Cẩn trọng trước các "chiêu trò" sử dụng tin nhắn rác, cuộc gọi giả mạo để lừa đảo
Sau khi Nghị định 91 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực, lượng tin nhắn rác tại nhiều thời điểm đã lắng xuống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi tiếp thị, quảng cáo có dấu hiệu tái diễn, gây phiền toái cho người dùng. Đặc biệt là xuất hiện một số tin nhắn rác có dấu hiệu mời chào kiểu đa cấp, cuộc gọi giả mạo lừa đảo người dùng.
"Đánh" vào lòng tham, nỗi sợ hãi của người dùng để lừa đảo
Anh Vũ Quốc Đạt ở Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, ngoài các tin nhắn quảng cáo, mời gọi đăng ký dịch vụ, ứng tiền nhanh từ nhà mạng thì hầu như tuần nào anh cũng nhận được 2-3 tin nhắn mời gọi làm việc với mức lương cao. Có công việc chỉ cần làm việc ở nhà nhưng mức lương từ 10-50 triệu đồng/tháng.
"Tôi liên hệ theo số điện thoại thì được giới thiệu làm cộng tác viên cho một thương hiệu mỹ phẩm, khác hoàn toàn với quảng cáo. Mức hoa hồng khi bán được sản phẩm lên tới 40% và bắt buộc phải đặt cọc trước hơn 50 triệu đồng để nhận sản phẩm về bán. Nghi ngờ đây là hình thức lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng nên tôi chặn số ngay", anh Đạt nói.
Đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, thời gian qua đã thường xuyên nhận được phản ánh từ người dân về việc tin nhắn rác, đặc biệt là các cuộc gọi giả mạo và đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại này.
Một thủ đoạn lừa đảo phổ biến gần đây nhất là kịch bản đối tượng xấu giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu cầu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa.
Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn gặp phải những cuộc gọi giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông, điện lực gọi điện thông báo nợ cước…
Khi nhận được các cuộc gọi giả mạo này, các chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.
Ngoài việc tác động vào lòng tham bằng các món quà trúng thưởng, hứa hẹn công việc có thu nhập cao để khiến người dùng dễ "sập bẫy", các đối tượng còn thực hiện các cuộc gọi lừa đảo đánh vào nỗi sợ hãi như giả mạo lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ nghiêm trọng nào đó...
Khi nạn nhân nói rằng không liên quan, các đối tượng lừa đảo sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình. "Người dân cần lưu ý rằng các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng", chuyên gia NCSC đưa ra khuyến cáo.
Kết quả chặn tin nhắn rác của các nhà mạng còn chưa đồng đều
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Cục ATTT cho biết: Để hạn chế tình trạng tin nhắn rác bùng phát, Cục ATTT đã chỉ đạo các nhà mạng phối hợp triển khai các giải pháp nhằm hạn chế sự phát tán của tin nhắn rác, cuộc gọi rác như triển khai hệ thống phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã đi vào hoạt động, người dân đã có thể tiến hành phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656 và website thongbaorac.ais.gov.vn.
Cục cũng đã triển khai hệ thống Danh sách không quảng cáo (National Do Not Call) qua đầu số 5656 và website khongquangcao.ais.gov.vn. Người dùng đã có thể đăng ký vào Danh sách không quảng cáo theo cú pháp "DK DNC gửi 5656". Sau khi đăng ký, không cá nhân, doanh nghiệp quảng cáo nào được phép gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện quảng cáo vào các số điện thoại đã đăng ký trong danh sách này.
Cục cũng đã cấp tên định danh cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải sử dụng tên định danh để nhắn tin, gọi điện quảng cáo, không được sử dụng số điện thoại để nhắn tin, gọi điện quảng cáo. Yêu cầu các nhà mạng triển khai hệ thống cảnh báo cuộc gọi rác cho người dùng; các hệ thống kỹ thuật áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, bigdata để ngăn chặn hiệu quả tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Đặc biệt, Cục ATTT cũng đã phối hợp với cơ quan Công an thanh tra, kiểm tra xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác có yếu tố vi phạm pháp luật hình sự. Đôn đốc các địa phương tuyên truyền cho người dân, tổ chức quảng cáo hợp pháp; giám sát, xử lý các hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác; phối hợp với Thanh tra Sở TT&TT các địa phương kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các tổ chức vi phạm, đề nghị doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao điện thoại vi phạm nhắn tin quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo sai quy định.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Tuân, các nhà mạng hiện đang đều có những nỗ lực trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Tuy vậy, kết quả ngăn chặn của các nhà mạng là chưa đồng đều, một phần là do một số nhà mạng vẫn còn chưa quyết liệt, một phần là vì hệ thống kỹ thuật của nhà mạng hiệu quả chặn lọc khác nhau, nhà mạng nào đầu tư, tích hợp công nghệ mới sẽ có hiệu quả cao hơn.
Hiện tại, Cục ATTT đang triển khai các giải pháp để giám sát chặt chẽ việc xử lý thuê bao thực hiện cuộc gọi rác thông qua số lượng xử lý phản ánh qua đầu số 5656, đồng thời sẽ công bố số liệu xử lý phản ánh của người dùng của từng nhà mạng làm cơ sở đánh giá việc ngăn chặn cuộc gọi rác của các nhà mạng.