Bị cáo Nguyễn Đại Dương: Tôi không núp bóng bố vợ
Nguyễn Đại Dương bác bỏ nghi vấn của các luật sư khi cho rằng: “Tôi không muốn đầu tư vào nơi đây vì thấy dự án đó không sinh lời được. Tôi không bao giờ làm bất động sản ở đâu ngoài quê hương tôi- Hà Nội. Bố vợ tôi khi đó nhờ tôi tìm đối tác để cùng thực hiện dự án. Nếu đối tác là tôi thì sẽ ảnh hưởng đến ông và cũng rất dễ bị hiểu lầm là tôi nấp sau lưng ông. Và tôi không núp bóng bố vợ”.
Chiều 18/8, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam và đồng phạm trong vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Tỉnh uỷ Bình Dương là chủ sở hữu) tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.
Trong phiên xử chiều nay, các luật sư đưa ra nhiều câu hỏi với bị cáo Nguyễn Đại Dương (SN 1965, người điều hành Công ty Âu Lạc). Bị cáo Dương là con rể của bị cáo Nguyễn Văn Minh (SN 1955, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương), mà dư luận vẫn quen gọi là “đại gia” đất.
Bị cáo Nguyễn Đại Dương và bị cáo Nguyễn Văn Minh bị cáo buộc đã chuyển trái pháp luật quyền sở hữu khu đất “vàng” 43ha ở thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ Nhà nước về tư nhân với giá rẻ, gây thiệt hại 984 tỷ đồng.
Bị cáo Dương thành lập Công ty Âu Lạc và nhờ người tên Dương Đình Tâm (được tòa xác định là nhân chứng) trong vụ án đứng tên 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc. Sau đó, Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đạ Dương và Tổng Công ty Bình Dương của Nguyễn Văn Minh thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú để đầu tư tại khu đất “vàng” 43ha ở thành phố Thủ Dầu Một.
Trước đó, Tỉnh ủy Bình Dương từng có văn bản yêu cầu khu đất này phải được giao về cho Công ty Impco (cũng là doanh nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương). Tuy nhiên, Trần Văn Minh không thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ Bình Dương mà bán toàn bộ cổ phần của Tổng Công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương.
Vậy là, khu đất “vàng” 43ha ở thành phố Thủ Dầu Một từ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước đã bị chuyển trái pháp luật sang tư nhân với giá “bèo”. Khu đất này sau đó được bán cho bà Đặng Thị Kim Oanh, một nữ đại gia của nhiều công ty ở TP Hồ Chí Minh.
Trả lời HĐXX, kiểm sát viên và luật sư tại phiên tòa, nhân chứng Dương Đình Tâm nhiều lần khẳng định, ông ta chỉ làm nghề “bán thịt lợn” và nhận lời đứng tên sở hữu 45% cổ phần (tương đương 30 tỷ đồng) hộ Nguyễn Đại Dương. Điều đó thể hiện qua việc, ông Tâm “ký không cần đọc” nhiều văn bản do Nguyễn Đại Dương đưa ra.
Cũng vì “ký không cần đọc” mà sau này, vợ chồng ông Tâm được Nguyễn Đại Dương cho vay 4,5 tỷ đồng. Đến nay, vợ chồng ông Tâm chưa có tiền trả cho Nguyễn Đại Dương.
Năm 2017, ông Tâm sợ liên lụy nên nhờ Nguyễn Đại Dương viết văn bản xác nhận việc, ông đứng tên hộ 45% cổ phần cho Nguyễn Đại Dương. Ông Tâm nói tại toà: “Giờ mà không có văn bản đó thì tôi nguy”.
Ở chiều ngược lại, bị cáo Nguyễn Đại Dương khai không nhờ ai đứng tên hộ cổ phần tại Công ty Âu Lạc. Dương bảo, bị cáo không hiểu sao ông Tâm lại nói như thế về Dương.“
Trước đây, anh em gắn bó với nhau như thế nào, mà hôm nay anh ấy lại khai như vậy trước toà. Tôi không giải thích được”, Dương phân trần.
Bị cáo Dương cho rằng, thực chất có một người tên Quân cùng tham gia góp vốn vào Công ty Âu Lạc. Nhưng bây giờ, không ai góp vốn mấy chục tỷ đồng bằng tiền mặt mà phải chuyển qua tài khoản ngân hàng.
“Chỉ cần truy xem ai nộp tiền vào tài khoản thì sẽ biết đó người góp vốn. Tôi cần cái bằng chứng khách quan đó để xem các lời khai của anh Tâm có phù hợp không”, bị cáo Dương nêu ý kiến.
Đặt câu hỏi với bị cáo Dương, một số luật sư nêu nghi vấn: “Dương có lợi thế bố vợ (ông Nguyễn Văn Minh) làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đóc Tổng Công ty Bình Dương nên có thể tận dụng cơ hội này để đầu tư vào dự án khu đất 43 ha?”.
Tuy nhiên, Nguyễn Đại Dương bác bỏ nghi vấn của các luật sư khi cho rằng: “Tôi không muốn đầu tư vào nơi đây vì thấy dự án đó không sinh lời được. Tôi không bao giờ làm bất động sản ở đâu ngoài quê hương tôi- Hà Nội. Bố vợ tôi khi đó nhờ tôi tìm đối tác để cùng thực hiện dự án. Nếu đối tác là tôi thì sẽ ảnh hưởng đến ông và cũng rất dễ bị hiểu lầm là tôi nấp sau lưng ông. Và tôi không núp bóng bố vợ”.
Sáng mai (19/8), phiên toà tiếp tục.