Vụ lừa đảo tại Công ty Phương Nam: Án cao nhất 14 năm

Thứ Hai, 03/08/2015, 19:27
Sau 15 ngày xét xử và nghị án, chiều 3/8, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt bị cáo Lâm Minh Mẫn - nguyên Kế toán trưởng Công ty Phương Nam 14 năm tù giam; Trịnh Thị Hồng Phượng -nguyên Phó Giám đốc Công ty Phương Nam 12 năm tù giam, cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
25 bị cáo còn lại nguyên là cán bộ của 5 ngân hàng có chi nhánh tại các tỉnh: Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng bị Hội đồng xét xử TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt từ 2 năm đến 7 năm tù giam, về tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt hai bị cáo Mẫn, Phượng, mỗi bị cáo phải bồi thường 50% trong số tiền 784 tỷ cho 5 ngân hàng.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, Công ty Phương Nam được thành lập năm 1998, đến năm 2000 trở thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 295 tỉ đồng. Người làm đại diện theo pháp luật là ông Lâm Ngọc Khuân - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc.

Từ năm 2008  đến ngày 30/9/2012, Công ty Phương Nam vay nợ các tổ chức tín dụng với số tiền rất lớn, dư nợ từ năm trước chuyển sang năm sau ngày càng cao và kết quả kinh doanh hàng năm đều thua lỗ.

Tuy nhiên, để công ty kéo dài hoạt động, cũng như có tiền sử dụng cho mục đích cá nhân, từ năm 2008 đến 2010, ông Khuân chỉ đạo con gái là Lâm Ngọc Hân, kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn lập 19 bản báo cáo tài chính khống, thể hiện kết quả kinh doanh hàng năm đều có lãi để gửi các ngân hàng xin vay vốn, và nộp Cục thuế tỉnh Sóc Trăng nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Trong đó, Khuân ký 13 bản, Hân ký 4 bản, Phượng 2 bản và Mẫn ký 19 bản báo cáo tài chính khống. Ngoài ra, các bị cáo còn lập báo cáo hàng hóa là tôm đông lạnh nhập, xuất, tồn… nâng khống số lượng trị giá từ 123 tỷ đồng lên trên 747 tỷ đồng; sử dụng một số chứng từ mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất photo thành nhiều bản, xác nhận sao y bản chính của công ty gửi các ngân hàng để giải ngân và thế chấp nhiều ngân hàng vay vốn, rồi chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng.

Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án.

Khi vay được tiền, ông Khuân đã sử dụng vốn sai mục đích vào nhiều việc, như: dùng để trả nợ vay, kinh doanh bất động sản, hùn vốn mở công ty, xây dinh thự…

Mẫn đã giúp cho Khuân lừa đảo chiếm đoạt tiền của các ngân hàng hơn 471 tỷ đồng; còn Phượng là Phó Giám đốc Công ty Phương Nam, biết công ty kinh doanh thua lỗ từ năm 2010 và hàng hóa tồn kho thực tế đã thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng để vay vốn nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Khuân. Phượng đã giúp Khuân lừa đảo, chiếm đoạt trên 258 tỷ đồng… Đối với các cán bộ ngân hàng, biết việc cán bộ tín dụng và tổ thẩm định tài sản thế chấp không kiểm tra thực tế tài sản thế chấp là hàng tồn kho luân chuyển, chỉ dựa vào báo cáo của Công ty Phương Nam để lập báo cáo thẩm định để ký nhiều hợp đồng tín dụng xuất khẩu theo hạn định của Công ty Phương Nam, gây thiệt hại rất lớn cho các nhân hàng…

Kết quả trưng cầu giám định tài chính cho thấy từ năm 2008-2012, Công ty Phương Nam thua lỗ trên 996 tỷ đồng và tổng tài sản thế chấp chỉ giá trị gần 640 tỷ đồng. Hai năm trước, ông Khuân bỏ trốn ra nước ngoài với vợ con khi dư nợ các ngân hàng trên 1.700 tỷ đồng, được trừ tài sản thế chấp và giá trị hàng tồn kho gần 41 tỷ, còn lại trên 1.679 tỷ đồng.

Hiện cơ quan điều tra đang truy nã đối với ông Khuân và con gái, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Đến thời điểm này, Công ty Phương Nam không có tài sản bảo đảm để hoàn trả vốn vay cho 5 ngân hàng với số tiền trên 784 tỷ đồng…

Đức Văn
.
.
.