tín dụng Tây Lộc (TP Huế) bị truy tố về các tội tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng là một điển hình trong tham nhũng về lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Cụ thể, lợi dụng chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng Tây Lộc (TP Huế) kiêm cán bộ tín dụng trong quá trình lập hồ sơ vay vốn, theo dõi, quản lý thu nợ khách hàng, Huỳnh Trọng Khoa đã không nộp quỹ tại 205 hợp đồng tín dụng, chiếm đoạt số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Khoa và đồng phạm còn lập khống hàng loạt hồ sơ hợp đồng tín dụng.Các đối tượng đã lấy biểu mẫu hồ sơ vay vốn, điền các thông tin khách hàng mà mình biết được, rồi giả chữ ký của khách hàng tại các biểu mẫu hồ sơ vay. Khi hồ sơ vay tiền được cấp trên duyệt, Khoa cùng đồng phạm tiếp tục giả chữ ký của khách hàng tại phần “người nhận” của “phiếu chi”, “người nhận nợ” của “giấy nhận nợ”. Với thủ đoạn lập giả chữ ký, chữ viết khách hàng, Khoa đã tự ý lập 124 hợp đồng tín dụng khống mang tên 65 khách hàng rút tiền của Quỹ tín dụng Tây Lộc, chiếm đoạt số tiền hơn 5 tỷ đồng…
Có thể khẳng định, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng thường liên quan đến nhóm chủ thể là cán bộ ngân hàng, tín dụng. Hành vi vi phạm thường biểu hiện thông qua các hình thức như: tham ô, cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Theo cơ quan chức năng, để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về tín dụng và ngân hàng; kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước về ngân hàng. Để làm được điều này, các ngân hàng phải có những động thái rà soát và chấn chỉnh lại quy trình công tác, “bịt kín” những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát…
Liên quan đến tội phạm tham nhũng tại địa bàn Thừa Thiên-Huế, trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thụ lý 4 vụ, 16 bị cáo; trong đó, đã giải quyết 2 vụ, 8 bị cáo. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thời gian qua UBND tỉnh đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống tham nhũng. Với ý thức trách nhiệm của thủ trưởng, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan báo chí, truyền thông và nhất là vai trò của quần chúng nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Tuy nhiên, công tác tự kiểm tra ở trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, địa phương để phát hiện hành vi tham nhũng vẫn còn hạn chế; công tác phòng ngừa gắn với công khai, minh bạch trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng... ở một số nơi chưa thực hiện tốt; việc giám sát cộng đồng đối với các công trình, dự án xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước chưa phát huy hiệu quả; việc thực hiện chế độ báo cáo về phòng chống tham nhũng của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên Mặt trận trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng thể chế, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; kịp thời chuyển tải đến cơ quan chức năng những ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị, phản ảnh của nhân dân.