Xuất hiện nhóm lừa đảo bằng cách đánh tráo iPhone

Chủ Nhật, 14/04/2013, 14:55
Ngày 13/4, một số chủ cửa hàng cầm đồ, bán điện thoại trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xuất hiện một nhóm đối tượng chuyên mang điện thoại iPhone thật đi cầm cố rồi đánh tráo iPhone rởm, nhiều người đã bị bọn chúng lừa lấy hàng chục triệu đồng.

Anh T.V.H., chủ một hiệu cầm đồ ở đường Lê Thánh Tông (TP Buôn Ma Thuột) cho biết: Cách đây hơn một tuần, có 3 thanh niên đem điện thoại iPhone 4S đến nói muốn cầm cố vì thua bạc. Sau khi đồng ý cầm với giá 5 triệu đồng, nhóm thanh niên yêu cầu bọc giấy kín điện thoại để tránh hư hỏng.

Vài giờ sau, họ trở lại đòi xem máy để chuộc nhưng lại đổi ý rồi bỏ đi. Một tuần không thấy ai đến chuộc, anh H. mở giấy bọc niêm phong thì phát hiện chiếc điện thoại iPhone đắt tiền đã biến thành hàng rởm.

Còn anh Hoàng Đình Ánh, chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Lê Duẩn, cho biết, vào chiều 9/4, một thanh niên đến cửa hàng cầm theo máy iPhone 4S trị giá khoảng 10 triệu đồng. Anh đồng ý cầm với giá 6,5 triệu đồng.

Khoảng 30 phút sau, có 2 người đàn ông mang 2 chiếc iPhone 4S tới nói có công việc gấp cần tiền nên muốn cầm 2 chiếc iPhone với giá 15 triệu đồng. Và khi ra về, 2 vị khách cũng không quên yêu cầu ông chủ gói kỹ, niêm phong để họ ký xác nhận với lý do đây là điện thoại “xịn”.

Tiệm cầm đồ, một trong những địa điểm các đối tượng lợi dụng để lừa đảo.

Đến chiều cùng ngày, 3 ông khách trên lần lượt trở lại cửa hàng với ý định muốn chuộc lại đồ. Sau khi cầm hàng xem xét một lúc, các vị khách lại đổi ý rồi bỏ đi. Khoảng 30 phút sau, linh cảm có điều chẳng lành anh Ánh mở niêm phong thì phát hiện cả 3 chiếc iPhone “xịn” đang giữ đã biến thành những chiếc điện thoại hư hỏng khác…

Ngoài chiêu thức trên, tại địa bàn một số huyện của tỉnh Đắk Lắk cũng đã xuất hiện chiêu lừa bán điện thoại iPhone rởm. Anh Nguyễn Đình Thắng, trú thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk cho biết: “Khi đó tôi đang ngồi trước cửa ngân hàng đợi vợ đi chợ thì một phụ nữ bán vé số nói giọng Bắc xuất hiện với bộ dạng hớt hải nói rằng “Chú ơi, tôi vừa nhặt được chiếc điện thoại, nhờ chú tắt nguồn giùm với”. Do không biết sử dụng iPhone nên tôi cũng không biết tắt nguồn chỗ nào”.

Đang loay hoay không biết xử lý thế nào thì người phụ nữ này “gạ” bán lại chiếc điện thoại với giá 1 đến 2 triệu. Thấy rẻ, anh Thắng bắt đầu thấy thích. Tuy trong người không mang tiền nhưng anh vẫn cố chạy về nhà lấy tiền mua lại chiếc điện thoại với giá 1,7 triệu đồng. Khi anh Thắng đem chiếc điện thoại về khoe với người thân thì mới biết đó là chiếc điện thoại Trung Quốc, giá chỉ khoảng 500 ngàn đồng.

Theo khuyến cáo, các tiệm cầm đồ, mua bán điện thoại nên thận trọng trước những thái độ bất thường của những vị khách như trên trước khi mua bán, cầm cố hàng. Với người dân tốt hơn hết không nên mua hàng ngoài đường, nếu có mua nên chú ý đến nguồn gốc mặt hàng, thái độ của người bán và không nên quá “ham của rẻ”. Kẻ gian chủ yếu nhắm vào tâm lí ham rẻ để lừa đảo...

Văn Thành
.
.
.