Bắt 8 đối tượng giả nhân viên ngân hàng lừa đảo

Thứ Ba, 27/09/2022, 14:51

Biết nhiều người có nhu cầu cần vay vốn, các đối tượng do Nguyễn Quốc Đạt cầm đầu gọi điện cho khách tư vấn 2 gói vay (10 đến 50 triệu và 60 đến 100 triệu). Khi khách đồng ý vay, để “giải ngân”, khách hàng phải mua bảo hiểm gói vay từ 1,9 triệu đến 3,9 triệu. Khi nạn nhân gởi số tiền này cho chúng thì… không nhận được gói vay nào.

Ngày 27/9, Công an huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cho biết vừa triệt phá đường dây giả nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Quốc Đạt (SN 1999) và Lê Thị Thanh Sáu (SN 1990, cùng ngụ Tân Phú) cầm đầu, bắt 8 đối tượng.

Bắt 8 đối tượng dùng chiêu giả nhân viên ngân hàng lừa đảo -0
Nhóm đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng.

Trước đó, khoảng 17h ngày 24/9, Đội Cảnh sát ĐTTP về KT và CV-Công an huyện Bình Chánh phối hợp với Công an xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B kiểm tra căn nhà số F11/8/1A, ấp 6A, xã Vĩnh Lộc A (nơi đặt trụ sở) và căn nhà số D20/18K, tổ 9 ấp 4A, xã Vĩnh Lộc B (nơi các đối tượng sinh sống) phát hiện 8 đối tượng gồm: H. L. N. N. V (SN 2006, quê Bình Thuận), Q. M. K (SN 2004, quê Sóc Trăng), P. T. P. M (SN 2005, quê Đồng Nai), N. T. B. N (SN 2005, quê Nghệ An), L. K. N (SN 2004, quê Tiền Giang) Đạt và Sáu.

Bắt 8 đối tượng dùng chiêu giả nhân viên ngân hàng lừa đảo -0
Cơ quan điều tra lấy lời khai của Đạt.

Công an đã thu giữ tại 2 địa điểm này hệ thống máy tính, latop, thẻ ATM, sổ sách ghi chú địa chỉ của những nạn nhân mà các đối tượng đã lừa đảo.

Kết quả điều tra ban đầu, nhận thấy sau dịch COVID-19, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay tiền nên Đạt và Sáu đã cấu kết với nhau thành lập một nhóm sau đó thuê mướn một số đối tượng trẻ làm việc dưới trướng của mình. Các đối tượng thuê 2 căn nhà trên để làm điểm hoạt động và cũng là điểm để tập trung nghỉ ngơi tại chỗ.

Bắt 8 đối tượng dùng chiêu giả nhân viên ngân hàng lừa đảo -0
Giả con dấu.

Để đưa “con mồi” vào bẫy, Đạt và Sáu phân công cho những người mình thuê mướn đóng vai các bộ phận như nhân viên tư vấn, nhân viên thẩm định, nhân viên giải ngân và nhân viên chăm sóc khách hàng. Dựa vào danh sách khách hàng thu mua được trên mạng xã hội (gồm tên, địa chỉ, CCCD) các đối tượng gọi điện chào mời nạn nhân 2 gói vay từ 10 đến 50 triệu đồng và từ 60 đến 100 triệu đồng.

Bắt 8 đối tượng dùng chiêu giả nhân viên ngân hàng lừa đảo -0
Thẻ ATM giả.

Khi nạn nhân có nhu cầu vay, các đối tượng chủ động ghi chú thông tin, kết bạn zalo, nhắn tin trao đổi, hướng dẫn. Để được vay 2 gói này, nạn nhân phải đóng số tiền bảo hiểm gói vay từ 1,9 triệu đến 3,9 triệu.

Sau khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng tập hợp thông tin trên để cho Đạt và Sáu “phê duyệt”. Hai đối tượng này phân loại, in hồ sơ “duyệt vay”, thẻ ATM giả và gởi về cho nạn nhân qua đường bưu điện. Các đối tượng thông báo với nạn nhân là số tiền vay đã được “giải ngân” sẵn trong thẻ ATM,  khi khách hàng nhận thẻ kích hoạt sẽ được rút tiền đã vay.

Để có mã số kích hoạt thẻ,  nạn nhân phải chuyển cho chúng tiền “bảo hiểm khoản vay”. Nhiều nạn nhân tin tưởng đã gửi tiền cho chúng. Tuy nhiên khi đem thẻ ra ngân hàng kích hoạt để sử dụng số tiền vay thì các nạn nhân mới biết là thẻ giả, bị lừa. Chỉ trong thời gian ngắn các đối tượng này đã thực hiện thành công hàng chục vụ lừa đảo các nạn nhân ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang…

Công an huyện Bình Chánh kêu gọi ai là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo này đến Cơ quan điều tra - Công an huyện Bình Chánh cung cấp thông tin để củng cố hồ sơ xử lý nhóm đối tượng trên.

M.Đ
.
.
.