Các cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương bào chữa gì trong phiên xử?

Thứ Hai, 22/08/2022, 13:57

Sau một ngày tạm nghỉ cuối tuần, sáng 22/8, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam và đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh uỷ Bình Dương là chủ sở hữu) tiếp tục phần tranh luận.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm: Không biết, không theo dõi, không kiểm tra

Tự bào chữa, bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Phó Bí thư Tỉnh uỷ, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) cho rằng, với tính chất và mức độ phạm tội của mình thì bị cáo không đến mức bị đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà đề nghị mức án từ 9-10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Theo bị cáo Liêm, mức án như vậy là quá nặng. 

 “Tôi không theo dõi, không có nhiều thông tin hoạt động của Tổng Công ty Bình Dương, cũng không thường xuyên kiểm tra việc cổ phần hóa tại Tổng Công ty Bình Dương có đúng hay không nên mới để xảy ra sai sót. Khi cổ phần hóa, tôi đã tin tưởng vào cơ quan tham mưu trong quá trình xem xét, đánh giá giá trị cổ phần. Trong quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Bình Dương có thẩm định giá, sau đó Kiểm toán Nhà nước đã thẩm tra và chấp nhận”, bị cáo Liêm phân trần.

Về sai phạm tại khu đất 43ha ở thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), bị cáo Liêm thanh minh, không biết Tổng Công ty Bình Dương bán cổ phần cũng như sang tên khu đất cho chủ sở hữu mới. Do đó, cáo trạng quy kết bị cáo biết hai việc này là không đúng. “Thời điểm đó, tôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Trong khi Tổng Công ty Bình Dương là doanh nghiệp thuộc Tỉnh uỷ Bình Dương”, bị cáo Liêm nhấn mạnh.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xin hưởng mức án nhẹ  -0
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm. 

Bị cáo Liêm giải thích thêm, tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương về việc Tổng Công ty Bình Dương bán cổ phần, bị cáo Liêm nghĩ rằng, bán cổ phần xong sẽ lấy tiền đầu tư dự án khác. Và khi đó, Thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương đều thống nhất như thế, chứ không ai nói đến việc chuyển nhượng đất. Sai phạm ở đây là Tổng Công ty Bình Dương thực hiện không đúng với chủ trương của Tỉnh uỷ Bình Dương.

Theo bị cáo Liêm, khi dư luận phản ánh việc Tổng Công ty Bình Dương bán đất cho tư nhân, Thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương đã triệu tập các ban, ngành lên để báo cáo sự việc. Và sau đó, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn thanh tra xác minh để có hướng xử lý đối với sai phạm này.

Quá trình thanh tra, Thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương rất kiên quyết chỉ đạo Tổng Công ty Bình Dương phải khắc phục hậu quả, nhưngquá trình này kéo dài. “Lúc đoàn thanh tra xác minh thấy có dấu hiệu vi phạm, tôi đã chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý. Điều này thể hiện, tôi đã có thái độ kiên quyết, dứt khoát khi biết Tổng Công ty Bình Dương có vi phạm”, bị cáo Liêm quả quyết.

Trước khi dừng lời, bị cáo Liêm mong HĐXX xem xét bị cáo có vi phạm, nhưng không đó động cơ, lợi ích, vụ lợi cá nhân. Bị cáo Liêm xin HĐXX khi lượng hình cho bị cáo được hưởng khoan hồng, được áp dụng mức án nhẹ nhất để sớm có cơ hội trở về với gia đình và xã hội.

Cáo trạng xác định, năm 2017, bị cáo Liêm với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã đồng ý để Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng vốn góp tại liên doanh Công ty Tân Phú, thực chất là chuyển nhượng 43ha đất ở thành phố Thủ Dầu Một. Hành vi sai phạm này đã gây thất thoát của Nhà nước hơn 984 tỷ đồng.

Cùng năm 2017, bị cáo Liêm đã ký Quyết định số 3468, đồng ý cho Tổng Công ty Bình Dương đưa 145ha đất ở thành phố Thủ Dầu Một từ danh mục “tài sản đang dùng” thành “tài sản chờ thanh lý”. Khu đất do đó không được đưa vào giá trị Tổng Công ty Bình Dương khi cổ phần hóa. Hành vi sai phạm này đã gây thất thoát của Nhà nước 4.030 tỷ đồng.

Trong cả hai hành vi sai phạm trên, cáo trạng xác định, bị cáo Liêm chỉ có vai trò phụ, giúp sức cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương).

Cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ  Phạm Văn Cảnh luôn thừa nhận sai phạm

Bị cáo Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương) bị bệnh và đang phải điều trị tích cực trong quá trình phiên toà diễn ra. Khi xét xử vắng mặt, bị cáo Cành bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 4-5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Cảnh cho biết, từ khi vụ án được phát hiện đến khi điều tra, truy tố, bị cáo Cành luôn thừa nhận hành vi sai phạm. Tại thời điểm xảy ra sai phạm, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương dù đã làm mọi biện pháp nhưng cũng không ngăn chặn được việc xảy ra.

Vì để giải quyết vấn đề thì cần có sự hợp tác của các bên, và phải giải quyết bằng cả vụ án. Theo quan điểm bào chữa của luật sư, bị cáo Cành được xác định liên quan đến thiệt hại hơn 900 tỷ đồng là chưa xác đáng.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xin hưởng mức án nhẹ  -0
Các bị cáo tại phiên toà. 

Luật sư bào chữa cũng đưa ra các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Cành, trong đó nhấn mạnh việc bị cáo Cành vừa trải qua đợt điều trị loại bỏ khối u tại não.

Luật sư cũng đề nghị HĐXX cho bị cáo Cành được áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, cho bị cáo được miễn hình phạt, bởi bị cáo có vai trò không đáng kể.

Cáo trạng xác định, quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Bình Dương, với chức trách, nhiệm vụ được giao, bị cáo Cành cùng bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương), bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) là những người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc thống nhất chủ trương, quyết định và chỉ đạo Tổng Công ty Bình Dương chuyển giao khu đất 43ha và 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương về cho Công ty Impco (doanh nghiệp cũng thuộc Tỉnh uỷ Bình Dương). 

Tuy nhiên, tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương ngày 17/4/2017, khi biết Tổng Công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43ha ở thành phố Thủ Dầu Một cho Công ty Tân Phú trái với chủ trương, quyết định của Tỉnh ủy Bình Dương và trái với quy định pháp luật, nhưng bị cáo Cành không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng để thực hiện theo đúng quyết định của chủ sở hữu.

Bị cáo Cành đã đồng ý theo ý kiến của bị cáo Trần Văn Nam cho Tổng Công ty Bình Dương tiếp tục được chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh (Công ty Tân Phú) cho Công ty Âu Lạc.

Hành vi này đồng nghĩa với việc Nhà nước thoát ly toàn bộ quyền quản lý tài sản tại Dự án khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha ở thành phố Thủ Dầu Một, tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương) và đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Nhà nước sang công ty tư nhân trái pháp luật. 

Hành vi của bị cáo Cành được xác định liên đới cùng bị cáo Trần Văn Nam, bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm khác gây thất thoát cho Nhà nước hơn 984 tỷ đồng.

Nguyễn Hưng
.
.
.