Cần xử lý rốt ráo vấn nạn YouTube, Tiktok "bẩn"

Thứ Bảy, 25/02/2023, 09:45

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM&PCTPSDCNC) Công an TP Hồ Chí Minh, vài năm trở lại đây, thực trạng các video độc hại có nội dung “bẩn” xuất hiện nhiều trên các nền tảng xã hội. Nhiều chủ tài khoản YouTube, TikTok vì muốn thu hút sự quan tâm của cư dân mạng đã bất chấp sản xuất nội dung phản cảm, thậm chí dựng chuyện sai sự thật.

Đặc biệt, sau vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng (ngụ TP Hồ Chí Minh, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) bị bắt để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, mới đây do có nhiều video xuyên tạc, vi phạm pháp luật, một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng làm YouTube có nội dung độc hại. Đáng nói, khi bà Phương Hằng livestream, có nhiều người vì chạy theo xu hướng, đã tạo nên nhiều video clip có nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật gây ra sự nhiễu loạn trong đời sống và xã hội.

Trước đó, sự kiện YouTuber Thơ Nguyễn bị cả cộng đồng mạng lên án vì hành vi tạo ra clip phản cảm, hướng dẫn sai cho trẻ em... gây chấn động một thời và kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Hay gần đây, dư luận bức xúc trước hành vi làm clip bẩn của Tiktoker Nờ Ô Nô - đăng các video có nội dung miệt thị người khác, rất phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Cần xử lý rốt ráo vấn nạn YouTube, Tiktok
Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Võ Minh Điền (Điền Võ Vlog) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Trên các diễn đàn, hàng loạt người dùng mạng xã hội thể hiện sự phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay kênh có đăng các video phản cảm nói trên và đã report (báo cáo) tài khoản này. Sau đó, TikToker này đã bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng…

Không chỉ có chủ tài khoản mạng xã hội nói trên, nhiều người làm nội dung trên YouTube, TikTok, Facebook cũng bị phạt về hành vi tương tự. Cuối tháng 8, TikToker Hoàng Minh bị phạt 10 triệuđồng vì đã đăng tải nội dung nói xấu người miền Trung…

Nhìn chung các trường hợp đã bị xử phạt chưa thấm vào đâu so với số lượng kênh có nội dung “bẩn” đang nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok - mạng xã hội đang có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người tham gia, đặc biệt là người trẻ. Thực tế này đã và đang gây những hậu quả khôn lường.

Mới nhất là chủ kênhYoutube Điền Võ Vlog (Võ Minh Điền, SN 1986, ngụ tỉnh Bạc Liêu, tạm trú tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) chỉ vì các mâu thuẫn nhỏ trên mạng mà dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật và vừa bị Cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Trước đó, tối 17/2/2023, cơ quan Công an nhận tin báo về việc 2 nhóm người xảy ra ẩu đả bằng các hung khí như dao, kiếm, chai bia thủy tinh, cây dũ 3 khúc… sau đó, một nhóm người còn lao vào đập phá xe ôtô tại con hẻm trên đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Vụ việc khiến 2 người bị thương và chiếc xe ôtô bị hư hỏng với tổng giá trị thiệt hại gần 100 triệu đồng.

Công an quận Bình Tân phối hợp với Công an phường Bình Hưng Hòa B truy xét, xác định nguyên nhân vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai nhóm YouTuber, trong đó có Võ Minh Điền… Riêng với TikTok, chỉ sau 4 năm ra mắt trên toàn cầu, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc này đã thu hút 1 tỷ người dùng.

Theo số liệu từ Báo cáo Kỹ thuật số 2022 của Tổ chức We Are Social, Việt Nam hiện có hơn 39,9 triệu người dùng TikTok trên 18 tuổi, tức hơn 55% người dùng Internet Việt Nam… Chính vì vậy, nhiều người rất lo ngại rằng các nội dung “bẩn” trên mạng xã hội này sẽ tác động xấu tới giới trẻ. Mặc dù, TikTok thường xuyên báo cáo về việc kiểm soát nội dung bẩn bằng cách xóa kênh, nhưng cách này dường như vẫnchưa thực sự hiệu quả. Theo đó, vào tháng 7/2022, TikTok đã xóa hơn 2,4 triệu video tại Việt Nam trong quý I/2022. Đến tháng 9/2022, TikTok tiếp tục xóa 113 triệu video trên toàn bộ nền tảng… Đây đều là những video được xác định đã vi phạm chính sách về Tiêu chuẩn cộng đồng do TikTok đặt ra. Các nội dung vi phạm rất đa dạng, gồm chứa thông tin, hình ảnh gây kích động, thù địch, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, hình ảnh khỏa thân...

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, nội dung “bẩn” là vấn đề nhức nhối đối với nhiều nền tảng chia sẻ thông tin trên internet khác như Facebook, Instagram... đặc biệt là YouTube. Dù những doanh nghiệp này đều cố gắng kiểm soát, thắt chặt chính sách, các nội dung “bẩn” vẫn tràn lan và tiếp cận người dùng thành công.

Về phía các cơ quan chức năng, dù đã nhiều lần cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng và tiến hành xử lý nhiều cá nhân từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự. Tuy nhiên, nhiều cá nhân vẫn bất chấp vì “đồng lợi” từ việc kiếm tiền từ nội dung “bẩn” hay vì danh lợi, mong muốn nổi tiếng… Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội mang đến cơ hội kiếm tiền cho nhiều người, nhưng đó cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các loại tội phạm mạng cũng như người xấu lan truyền những nội dung độc hại...

Ngoài việc tăng cường quản lý, xử phạt thích đáng của cơ quan chức năng đối với các trường hợp vi phạm, người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ cần nâng cao cảnh giác, biết tẩy chay, báo cáo những nội dung xấu để tự bảo vệ mình.

Công an TP Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian tới sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, Phòng ANM&PCTPSDCNC Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân khi xem hay gặp các YouTuber, Tiktoker bẩn cần Báo cáo (Report) ngay cho nhà phát hành ứng dụng...

Phú Lữ
.
.
.