Xét xử đại án ở BIDV: Chuyển hàng trăm tỷ đồng vào Cty “sân sau”

Thứ Tư, 28/10/2020, 19:07
Trong quá trình giải ngân, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV.

Chiều 28/10, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ thất thoát 1.664 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng chuyển sang phần thẩm vấn. 

Trước đó trong buổi sáng, đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà đã luận tội và đề nghị mức án đối với 12 bị cáo là cựu cán bộ BIDV cũng như một số bị cáo là doanh nghiệp, có quan hệ vay vốn của BIDV bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Trần Quang Anh.

Tự bào chữa cho mình trước toà, bị cáo Trần Anh Quang (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, cháu cố Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Trần Bắc Hà) bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị từ 13- 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã xác định. Bị cáo Quang trình bày, sau phiên toà này bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Nhưng trước khi vụ án xảy ra thì bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo chứ không phải chiếm đoạt số tiền của ngân hàng. 

Bị cáo Quang cho rằng, số tiền mà đại diện Viện kiểm sát yêu cầu bị cáo buộc phải khắc phục không phải là tiền bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân. Và hiện tại, bán cả nhà bị cáo đi cũng không đủ tiền để khắc phục hậu quả. Bị cáo Quang đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh vì bị cáo chỉ là lái xe, còn vị trí Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà mà bị cáo mang trên người chỉ là “cái bóng” mà thôi, chứ bị cáo chưa từng ký hợp đồng nào.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam) bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 5-6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”cũng đồng tình với cáo trạng và trách nhiệm liên đới của bị cáo mà Công ty Trung Dũng chưa thanh toán trả nợ được cho BIDV. 

Tuy nhiên, bị cáo Sơn bào chữa rằng, bị cáo chỉ là thành viên góp vốn, sau khi xảy ra vụ việc, bị cáo đã khắc phục để tránh gây thiệt hại cho bản thân, gia đình và BIDV. 

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (đứng hàng đầu)

Khi tự bào chữa cho mình, bị cáo Sơn vừa khóc vừa cho biết, hiện gia đình bị cáo không còn tài sản nào nữa để khắc phục hậu quả. Bị cáo mong HĐXX xem xét trách nhiệm của bị cáo là trách nhiệm liên đới chứ không phải trách nhiệm chính, đồng thời mong HĐXX xem xét lại khung hình phạm cho bị cáo.

Trước bục bào chữa, bị cáo Đoàn Ánh Sáng (cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV) bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 6- 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”cũng thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu. Bị cáo Sáng xin nhận trách nhiệm của mình trong thời gian đương chức đã gây ra. 

Bị cáo Sáng không thanh minh, không bào chữa cho hành vi phạm tội của mình mà chỉ mong HĐXX xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như: khai báo thành khẩn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của BIDV trong quá trình công tác... Trong phần thẩm vấn trước đó, đại diện BIDV với tư cách là bị hại trong vụ án đã đề nghị HĐXX xem xét, áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Sáng cũng như tất cả các bị cáo từng là cán bộ của BIDV. 

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, đầu năm 2015, ông Trần Bắc Hà gửi nhiều văn bản đến Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ đầu tư dự án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao, cam kết BIDV sẽ tài trợ vốn và giới thiệu hai nhà đầu tư có kinh nghiệm hỗ trợ là Công ty An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. 

Công ty An Phú do Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà đang bỏ trốn và bị truy nã) làm chủ nên theo quy định thì BIDV không cấp vốn tín dụng. Vì vậy, ông Trần Bắc Hà đã lập lên Công ty Bình Hà là công ty “sân sau” của ông  để vay vốn của BIDV. 

Tháng 4/2015, Đinh Văn Dũng ký công văn đề nghị BIDV cung cấp vốn tín dụng cho dự án đầu tư chăn nuôi bò với quy mô 150.000 con một năm, tổng mức đầu tư 4.230 tỷ đồng tại huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh).

Công ty Bình Hà mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV. Mặc dù đã được những người có trách nhiệm ở BIDV thời điểm đó đánh giá và thẩm định dự án có 8 yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, nhưng theo sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, BIDV đã thẩm định, đề xuất và phê duyệt cho Công ty Bình Hà vay vốn. 

Trong quá trình giải ngân, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV. 

Điều đáng nói là một số lãnh đạo của BIDV thời điểm có, trong đó có một số bị cáo đang bị xét xử tại phiên toà này mặc dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, nhưng tháng 8/2011, nhóm cựu lãnh đạo ngân hàng BIDV vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng.

Sáng mai (29/10), phiên toà tiếp tục phần tranh luận.

Nguyễn Hưng
.
.
.