Cảnh báo thủ đoạn giả shipper lừa đảo, hack tài khoản người mua hàng

Thứ Bảy, 05/10/2024, 07:45

Mua hàng online bùng nổ và trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều người mua hàng lại không nhớ rõ mình đặt mua những gì vì… mua quá nhiều. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã giả danh người giao hàng (shipper) để lừa đảo người tiêu dùng.

Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi, thời gian qua đã có không ít người “sập bẫy” shipper giả mất hàng chục triệu đồng, thậm chí có người còn bị nhóm đối tượng dẫn dắt truy cập vào đường link và làm theo hướng dẫn, sau đó hack sạch tiền trong tài khoản.

Bị hack hết tiền trong tài khoản

Theo chia sẻ của anh N.V.B, một người thường xuyên mua hàng online ở Hà Nội, vào ngày 22/9, anh nhận được điện thoại nhận hàng của shipper. Do là Chủ nhật không ở cơ quan, anh yêu cầu thứ Hai chuyển, nhưng shipper nêu lý do “thứ Hai em bận quá, sợ thứ Tư, thứ Năm mới chuyển, chậm hàng của anh”. Thế là anh đồng ý để shipper đưa hàng cho bác bảo vệ, còn mình chuyển khoản cho shipper.

shippergia (1).jpg -0
Người dân mua hàng online cần cảnh giác khi người giao hàng gọi điện yêu cầu chuyển khoản mà chưa nhận hàng. Ảnh minh họa

10 phút sau, shipper gọi lại, giọng gần như khóc nói em cho anh nhầm số tài khoản, số tài khoản đó để đăng kí làm nhân viên giao hàng tiết kiệm, nhờ anh gọi lên tổng đài hủy, kẻo anh sẽ bị trừ mỗi tháng 3 triệu vì họ có số tài khoản của anh, họ sẽ hoàn tiền lại và anh gửi lại cho em.

Anh B đã gọi tổng đài theo số shipper cho, có đường link, người nghe máy hướng dẫn anh truy cập vào trang web làm thủ tục. Sau đó, một nhân viên khác gọi cho anh hướng dẫn cơ chế hủy, hoàn tiền… khá phức tạp. Thấy nhân viên hướng dẫn tỉ mỉ, nhiệt tình nên anh B không mảy may nghi ngờ. Nhân viên này trấn an: “Anh muốn lấy lại tiền bồi hoàn từ công ty, anh phải làm các thao tác cụ thể theo hướng dẫn”. Theo chia sẻ của anh B, lúc đó anh như bị “thao túng tâm lý”, tin nhân viên đang giúp mình và giúp shipper lấy lại tiền nên anh đã mất cảnh giác làm theo họ chỉ dẫn.

“Ngay lập tức tiền trong tài khoản của mình bay. Mọi người nghĩ làm sao lại dễ thế nhưng ở đoạn này một người nói giọng rất dễ nghe, tử tế, dùng các thuật ngữ như "giao dịch tài chính công ty", “bồi hoàn tiền từ công ty”, “cơ chế chi trả tự động”, “trên hệ thống”… khiến cho người nghe bị dẫn dắt và tin theo…”, anh B cho biết. Tinh vi hơn, khi anh kêu mất tiền, các đối tượng hứa hẹn sẽ báo với cấp trên xử lý, sếp sẽ gọi cho anh. Anh B tiếp tục gọi cho tổng đài và cũng nhận được nội dung hứa hẹn như trên. Nhưng chờ mãi không thấy “sếp” nào gọi, anh liên lạc lại thì các đối tượng đã khoá máy. Toàn bộ số tiền trong tài khoản của anh đã “không cánh mà bay”.

Theo anh B, nhóm đối tượng trên có ít nhất 4 người phối hợp để từng bước dẫn dắt anh rơi vào “bẫy” lừa đảo. Trước đó, các đối tượng đã điều tra thời gian anh không trực tiếp có mặt để nhận hàng và “tung chiêu” lừa bịp.

Cùng với thủ đoạn trên, chị T.N (trú tại Hà Nội) cũng bị các đối tượng lừa một số tiền lớn. Theo chị N, shipper gọi cho chị nói có đơn hàng 239.000 đồng, sau khi chị chuyển khoản xong, người giao hàng này gọi lại báo đã nhắn nhầm số tài khoản đăng ký Hội viên shipper, giờ chị phải huỷ, nếu không chị sẽ trở thành hội viên và số tiền 239.000 đồng sẽ bị trừ vào phí hội viên. Vì muốn huỷ nên khi đối tượng gửi đường link “yêu cầu bồi hoàn tiền và huỷ hội viên”, chị N đã làm theo các hướng dẫn mà theo chị là “rất nhiều thao tác phức tạp”. Để dẫn dắt chị vào “bẫy”, chúng tạo group 4 người (gồm chị và 3 “nhân viên”) với lý do hướng dẫn luôn một lần cho tiện, nhằm tạo lòng tin cho chị N yên tâm.

Theo hướng dẫn của các đối tượng, chị N thực hiện thao tác chuyển khoản nhiều lần nhưng các đối tượng luôn nói chị làm sai. Vì thế, chiều hôm trước chị đã chuyển khoản 40 triệu đồng nhưng vẫn chưa lấy lại được tiền. Sáng hôm sau chúng tiếp tục hướng dẫn chị làm lại, chị chuyển khoản tiếp 6 lần với số tiền 80 triệu đồng. Sau khi chuyển xong, kiểm tra lại, chị mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa. Nhưng lúc này các đối tượng đã “lặn mất tăm”, gọi điện đều không liên lạc được.

Cẩn trọng trước các thông tin giao dịch khi mua hàng

Theo ghi nhận của các đơn vị Công an, thời gian vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã xảy ra các vụ việc giả giao hàng để lừa đảo. Trên Fanpage của Bộ Công an, ngày 2/10, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo đây là thủ đoạn mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao.

Theo đó, các đối tượng này sẽ tham gia theo dõi các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok…) để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm; sau đó lấy thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn công khai trên livestream hoặc lợi dụng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân gia tăng để tiến hành thu thập thông tin người đặt hàng.

Sau khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng, đối tượng sẽ gọi điện thoại cho khách hàng, xưng là nhân viên giao hàng (giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh…) của đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm. Sau đó sẽ chọn thời điểm khách hàng không có mặt ở nơi giao hàng để gọi điện. Nếu khách hàng cho biết không có mặt để nhận hàng, đối tượng sẽ nói để hàng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng.

Bên cạnh đó, đối tượng thường tạo áp lực, thậm chí là thúc ép người nhận bằng cách thông báo đơn hàng sẽ bị hủy nếu không chuyển khoản ngay hoặc đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng nếu đó là món hàng trị giá cao. Còn nếu hàng giá trị thấp, đối tượng sẽ gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng và nhập mã OTP để thực hiện giao dịch rút tiền hoặc chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cảnh báo người dân về thủ đoạn giả giao hàng để lừa đảo này. Các đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện thoại cho người dân tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán COD- hình thức thanh toán khi nhận hàng. Sau khi người dùng chuyển khoản thành công, đối tượng sẽ thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ hơn 3 triệu đồng từ tài khoản.

Lúc này đối tượng gửi cho nạn nhân đường dẫn đến trang facebook và số điện thoại giả mạo trung tâm vận chuyển để liên hệ hủy đăng ký hội viên. Khi bấm đường link giả mạo và nhập các thông tin cá nhân theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo, người dùng có nguy cơ bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Bộ Công an đề nghị người dân khi mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội cần chú ý trước khi chuyển khoản thanh toán đơn hàng, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin của người gọi điện và xác nhận lại với đơn vị bán hàng hoặc dịch vụ giao hàng chính thức; chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng. Người dân tránh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng. Đồng thời, người dân bảo mật thông tin cá nhân, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream; sử dụng các kênh tin nhắn riêng tư hoặc hệ thống bảo mật để trao đổi thông tin đặt hàng với các đơn vị bán hàng.

Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với những yêu cầu chuyển khoản đột ngột và không rõ ràng, có tính chất “thúc ép” chuyển tiền ngay thì nên xác nhận lại với người bán hàng qua các kênh chính thức trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn do người lạ gửi đến. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cáo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời giải quyết.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.