Vụ khai thác khoáng sản trái phép ở Quỳ Hợp, Nghệ An: “Con voi chui lọt lỗ kim”

Thứ Hai, 19/07/2021, 07:27
Trước khi “đột kích” bắt giữ vụ khai thác đá trắng trái phép ở núi Phá Chủng, xóm Kèn (xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), hàng chục chiến sĩ Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An được trang bị đầy đủ thiết bị, công cụ hỗ trợ và “bí mật” di chuyển đến hiện trường.


Tại đây, Công an bắt quả tang 24 đối tượng đang khai thác đá trái phép, thu giữ 5 máy xúc đào, 1 ôtô tải, 4 máy cắt đá, 20 máy hơi, 2 máy khoan đá và gần 800m3 đá trắng nguyên khối, đá hộc, trị giá nhiều tỷ đồng chưa kịp tẩu tán.  

Người trực tiếp chỉ huy “trận đánh” nói trên là Thiếu tướng Phạm Thế Tùng – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những vụ bắt giữ nhiều đối tượng nhất, thu được nhiều tang vật nhất về hành vi khai thác khoáng sản trái phép ở tỉnh Nghệ An từ trước đến nay. 

Và điều đặc biệt hơn là cơ quan điều tra đã làm rõ kẻ đứng sau “đầu tư” cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép này là Trần Văn Bảy (SN 1970), trú tại xóm Minh Xuân, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. 

Hàng trăm mét khối đá xẻ, đá hộc trị giá hàng chục tỷ đồng tại hiện trường.

Đây là đối tượng có nhiều năm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện này, Trần Văn Bảy là một trong những “đại gia” làm ăn có tiếng ở vùng đất Phủ Quỳ, có nhiều mối quan hệ. Nếu như trước đây, cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp bắt giữ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, thường bắt giữ được những kẻ  làm thuê đứng ra nhận tội, không thể truy được kẻ đứng sau đầu tư trang thiết bị, máy móc thì việc xử lý chỉ ở “phần ngọn” của vấn đề, chưa xử lý tận gốc sự việc.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, hiện tại trên núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp đang có doanh nghiệp Thành Trung khai thác đá trắng, đây là doanh nghiệp đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép khai thác đá. Cách vị trí khai thác đá của doanh nghiệp Thành Trung không xa là hoạt động khai thác đá trái phép do Trần Văn Bảy tổ chức.

Ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cho hay: Vị trí khai thác đá trái phép của Trần Văn Bảy trước đây là của Doanh nghiệp Thành Thủy (được cơ quan chức năng cấp phép khai thác từ năm 2009 - 2014). Năm 2017, cơ quan chức năng đã có Quyết định “đóng cửa mỏ” vị trí khai thác đá này.

Như vậy, từ năm 2017 hoạt động khai thác đá trắng của doanh nghiệp Thành Thủy tại núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp đã chấm dứt. Cho đến nay cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa cấp phép mới cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào khai thác đá tại vị trí này. Vậy tại sao lại có hoạt động khai thác đá trắng một cách công nhiên, rầm rộ trong một thời gian dài ở núi Phá Chủng trong thời gian gần đây?

Ngay sau khi lực lượng Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ vụ khai thác đá trắng trái phép ở núi Phá Chủng diễn ra, chúng tôi đã “thực mục sở thị” hiện trường vụ khai khác đá rầm rộ này. Việc tìm đến vị trí núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc không quá khó nhưng để tìm thấy vị trí khai thác đá trái phép thì chỉ có những người địa phương mới xác định chính xác. 

Từ quốc lộ 48C (ngã ba Châu Lộc), chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ 532 là tuyến đường chạy qua địa bàn các xã: Châu Lộc, Liên Hợp, Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Thành của huyện Quỳ Hợp, với tổng chiều dài gần 40km, nối với QL48D. Mặc dù đã được nhựa hóa, song tỉnh lộ 532 bao năm qua oằn mình chịu tải bởi hoạt động vận chuyển khoáng sản nên đã bị hư hỏng khá nặng, mặt đường trơ lên đá lổm chổm, về mùa mưa thì lầy lội bùn đất, mùa nắng thì bụi bẩn mịt mù. 

Sau một hồi “vật lộn” với vô lăng, giữa trưa chúng tôi đến được xóm Kèn, xã Châu Lộc, đây là địa bàn dân cư thưa thớt, chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Hỏi chuyện người dân ở đây chúng tôi được biết, trên núi Phá Chủng có hai đơn vị đang khai thác đá (ông Trần Văn Bảy và doanh nghiệp Thành Trung), còn doanh nghiệp nào được cấp phép và doanh nghiệp nào chưa được cấp phép thì người dân không ai biết. Người dân ở đây nói rằng, hoạt động khai thác đá ở đây diễn ra từ lâu chứ không phải chỉ mới thời gian gần đây.

Tại thời điểm phóng viên có mặt trên đỉnh núi Phá Chủng, Công an đang có mặt ở đây bảo vệ hiện trường, thực hiện công tác điều tra, khám nghiệm, hoàn tất hồ sơ. Trước mặt chúng tôi là “đại công trường” khai thác đá trắng với hàng ngàn mét vuông đã bị đào, xẻ tan hoang, cứ ngỡ đây là mỏ đá được cấp phép chứ không phải là hoạt động khai thác đá lén lút, trái phép như thường thấy. Ở đây, việc khai thác đá diễn ra ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” với hàng chục công nhân, với hàng loạt máy móc khai thác đá hiện đại được đầu tư có trị giá hàng chục tỷ đồng.

Với hoạt động khai thác đá quy mô như đã nói trên, với hàng chục công nhân, máy móc và gần 1.000m³ tại hiện trường cho thấy, hoạt động khai thác đá ở đây không thể diễn ra trong vài ngày?

Trao đổi với phóng viên, ông Vy Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Châu Lộc, cho biết: Vị trí khai thác đá trái phép trước đây là mỏ đá của Công ty Thành Thủy, đã hết cấp phép từ năm 2014 và đóng cửa mỏ từ năm 2017, sau đó không có hoạt động khai thác nào diễn ra ở đây. 

Khi được hỏi, ông Trần Văn Bảy khai thác đá từ thời điểm nào? Chủ tịch UBND xã Châu Lộc nói: “Ông Bảy vào khai thác từ khoảng tháng 2/2021”. Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, thông tin người dân cho biết, mỏ trái phép hoạt động đã từ rất lâu sao chính quyền địa phương nói chỉ trong năm nay? Ông Vy Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Châu Lộc lý giải: “Chúng tôi cũng đi kiểm tra, xử lý thường xuyên, trước đây có người dân đi “chọt chọt” đá hộc, chúng tôi xử lý cả, ông Bảy chỉ làm từ tháng 2 năm nay thôi”. 

Khi phóng viên chất vấn việc UBND xã biết ông Bảy khai thác đá trái phép, xã có xử lý hay không? Ông Chủ tịch UBND xã Châu Lộc khẳng định, “Chúng tôi xử lý vào hôm 29/3/2021, thẩm quyền xã xử phạt 4 triệu đồng về hành vi “khai thác trái phép”, sau đó chúng tôi đã báo lên huyện. Ngày 18/6 đoàn của huyện xuống xử lý thì ngày 19/6, xóm của đối tượng khai thác đá bị phong tỏa để phòng, chống bệnh COVID-19. “Hoạt động khai thác đá có thể diễn ra trong thời gian công nhân bị phong tỏa trong núi, khó quản lý. Cùng thời điểm đó, chính quyền địa phương tập trung công việc chỉ đạo khu cách ly tập trung ở Trường Tiểu học xã, không đi đâu được”, Chủ tịch UBND xã Châu Lộc lý giải thêm.

Ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cũng khẳng định: Ngày 18/6, đoàn liên ngành của UBND huyện đã vào điểm mỏ kiểm tra ghi nhận khoảng 20m³ đá khối và 100m³ đá hộc đã khai thác từ trước và 1 máy xúc, 1 lán trại xây táp lô bao quanh. Đồng thời, yêu cầu các hoạt động khai thác đá trái phép dừng hoạt động, đưa toàn bộ máy móc ra khỏi hiện trường. Đoàn liên ngành giao nhiệm vụ cho UBND xã Châu Lộc giám sát hoạt động khai thác đá trái phép tại đây. 

Ông Hào cho biết thêm, tại thời điểm đó, đoàn liên ngành lập biên bản để xử lý đối tượng tên Cường (người đứng ra nhận chủ khai thác đá), thì hôm sau (19/6), xóm của Cường bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 nên chưa kịp hoàn thiện hồ sơ.

Những lý giải của chính quyền địa phương xã Châu Lộc và cơ quan quản lý về khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp liệu có phù hợp với hiện trường vụ khai thác trái phép khoáng sản hay chưa? Bởi, trong một thời gian ngắn, làm sao để hiện trường có nhà lán trái được xây dựng kiên cố hàng trăm mét vuông, công trường khai thác đá hàng ngàn mét vuông, việc khai thác đá được phân tầng rất quy mô với nhiều máy móc hiện đại và đặc biệt là có gần 1.000m³ đá xẻ, đá hộc đang nằm tại hiện trường chưa kịp vận chuyển...

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra của Phòng Cảnh sát kinh tế, khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan theo quy định của pháp luật.

Trần Thắng
.
.
.