Biến khóa trôi nổi thành hàng hiệu rồi lên mạng bán

Thứ Năm, 23/06/2022, 17:18

Nguyễn Thị Phương (SN 1994, HKTT tại thôn Gia Vĩnh, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đã thu mua gom những loại khóa, phụ kiện khóa trôi nổi sau đó giả làm sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng để bán ra thị trường.

Ngày 23/6, Phòng CS ĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Hà Nội cho biết, đã bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thị Phương để xử lý về hành vi buôn bán hàng giả. Số hàng hóa được Phương buôn bán gồm các phụ kiện cửa mang nhãn hiệu của những thương hiệu như Kin Long, Huy Hoang, Viet - Tiep.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Phương có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu, nghi giả sản phẩm phụ kiện cửa nhãn hiệu Kin Long đang được bảo hộ tại Việt Nam. 

Mua khóa trôi nổi về dán mác hàng “xịn” rồi tung ra thị trường -0
Các trinh sát kiểm tra số hàng hóa trong kho hàng của Nguyễn Thị Phương.

Trưa 20/6, tổ công tác của Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Công an huyện Thanh Oai và Công an xã Thanh Thùy kiểm tra khu vực nhà kho tập kết hàng hóa của Nguyễn Thị Phương ở xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện, tạm giữ số lượng lớn hàng hóa là phụ kiện khóa cửa nhãn hiệu Kin Long. Toàn bộ số hàng này Nguyễn Thị Phương đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Phạm Bá Nguyên, nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Kin Long Việt Nam cũng là đơn vị được ủy quyền phân phối độc quyền các sản phẩm mang nhãn hiệu Kin Long tại Việt Nam xác nhận: Toàn bộ số hàng hóa mang nhãn hiệu Kin Long do đoàn kiểm tra phát hiện tại kho hàng của Nguyễn Thị Phượng là hàng giả, không phải hàng hóa do Công ty TNHH Kin Long Việt Nam nhập khẩu, phân phối trên thị trường.

Ngoài số lượng lớn hàng hóa là phụ kiện của nhãn Kin Long, tổ công tác còn phát hiện, thu giữ số lượng lớn phụ kiện khóa cửa của các nhãn hiệu khác như Huy Hoang, Viet – Tiep. Số hàng hóa này cũng được xác định có dấu hiệu là giả, không có hóa đơn, chứng từ. Tổng số có 11.545 sản phẩm theo bảng giá nhà sản xuất cung cấp ra thị trường trị giá tương đương với hàng thật là hơn 1,2 tỷ đồng.

Qua đấu tranh, Nguyễn Thị Phương khai nhận bắt đầu kinh doanh các mặt hàng phụ kiện cửa trên từ đầu năm 2020, trong đó có những sản phẩm phụ kiện cửa mang nhãn hiệu Kin Long, Huy Hoang, Viet – Tiep. Số hàng hóa trên được Phương mua trôi nổi trên thị trường rồi tập kết tại thôn Gia Vĩnh, xã Thanh Thùy. Phương dán mác những sản phẩm trên giả làm những thương hiệu có uy tín rồi bán buôn trên nền tảng mạng xã hội. Từ đầu năm 2020 đến nay, Phương đã bán nhiều sản phẩm phụ kiện cửa giả và thu lãi từ hoạt động này.

Hoàng Phong
.
.
.