Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển dầu DO trái phép

Thứ Hai, 18/07/2022, 09:21

Ngày 17/7, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (đóng tại Vũng Tàu) đã đưa tàu TG 93798 TS về đến TP Vũng Tàu để tiếp tục điều tra việc tàu này chở 90.0000 lít dầu D.O không rõ nguồn gốc.

Trước đó, đêm 15/7, tại vùng biển cách Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 45 hải lý về hướng Đông Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu trên có dấu hiệu nghi vấn nên kiểm tra.Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 5 thuyền viên do ông Trần Công Quang (49 tuổi, thường trú TP Mỹ Tho, Tiền Giang) làm thuyền trưởng.

Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu này chở khoảng 90.000 lít dầu D.O nhưng không có giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc. Những thuyền viên đi trên tàu cũng không có chứng chỉ chuyên môn đi biển theo quy định.

trai phep (3).jpg -0
Tàu cá chở khoảng 85.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.

Tương tự, ngày 5/7, Đoàn Trinh sát số 2, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cũng phát hiện một tàu vỏ sắt số hiệu HP 90979 TS vận chuyển 500.000 lít dầu DO trái phép. Tại khu vực biển cách Côn Đảo khoảng 133 hải lý về phía Đông, lực lượng chức năng của Đoàn Trinh sát số 2 phát hiện tàu vỏ sắt do ông Cao Văn Trưởng (SN 1991, trú tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra và phát hiện tàu đang vận chuyển khoảng 500.000 lít dầu DO. Thuyền trưởng Cao Văn Trưởng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số dầu trên.

Trước đó, vào khoảng 15h10 ngày 25/6, trong quá trình tuần tra kiểm soáttrên khu vực biển cách Đông Nam Côn Đảo khoảng 110 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phát hiện tàu cá số hiệu TG- 92008TS có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra phát hiện số lượng lớn dầu DO. Thời điểm đó, trên tàu cá này có 5 thuyền viên do ông Nguyễn Ngọc Đức (SN 1971, ngụ tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng. Theo khai nhận của ông Đức, tàu đang vận chuyển khoảng 85.000 lít dầu DO, số dầu này được mua từ một tàu không rõ số hiệu. Đồng thời, những người trên tàu cũng không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc của hàng hóa…

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, trước tình hình giá xăng dầu trong nước tăng cao, các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển trái phép liên quan đến mặt hàng này có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trên hướng biển. Vùng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cửa ngõ đường thủy của vùng Đông Nam Bộ, có lưu lượng tàu, thuyền qua lại rất lớn. Nắm bắt nhu cầu sử dụng xăng dầu của ngư dân để vận chuyển hàng hóa, khai thác hải sản, một số đối tượng lợi dụng sự chênh lệch giá trong nước và các nước lân cận tìm mọi cách vận chuyển trái phép mặt hàng này về Việt Nam bán kiếm lời bất chính. Đặc biệt, vùng biển có bán kính 100 hải lý quanh Côn Đảo luôn là điểm “nóng” buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép.

Hành vi gian lận trong vận chuyển, buôn bán dầu DO trên biển do các đối tượng cơi nới tàu cá, lợi dụng tàu, hầm chứa cá, nước đá thành khoang chứa dầu, tổ chức mua bán dầu bất hợp pháp của các tàu nước ngoài, sau đó bán lại cho các ngư dân đánh bắt cá trên biển. Phần lớn dầu bán trên biển là hàng hóa trôi nổi, bán rẻ hơn trong bờ nên các lực lượng chức năng không thể xử lý triệt để.

Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép trên biển không chỉ gây mất ANTT trên địa bàn, mà còn gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước và làm xáo trộn thị trường xăng, dầu.

Trước thực trạng đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, từng bước hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu như thời gian qua.

Hoàng Anh
.
.
.