Biết bà Trương Mỹ Lan rút tiền sai quy định nhưng hai cán bộ cấp cao vẫn làm ngơ

Thứ Năm, 07/03/2024, 09:52

Biết rõ bà Trương Mỹ Lan rút hàng trăm tỷ đồng từ Ngân hàng SCB để trả nợ cũ tại Ngân hàng SCB, trả khoản vay ở các ngân hàng khác, mua dự án mới… sai quy định nhưng cả Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB vẫn làm ngơ.

Ngày thứ 3 xét xử vụ Vạn Thịnh Phát, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn là người đầu tiên được HĐXX gọi lên bục xét hỏi. Bị cáo giữ nguyên lời khai tại CQĐT, xác định hành vi của bị cáo là phù hợp với cáo trạng.

Võ Tấn Hoàng Văn vào SCB từ tháng 7/2013. Trước đó, Văn làm công ty kiểm toán Quốc tế, công tác ở Hà Nội 18 năm và muốn trở về miền Nam để làm việc tại quê. Nguyễn Thị Thu Sương, Chủ tịch HĐQT đã đưa Văn sang làm việc tại SCB. Văn cho biết, bản thân có vị trí trong ngành kiểm toán nên được chọn vào vị trí Phó chủ tịch Ủy ban chiến lược của ngân hàng SCB.

Biết bà Trương Mỹ Lan rút tiền sai quy định nhưng hai cán bộ cấp cao vẫn làm ngơ -0
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn trả lời Hội đồng xét xử (ảnh chụp qua màn hình)

Sau 6 tháng, Văn được lên làm  Phó Tổng giám đốc rồi được HĐQT bổ nhiệm làm Tổng giám đốc tạm quyền. Văn cho biết, sau một thời gian làm việc tại SCB, Văn nhận thấy bà Lan là người nắm cổ phần lớn và có ảnh hưởng đến thành viên HĐQT cũng như ban điều hành SCB.

Khai với CQĐT, Văn cho biết chính bà Lan đã đưa mình lên vị trí Tổng giám đốc. Văn thừa nhận bà Lan cũng là người đứng sau điều hành, chỉ đạo mọi hoạt động của ngân hàng SCB huy động trong một thời gian dài là hơn 511.000 ngàn tỷ đồng từ trong dân. Văn xác định rõ tất cả các khoản vay cho bà Lan vay đều không đúng, nhưng vì bà Lan nắm giữ phần lớn cổ phần trong SCB nên đã bị cáo đã “nhắm mắt đưa chân”.

Biết bà Trương Mỹ Lan rút tiền sai quy định nhưng hai cán bộ cấp cao vẫn làm ngơ -0
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 7/3.

Mặt khác, Văn tin tưởng với chiến lược kinh doanh của tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Lan sẽ là nơi nương tựa, giúp cho ngân hàng SCB phục hồi trong tái cơ cấu. Văn thừa nhận, ngân hàng SCB chính là công cụ của bà Lan. Văn khẳng định bản thân không được hùn hạp hay ăn chia gì mà chỉ ăn lương, nhưng động cơ chỉ là tin tưởng vào trình độ điều hành của bà Lan. Văn cho rằng mình chỉ là người làm thuê nên trách nhiệm bồi thường cho các cá nhân, tổ chức đã gửi tiền, góp vốn vào SCB đều do bà Lan chịu trách nhiệm, vì bà Lan là người hưởng lợi.

Khi biết có đoàn thanh tra, những lần Văn ra Hà Nội đều được bà Lan nhờ mang hộp trái cây gửi cho Đỗ Thị Nhàn. Thời điểm đưa hộp quà, Văn không hề biết có bao nhiêu tiền trong đó. Tổng cộng Văn đã gặp và đưa cho Nhàn 3 lần quà, trong đó một lần là 200.000 USD tại cơ quan của Nhàn. Với tư cách là Tổng giám đốc SCB, biết rất rõ tình hình tài chính rất xấu của ngân hàng nên Văn đã nghe theo lời bà Lan, đưa tiền cho Nhàn. Sau khi đưa tiền thì SCB không bị thanh tra.

Biết bà Trương Mỹ Lan rút tiền sai quy định nhưng hai cán bộ cấp cao vẫn làm ngơ -0
Các bị cáo tại tòa.

Người thứ 2 bước lên bục xét xử là Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch  SCB). Bùi Anh Dũng thừa nhận bản luận tội trong bản cáo trạng của VKS. Dũng cho biết lương được hưởng mức thấp 70 triệu đồng/tháng vào các năm 2013 – 2014 và sau này cao nhất là khoảng 500 triệu đồng/tháng.  Ngoài ra, Dũng còn được bà Lan cho 5.000 ngàn cổ phiếu trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền tại SCB để chia và cho những người thân tín và giúp sức cho mình trong suốt quá trình chiếm đoạt. Riêng hai cái tết 2020 và 2021, Dũng được Lan cho 40 tỷ đồng. Bị cáo Dũng chỉ nghĩ đó là chủ cho nhân viên chứ không có suy nghĩ gì nhiều.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Bùi Anh Dũng muốn khắc phục 35 tỷ đồng và 500.000 cổ phiếu tại SCB.

Ngọc Thiện - Văn Hào - Đức Mừng
.
.
.