Bài học lớn từ vụ cháy quán karaoke làm 32 người thiệt mạng
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương vừa có cáo trạng truy tố trước tòa 6 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC)” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại cơ sở karaoke An Phú (TP Thuận An, Bình Dương) làm 32 người chết vào năm 2022. Phiên tòa xét xử vụ án này dự kiến diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/10/2024.
Cháy nổ hay bất cứ một sự cố, một tai nạn, một thảm họa nào cũng là điều không ai mong muốn. Trong vụ cháy quán karaoke An Phú vào năm 2022 cũng vậy, chẳng ai có thể ngờ rằng, một thảm họa như vậy có thể bất ngờ xảy ra. Nỗi đau khi có đến 32 người thiệt mạng không chỉ có người thân của họ mà nó là một mỗi đau chung của xã hội, của mỗi con người khi phải nghe, thấy, chứng kiến…một thảm họa kinh hoàng như vậy. Và trong tận lương tâm của mỗi con người đều cầu mong rằng, những thảm họa như vậy không còn xảy ra nữa trong tương lai…
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương nêu rõ, khoảng 20h42 ngày 6/9/2022, cơ sở karaoke An Phú có 5/29 phòng hát đang hoạt động gồm phòng 301,302,303,305,306 và có khoảng 60 người bên trong cơ sở.
Lúc này, tại vị trí trần hành lang tầng 2 (khoảng cách giữa trước phòng 204 và 206) có khói tràn xuống. Chị Như và chị Hạnh là tiếp viên của cơ sở đang phục vụ tại phòng hát 303, phát hiện khói bóc lên từ vách tường trong phòng nên chị Như đi ra hành lang gọi anh Tú, nhân viên phục vụ vào kiểm tra. Anh Tú liền gọi báo cho anh Thuận là tổ trưởng đến xử lý.
Đến 20h43, khói bắt đầu bốc lên tầng 3 từ cầu thang, anh Thuận chạy đưa khách từ phòng 301, 302 ra ngoài, còn anh Tú chạy đến phòng 305 và 306 cấp báo cho khách biết. Anh Tú cùng mọi người chạy lên sân thượng thì có khoảng 20 người có mặt tại đây để chờ cứu nạn. Trong số này có 3 người do hoảng sợ nên đã nhảy từ tầng 2, tầng 3 xuống đất nên bị thương nặng…Còn 32 người trong các phòng số 301, 302, 304, 305 và tại hành lang tầng 3 không thoát ra ngoài được nên bị chết cháy.
Xét về mặt thời gian cho thấy, những người đã thoát nạn và những người bị thiệt mạng đều đã tiếp nhận thông tin cháy gần như là cùng lúc. Và những người trong các phòng hát có người đã chạy thoát nhưng cũng có người còn kẹt lại.
Lý do vì sao họ còn kẹt lại? Theo kết quả giám định pháp y cho thấy, trong số 32 nạn nhân có 31 người trong máu có nồng độ cồn, trong đó có 18 nạn nhân có nồng độ cồn trong máu rất cao từ 86-299mg/100ml.
Trong khi đó, khoa học đã chứng minh, nồng độ cồn từ 100-200 mg/100 ml máu khiến rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Người uống có thể tê bì chân tay hoặc mặt, da xanh xao, cảm xúc không ổn định, dẫn đến giảm khả năng nhận thức, quyết định. Còn nồng độ cồn từ 200-300 mg/100 ml máu, người uống sẽ nói líu lưỡi, rơi vào trạng thái lú lẫn, có thể mất trí nhớ hoặc không thể đi lại, phản ứng chậm.
Đây có thể là nguyên nhân, bởi nếu trong trạng thái bình thường, khi nghe báo cháy, bằng phản xạ tự nhiên ai cũng lao ra phía cửa để thoát thân…
Nguyên nhân cháy cũng đã được xác định rõ trong cáo trạng, là do đường dây dẫn điện lắp đặt trên trần la phông qua khu vực trước phòng 202,206 đã xảy ra sự cố chập điện (ngắn mạch). Sự cố ngắn mạch phát sinh hồ quang điện mang nặng lượng cao đốt cháy vỏ cách điện, làm nóng cháy lõi dây dẫn tạo hạt đồng nóng chảy mang nhiệt độ cao. Sản phẩm vỏ cách điện cháy và hạt đồng nóng chảy mang nhiệt độ cao văng ra rơi xuống gây cháy các vật liệu dễ cháy ở xung quanh, từ đây đám cháy phát triển ra các hướng gây cháy lớn ở các phòng karaoke khu vực tầng 2 và phát triển lên tầng 3.
Theo kết luận giám định tư pháp, hệ thống điện của cơ sở karaoke An Phú cho thấy: Theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình nhà ở, hệ thống điện của cơ sở karaoke An Phú không có kèm bản vẽ thiết kế phần hạng mục cấp điện bên trong công trình nhà ở ở cả 2 lần cấp phép và điều chỉnh giấy phép xây dựng vào năm 2016; không có hồ sơ cấp giấy phép trong quá trình thi công lắp đặt. Do vậy mà cơ quan chức năng không có cơ sở để rà soát, đánh giá sự phù hợp giữa bản vẽ thiết kế và thực tế thi công trước khi xảy ra sự cố.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường sau khi xảy ra sự cố, hệ thống điện được lắp đặt tại cơ sở karaoke An Phú không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng (QCVN 12:2014/BXD).
Cụ thể, tại các phòng hát, tiết diện dây dẫn tải điện đối với đèn trang trí, chiếu sáng dưới 0,5mm2 được luồn trong vách cách âm (vách cách âm được trang trí bên ngoài là lớp vải, nhựa, ván gỗ ép, bông sợi thủy tinh, tấm mút xốp mềm), dây điện đi phía sau lớp cách âm và trên trần; hệ thống dây dẫn, tủ điện và thiết bị bảo vệ lắp đặt chưa đảm bảo kỹ thuật, không thuận lợi cho việc kiểm tra, sửa chữa, thay thế và bảo dưỡng định kỳ. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ cháy trên.
Các vụ cháy ở Bình Dương nói riêng và nhiều nơi khác nói chung nguyên nhân hầu hết là từ chập điện và thường rơi vào các hộ gia đình, kinh doanh cá thể khi quá chủ quan, thiếu cẩn trọng khi đi hệ thống dây điện âm đường, trên trần la phông.
Nhiều chủ hộ thuê thợ điện không chuyên nghiệp, hoặc tự sửa chữa, đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật hoặc dây điện quá nhỏ, không chịu được tải khi lắp đặt thêm thiết bị điện sử dụng điện…gây nên cháy.
Những người làm công tác quản lý PCCC ví những dây điện âm tường, trên trần la phông như là “quả bom nổ chậm” vì khi kiểm tra PCCC, người cán bộ không thể đục đường, dỡ la phông để kiểm tra dây tải điện…Vì thế, những sợi dây vô tri nhưng chết chóc đó luôn là mối nguy nếu như được lắp đặt không đúng quy chuẩn. Đây cũng là lưu ý, là nội dung quan trọng mà các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC luôn nhấn mạnh đề cập trong quá trình tuyên truyền về PCCC.
Có 4 cựu cán bộ Công an bị truy tố trong vụ án Vi phạm quy định về PCCC và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm Vũ Trường Sơn, Phạm Quốc Hùng, Nguyễn Văn Võ và Phạm Thị Hồng. Hành vi vi phạm pháp luật của họ như thế nào cũng đã được nêu trong cáo trạng và sẽ cụ thể hóa hơn khi xét xử tại phiên tòa. Việc nhiều cán bộ PCCC bị khởi tố cũng đã tác động rất lớn đến ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác quản lý về PCCC hiện nay.
Đó là một bài học sâu sắc nhất, một sự nhắc nhở chung là cần có sự cẩn trọng tối đa khi thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm duyệt…PCCC đối với các cơ sở. Họ có thể đã sơ xuất hoặc thiếu trách nhiệm trong việc hướng dẫn, kiểm tra, nghiệm thu, thẩm duyệt PCCC đối với cơ sở karaoke An Phú nhưng hậu quả nặng nề xảy ra là một cộng đồng trách nhiệm, trong đó có các bị can, những người có liên quan và ngay cả những người bị nạn...
Vấn đề ở đây là qua vụ án này cũng như nhiều vụ án liên quan đến cháy nổ nghiêm trọng đã từng xảy ra, cho thấy rằng, vần đề phòng ngừa cháy nổ và kỹ năng thoát nạn mới chính là yếu tố sống còn để mọi người tự bảo vệ cho mình, bảo vệ gia đình mình và bảo vệ cộng đồng xã hội.
Bởi nếu như, những cán bộ PCCC thực hiện tốt công tác quản lý PCCC và cơ sở vẫn xảy ra cháy (như chập điện chẳng hạn) mà những người có mặt tại cơ sở thiếu kỹ năng thoát nạn thì hậu quả cũng sẽ rất nặng nề….