Phúc thẩm vụ “siêu lừa” gần 4.000 tỷ đồng Huỳnh Thị Huyền Như:

'Vụ án Huyền Như': VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm

Thứ Năm, 25/12/2014, 08:11
Đối với kháng cáo của 5 công ty gồm: Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc yêu cầu xác định lại tư cách tham gia tố tụng, theo VKS có cơ sở để chấp nhận và đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Ngày 24/12, trước khi đi vào tranh luận, phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện Viện KSND tối cao đã đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của 8/20 bị cáo có đơn kháng cáo.

Theo đó, VKS đã đề nghị HĐXX giảm hình phạt cho các bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh (PGĐ Công ty CP Đầu tư Hoàn Khải), Lê Thị Ngọc Lợi (nguyên giám dịch viên phòng giao dịch Võ Văn Tần), Tống Nguyên Dũng (27 tuổi, nguyên nhân viên tín dụng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank), Huỳnh Trung Chí (nguyên nhân viên tín dụng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Thị Phúc Ngân (nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Huỳnh Hữu Danh (nguyên nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh TP Hồ Chí Minh), Phạm Anh Tuấn  từ 6 tháng đến 1 năm tù; hủy toàn bộ bản án liên quan đến phần trách nhiệm dân sự của bị cáo Nguyễn Thiên Lý (39 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Diva). Đối với phần kháng nghị của VKSND TP Hồ Chí Minh, VKS đề nghị chấp nhận tăng hình phạt bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (45 tuổi, GĐ Công ty TNHH Dung Vân) từ 10 năm lên từ 13 - 14 năm tù về tội “lừa đảo…”.

Các bị cáo trước giờ VKS luận tội.

Đối với kháng cáo yêu cầu xin lại căn biệt thự H2 The Nam Hai ở Quảng Nam của bị cáo Huyền Như và bà Nguyễn Thị Lang (mẹ ruột Như), theo đại diện VKS, quá trình điều tra Như khai căn biệt thự nói trên trước đó Như đã mua với giá 45 tỷ đồng và đã thanh toán được 40 tỷ đồng. Khi mua, Như đã làm thủ tục cho mẹ ruột đứng tên nhưng không nói cho bà Lang biết. Sau đó Như đã đem giấy tờ hợp pháp của biệt thự này đem cầm cố cho bà Lê Thị Ngọc Nga vay 20 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, bà Lang cũng có lời khai như trên, theo đó bà Lang chỉ đứng tên sở hữu căn nhà nhưng việc thanh toán tiền là do Như thực hiện. Với những chứng cứ nói trên, theo VKS, quá trình điều tra tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà Lang vào tham gia tố tụng là có thiếu sót nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi của bà bởi, từ các tài liệu nêu trên cho thấy tài sản trên là của bị cáo Huyền Như nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo này của Như và bà Lang.

Cũng liên quan đến căn biệt thự này, đối với kháng cáo của bà Lê Thị Ngọc Nga, quá trình điều tra thể hiện Như vay của bà Nga số tiền 20 tỷ đồng và thực tế bà Nga đã nhận từ Như số tiền 40 tỷ đồng tiền lãi và gốc. Vì vậy, theo VKS, mọi tranh chấp căn biệt thự này với bà Nga (nếu có) sẽ được xem xét trong một vụ án khác.

Đối với kháng cáo của các nguyên đơn dân sự khác và người liên quan, HĐXX đề nghị bác kháng cáo của ACB, Navibank và 23 nhân viên của 2 ngân hàng này với lý do bản án sơ thẩm xác định tư cách 2 ngân hàng trên là nguyên đơn dân sự là đúng. Theo đánh giá của VKS, hành vi của Như trong việc chiếm đoạt tiền của ACB đã thể hiện đầy đủ của tội “lừa đảo…” bởi ACB là một ngân hàng thương mại nên biết rất rõ hoạt động của ngân hàng.

Nhưng vì mục đích hưởng lợi nên ACB đã ủy thác cho các nhân viên mình đem tiền cho vay rồi bỏ mặc tài sản của mình, không hề kiểm tra. Để thao túng ACB, sau khi các nhân viên gửi tiền, Như đã nhanh chóng trích ngay 10 tỷ đồng trả cho ACB. Những người có trách nhiệm, quyền hạn của ACB như Huỳnh Bảo Ngọc (nguyên Kế toán trưởng ACB, người giữ hợp đồng gửi tiền đã bị TAND TP Hà Nội khởi tố do liên quan đến vụ bầu Kiên) đã để cho Như sắp đặt dẫn đến các nhân viên ký lệnh chi khống tạo điều kiện cho Như thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

“Việc ký hợp đồng gửi tiền với lãi suất vượt trần nên chính ACB đã tự đặt mình vào tình thế này không được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp này, Vietinbank không có lỗi. Vì vậy, tòa án cấp sơ thẩm tuyên Huyền Như bồi thường cho ACB là đúng bản chất sự việc”, VKS nhận định.

Tương tự ACB, đối với Navibank: Trước khi cho 4 nhân viên đứng ra gửi tiền vào Vietinbank thì Navibank đã có chủ trương trái pháp luật cho nhân viên vay tiền theo hình thức hợp đồng giả tạo, số tiền lãi thu về đã chuyển vào tài khoản của Navibank. Ngay từ khi mở tài khoản thanh toán, các nhân viên đều không có mục đích sử dụng cá nhân mà chỉ để Navibank chuyển tiền vào rồi đem đi gửi tại Vietinbank là bất hợp pháp. Với nghiệp vụ ngân hàng, Navibank có đủ khả năng kiểm tra sự di chuyển của dòng tiền bất hợp pháp, Navibank đã có hành vi trái pháp luật, tự đặt mình vào tình thế trên nên không được pháp luật bảo vệ và phải chịu trách nhiệm thực hiện. Vì vậy, việc Navibank được xác định tư cách trong vụ án này là nguyên đơn dân sự là đúng bản chất của vụ án.

Đối với kháng cáo của 5 công ty gồm: Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc yêu cầu xác định lại tư cách tham gia tố tụng, theo VKS có cơ sở để chấp nhận và đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Ngoài phần đề nghị trên, VKS cũng đưa ra hàng loạt đề nghị, kiến nghị HĐXX xem xét đối với số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo phạm tội cho vay lãi nặng; đối với tuyên kê biên, tịch thu tang vật… mà bản án sơ thẩm còn nhiều thiếu sót.

Ngay sau khi phần đề nghị của VKS, chiều cùng ngày các luật sư đã tham gia bào chữa cho các bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự và người liên quan. Hôm nay phiên tòa vẫn tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư.

A.Huy
.
.
.