Các bị cáo "trải lòng" trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Bị cáo Quản Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) thừa nhận, có sự sai lệch trong việc tính giá trị thiệt hại. Bị cáo Phan Ngọc Thơm (cựu Phó Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) khai, cần có cơ quan chuyên ngành đánh giá lại kết luận giám định.
Ngày 24/11, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ sai phạm xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với phần thẩm vấn các bị cáo. Trước bục khai báo, bị cáo Hoàng Trung Hậu (cựu Kỹ sư nhà thầu tư vấn giám sát, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) khai, khi phát hiện vật liệu nguồn không đảm bảo chất lượng, bị cáo đã báo cáo giám sát người nước ngoài, nhưng họ không có ý kiến gì.
Bị cáo Quản Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) thừa nhận, có sự sai lệch trong việc tính giá trị thiệt hại. Bị cáo Phan Ngọc Thơm (cựu Phó Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) khai, cần có cơ quan chuyên ngành đánh giá lại kết luận giám định.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, trong vụ án này, thiệt hại được xác định là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu, nhưng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán với số tiền đặc biệt lớn là hơn 811 tỷ đồng cho các nhà thầu thi công. Đây chính là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án. Năm 2014, các Liên danh các nhà thầu tham gia dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã ký hợp đồng với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để thực hiện dự án, với tổng giá trị các hợp đồng lên tới hơn 8.000 tỷ đồng gồm liên danh 2 nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) và Cienco1; liên danh hai nhà thầu gồm Cienco6 và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 (Trico); liên danh 4 nhà thầu gồm Cienco4; Tổng Công ty xây dựng Sông Đà; Tổng Công ty xây dựng Thăng Long và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc. Liên danh 4 nhà thầu gồm: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành; Cienco6; Cienco8 và Công ty TNHH xây dựng Thành Phát. Liên danh 3 nhà thầu gồm: Công ty Obrascon Huarte Lain, S.A, Tây Ban Nha; Cienco1 và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mê Kông.
Theo cơ quan tố tụng, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan không thực hiện nghiệm thu chuyển giai đoạn sau khi thi công xong lớp đất nền K98 để đánh giá chất lượng các lớp vật liệu đã thi công như quy định (gói thầu số 1, 2, 7). Đối với gói số 1, số 2, số 3B và số 4, việc chuẩn bị tổ chức thực hiện thi công, nghiệm thu lớp bê tông nhựa tạo nhám theo công nghệ VTO đã được đơn vị thiết kế kỹ thuật, Chủ đầu tư dự án xây dựng, phê duyệt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Tổng Giám đốc VEC, Chủ tịch Hội đồng NTCS dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) đã để một số nhà thầu tại các gói thầu tự chuyển từ công nghệ thi công VTO sang công nghệ thi công Novachip đối với lớp bê tông nhựa tạo nhám, trong điều kiện VEC và các đơn vị liên quan chưa nghiên cứu, thử nghiệm hiệu quả của công nghệ này, không thông qua đơn vị Tư vấn thiết kế kỹ thuật, Bộ Giao thông Vận tải để điều chỉnh khung pháp lý áp dụng công nghệ khác đối với dự án đang triển khai.
Cơ quan giám định chất lượng công trình xây dựng kết luận, các nguyên nhân nêu trên làm giảm khả năng chịu tải trọng của công trình, công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác. Đặc biệt, đối với các lớp có sử dụng vật liệu đá (cấp phối đá dăm, bê tông nhựa các loại), ngày 18/5/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi chủ đầu tư, cảnh báo về chất lượng kém đối với nguồn vật liệu đá của các mỏ đá tại Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Nhưng ông Hùng chỉ chuyển văn bản đến Ban Quản lý dự án xem xét, không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra đánh giá, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng ra khỏi dự án, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại...
Trước đó, khi trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó Tổng Giám đốc VEC, cựu Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) thừa nhận, nội dung cáo trạng truy tố là đúng. Nhưng bị cáo Hùng cho rằng, đã nhận được văn bản khuyến cáo của Bộ Giao thông Vận tải, sau đó, bị cáo chuyển văn bản cho Ban quản lý dự án. Bị cáo thanh minh, vật liệu đá do nhà thầu chuẩn bị nên phải chịu trách nhiệm chất lượng, song thừa nhận bản thân bị cáo có trách nhiệm gián tiếp, thiếu đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Và mặc dù, bị cáo Hùng đã cố gắng nhưng chưa phát hiện được những sai phạm tại dự án. Bị cáo Hùng đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi chuyển công nghệ thi công VTO sang Novachip được thực hiện sau khi bị cáo không còn phụ trách dự án.
Đồng sự kế nhiệm của bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng là bị cáo Lê Quang Hào cũng thừa nhận nội dung cáo buộc của Viện Kiểm sát, song bị cáo thấy “giật mình” khi nhận được bản giám định kết luận toàn tuyến cao tốc bị hư hại nghiêm trọng. Trong giai đoạn bị cáo phụ trách, dù trong thời gian ngắn, kết quả nghiệm thu, giám sát đều cho thấy, cao tốc đạt yêu cầu đưa vào sử dụng. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở, bị cáo Hào buộc tiến hành nghiệm thu công trình, đưa vào sử dụng không đúng quy định của pháp luật trong khi còn tới 5 trong 7 gói thầu chưa hoàn thành thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám. Giải thích điều này, bị cáo Hào nói, hợp đồng cho phép nghiệm thu từng phần nên bị cáo chỉ đưa cao tốc vào “sử dụng tạm thời”. Bị cáo Hào vẫn yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát chất lượng để tiến tới đưa vào sử dụng chính thức. Khi bị cáo phụ trách, nền đường đã nghiệm thu xong và cũng chưa có hạng mục nào thi công tiếp.
Vì thế, bị cáo Hào cho rằng mình không chịu trách nhiệm nghiệm thu bất cứ phần nào của công trình. HĐXX hỏi, vì sao khi phát hiện các hạng mục thi công mặt đường chưa đạt yêu cầu và chưa hoàn thành, bị cáo lại không làm báo cáo gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, bị cáo Hào cho biết, "trong mẫu báo cáo chỉ yêu cầu báo cáo các hạng mục hoàn thành nên những gì chưa hoàn thành thì bị cáo không báo cáo”.
Cáo trạng xác định, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và bị cáo Lê Quang Hào đã vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, bị cáo Hùng không tổ chức việc nghiệm thu cơ sở sau khi thi công xong lớp đất nền K98, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng các hạng mục công trình; để một số nhà thầu tự chuyển công nghệ thi công VTO sang công nghệ Novachip đối với lớp bê tông nhựa tạo nhám khi chưa nghiên cứu, thử nghiệm. Đặc biệt, ngày 18/5/2016, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản 1328, cảnh báo về chất lượng kém đối với nguồn vật liệu đá của các mỏ đá tại khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam. Tuy nhiên, bị cáo Hùng không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra đánh giá, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng.
Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I của dự án (đoạn đường 65 km từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án. Mặc dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án. Trả lời thẩm vấn tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng đề nghị có cơ quan giám định chuyên sâu đánh giá lại giá trị thiệt hại.