Xử lý nghiêm hành vi chống CSGT đang thi hành nhiệm vụ

Thứ Bảy, 24/03/2012, 17:45
Trước khi TAND quận 12, TP HCM đưa ra xét xử vụ Phạm Thị Mỹ Linh, nữ sinh lớp 12 hành vi chống người thi hành công vụ, có rất nhiều ý kiến bàn thảo về mức xử phạt. Có luồng ý kiến cho rằng, các cơ quan bảo vệ pháp luật nên “giơ cao đánh khẽ” để thiếu nữ này không bị gián đoạn việc học tập. Còn luồng ý kiến trái chiều thì cho rằng, phải xử lý thật nghiêm để răn đe.
>> Ứng xử văn hóa để hạn chế chống người thi hành công vụ

Gần 2 tháng sau khi sự việc xảy ra, ngày 19/8/2011, TAND quận 12 mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án nữ sinh chống người thi hành công vụ. Rất đông người dân đến xem, rất nhiều cơ quan thông tấn báo chí đến theo dõi, đưa tin. Hội đồng xét xử quyết định, Phạm Thị Mỹ Linh bị phạt 9 tháng tù giam. Cả khán phòng vỡ òa. Riêng nữ sinh gần như ngất xỉu.

Vụ án nữ sinh Mỹ Linh tấn công CSGT sẽ không nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều nếu clip cô này ngang nhiên tát CSGT không được một người dân quay và đăng tải trên Internet. Ngoài những ý kiến phẫn nộ trước hành vi xem thường pháp luật của cô gái trẻ, nhiều người còn thán phục đồng chí CSGT bởi thái độ điềm tĩnh và cách hành xử đúng mực.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, đồng chí Trần Phương Tiến, Đội CSGT số 4 – nhân vật CSGT trong một clip có tên “CSGT bị tát rơi mũ kêpi” cho tôi biết, anh phải giữ bình tĩnh khi xảy ra vụ việc. Nếu không được trang bị kiến thức nghiệp vụ và có bản lĩnh, rất có thể trong những tình huống này, người thi hành công vụ không giữ được bình tĩnh. Khi đó, rất dễ xảy ra tình huống xấu hơn. Vụ việc này sau đó được cơ quan CSĐT, Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội điều tra làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ đối với đối tượng vi phạm Hoàng Thiện Lý.

Gần đây nhất, ngày 7/3, tại ngã ba Trường Chinh – Giải Phóng, Trung tá Nguyễn Đức Chung, Đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an Hà Nội, chỉ huy một tổ thuộc “liên quân” 141 (gồm các lực lượng CSCĐ, CSHS, CSGT) bị đối tượng chống người thi hành công vụ tông thẳng xe máy vào người, bất tỉnh. Dư luận lại thêm một phen bàng hoàng.

Hơn 6 tháng nay, hoạt động của “liên quân” 141 đã làm cho những kẻ thích “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, tàng trữ vũ khí, bay lắc, lạng lách, đánh võng... “ngại”. Mà “ngại” cũng phải thôi bởi “liên quân” có 5 tổ công tác, mỗi tổ hơn 10 cán bộ chiến sỹ được lấy từ các phòng nghiệp vụ có tiếng tinh nhuệ của Công an thành phố. Nguyên tắc hoạt động của “liên quân” này là tập trung lực lượng, bố trí chốt chặn nhằm phát hiện, ngăn chặn mọi đối tượng có biểu hiện vi phạm. Điều đáng nói nữa là nhờ bố trí phương án hợp lý nên những đối tượng có dấu hiệu vi phạm bị phát hiện từ xa và nếu bỏ chạy cũng sẽ bị chặn bắt.

Vũ Lê Hoàng (giữa).

Diễn biến vụ việc liên quan đến đối tượng Vũ Lê Hoàng đâm trực diện vào Trung tá Nguyễn Đức Chung, chỉ huy Tổ Y1/141 cho thấy, sau khi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của Cảnh sát, Hoàng tăng ga nhằm tẩu thoát. Các chiến sỹ Vũ Đức Kiên, Đào Thanh Giang, Bùi Văn Vượng thấy vậy lao ra ngăn chặn nhưng Hoàng vẫn liều lĩnh phóng thẳng. Thấy đối tượng có biểu hiện trốn chạy, đồng chí Chung lao ra hỗ trợ và bị tông thẳng vào người. Rõ ràng trước khi đâm vào đồng chí Chung, Hoàng đã không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe của Cảnh sát và cố tình bỏ chạy.

Chứng kiến vụ việc, ngoài quần chúng nhân dân còn có các nhà báo chuyên “bám” “liên quân” 141. Thế nên ngay sau đó, những thông tin, hình ảnh về vụ chống người thi hành công vụ này được đăng tải trên các báo. Thêm một lần nữa, người dân lại choáng váng về hành vi liều lĩnh chống người thi hành của Hoàng – một thanh niên 28 tuổi, nhân viên hợp đồng hoạt động trong ngành ngoại giao.

Nếu như sự chống đối CSGT của nữ sinh Mỹ Linh làm cho người dân phẫn nộ và coi đây là hậu quả của việc không được dạy dỗ chu đáo thì Hoàng – một người từng tốt nghiệp đại học làm người ta... choáng váng. Rất nhiều người không muốn tin, một thanh niên có vẻ ngoài hào hoa, được học hành chu đáo và làm việc trong môi trường đáng mơ ước lại có cách hành xử như vậy. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra Công an quận Thanh Xuân đã tạm giữ hình sự đối với Lê Vũ Hoàng.

Để biết về kết quả xử lý vụ việc này, ngày 23/3, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với lãnh đạo Công an quận này và được biết, hiện nay cơ quan điều tra đang hoàn chỉnh hồ sơ vụ án. Sang tuần, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát quận mới họp để đưa ra quyết định có khởi tố bị can đối với Lê Vũ Hoàng hay không. Đại diện Viện Kiểm sát quận Thanh Xuân cho biết: Viện Kiểm sát sẽ đưa ra quan điểm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Giữa năm 2011, khi xảy ra vụ nữ sinh tấn công CSGT ở TP Hồ Chí Minh, người dân cả nước đã dõi theo và hài lòng về kết quả xử lý. Đầu năm 2012, ngay tại Hà Nội cũng xảy ra một vụ tấn công CSGT, gây hậu quả nặng hơn (đồng chí Chung bị thương, phải nằm viện điều trị hơn nửa tháng nay và phải chuyển giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác Y1/141 cho đồng chí khác), dư luận đang mong ngóng nhận được kết quả xử lý nghiêm minh của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Việc làm rõ, xử lý nghiêm người tấn công Cảnh sát vừa có tác dụng răn đe những người coi thường pháp luật, sinh mạng của người khác, vừa có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chiến sỹ Cảnh sát đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho Thủ đô

Thái Tuấn
.
.
.