Tình trạng giả bắt cóc để lừa đảo tống tiền người nhà

Thứ Năm, 20/03/2014, 12:45
Chúng tôi đã từng đưa bài cảnh báo về tình trạng một nhóm đối tượng chuyên lừa đảo bằng cách giả bắt cóc con của các gia đình, sau đó tống tiền bố mẹ. Thủ đoạn này xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 7/2013. Tiếp đó, vào cuối tháng 10/2013, rộ lên hơn 20 vụ với thủ đoạn tương tự. Một thời gian tạm lắng, đến những ngày giữa tháng 3 này, lại liên tục xảy ra các vụ lừa đảo giả bắt cóc, nhưng những nạn nhân mới vẫn mắc phải và bị lừa hàng trăm triệu đồng.

Giả bắt cóc con ở nước ngoài để lừa tiền chuộc của bố mẹ ở Việt Nam

Vụ án xảy ra vào 8h ngày 17/3. Bà Phạm Thị H., 67 tuổi, trú tại phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) đang ở nhà thì thấy máy điện thoại bàn reo. Bà vừa nhấc lên thì thấy có tiếng của đàn ông kêu khóc: "Mẹ ơi, cứu con với, con nợ tiền người giữ con. Mẹ phải đưa tiền để cứu con ra…". Bà H. hốt hoảng, đứa con trai bà đang làm việc tại Nhật Bản sao lại gặp hoàn cảnh khốn khổ này. Bà chưa kịp nói gì với con trai thì ở đầu dây bên kia, một gã đàn ông tự xưng là nhóm bắt cóc con trai bà, yêu cầu bà đưa số điện thoại di động cho họ, sau đó phải đặt ngửa chiếc điện thoại bàn lên để cắt mọi liên lạc.

Sau đó, chúng gọi vào điện thoại di động của bà H., nói rằng con bà nợ chúng 700 triệu đồng, bị chúng bắt, nếu bà không có tiền trả, chúng sẽ sát hại con bà. Quá lo lắng, bà H. xin bọn bắt cóc giữ nguyên tính mạng cho con trai, bà sẽ gửi trước 200 triệu đồng, số còn lại sẽ gửi sau. Các đối tượng hướng dẫn bà H ra Ngân hàng Techcombank ở 98 Hoàng Quốc Việt, gửi vào tài khoản cho chúng 200 triệu đồng. Đến 13h cùng ngày, bà H. liên lạc được với con trai ở bên Nhật thì mới biết được rằng, con bà chẳng nợ nần tiền ai và không bị ai bắt cóc cả. Cậu con trai khuyên mẹ ra cơ quan Công an trình báo.

Gặp bà H. sáng 18/3 tại Cục Cảnh sát hình sự khi đến trình báo, chúng tôi hỏi bà, có đọc báo về các trường hợp bị lừa đảo tương tự xảy ra trước đây hay không? Bà H. bảo, cũng biết đấy, nhưng khi rơi vào trường hợp này, tình thương con làm bà mất bình tĩnh. Thủ đoạn của bọn bắt cóc rất tinh vi, chúng cho bà nghe tiếng con trai kêu khóc nhưng để xa xa, tiếng nói theo kiểu mếu máo nên rất khó định hình có phải chính xác của con bà hay không. Khi bà H. hỏi lại: "Con trai tôi đang ở đâu?", bọn chúng trả lời rất khôn ngoan: "Con bà mà bà không biết ở đâu à?".

Bà Phạm Thị H. trình báo tại Cục Cảnh sát hình sự.

Cũng đen đủi cho bà H. là bà cũng đã tìm cách gọi điện thoại 2 lần cho con trai bên Nhật nhưng điện thoại của con bà đều tắt máy. Lo sợ cho tính mạng của con nên bà H. buộc phải đến nộp tiền vào ngân hàng cho bọn bắt cóc. "Số tiền đó là tài sản chắt bóp cả đời của hai vợ chồng tôi đấy. Nhưng cũng may là con tôi không bị làm sao" - bà H. chia sẻ.

Ngay trong sáng 18/3, bà Nguyễn Thị T., trú tại quận Cầu Giấy, cũng đến trình báo tại Cục Cảnh sát hình sự vì vừa bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Sau khi nghe các đối tượng thông báo đã bắt cóc con trai bà hiện đang dạy tại một trường dân lập trên địa bàn TP Hà Nội, quá lo sợ, bà đã đến ngân hàng chuyển vào tài khoản cho bọn chúng 50 triệu đồng.

Trước đó, ngày 14/3, ông Đặng Huy T., trú tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy) nhận được điện thoại từ nước ngoài gọi vào máy, nói rằng con ông hiện đang ở Đức có nợ khoản tiền 300 triệu đồng, tính đến thời điểm tháng 3/2014, số tiền cả lãi đã lên tới 700 triệu đồng. Do tin lời bọn chúng nên ông T. đã tới ngân hàng chuyển vào tài khoản cho bọn chúng 44 triệu đồng. Hiện vụ án này cũng đang được Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội thụ lý.

Các cơ quan Công an tích cực vào cuộc

Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của các bị hại, các đơn vị Công an của Hà Nội và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã tích cực vào cuộc. Theo cơ quan Công an, hiện một số bị hại được bọn lừa đảo yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của một đối tượng người Trung Quốc có tên là Dai Sia Hui. Chính vì thế, ngay sau khi nhận được thông báo của các cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khẩn trương đề nghị phía ngân hàng phong tỏa tài khoản của đối tượng trên.

Theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, rất đáng mừng cho một số bị hại, đó là số tiền của họ chuyển vào tài khoản của đối tượng trên đã được bảo toàn. Đối tượng Dai Sia Hui nhập cảnh vào Việt Nam đầu tháng 3/2014, sau đó đăng ký rất nhiều tài khoản tại các ngân hàng ở Việt Nam và cũng mua nhiều sim điện thoại, đăng ký dịch vụ ramming. Hiện đối tượng không nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo nhận định của cơ quan điều tra, các đối tượng phạm tội phải có một nhóm người (bước đầu xác định nhóm người này ở nước ngoài), chúng phân công vụ việc cụ thể, làm băng sẵn giọng kêu cứu của con trai, hoặc con gái, trẻ em (tùy trường hợp), sau đó đứa gọi điện yêu cầu người nhà đặt máy điện thoại bàn ra ngoài để không liên lạc được với người khác, sau đó gọi điện thoại di động điều khiển việc chuyển tiền cho chúng, có đứa khác liên tục kiểm soát điện thoại bàn xem có thông hay không, nếu phát hiện thông, chúng sẽ đe dọa người nhà, buộc phải ngắt liên lạc… Cơ quan Công an  không loại trừ trường hợp có đồng phạm của các đối tượng ở Việt Nam, đối tượng này có nhiệm vụ điều tra, chọn "con mồi" thích hợp và "chỉ điểm" cho nhóm bên kia thực hiện hành vi phạm tội.

Cũng theo nhận định của cơ quan Công an, các đối tượng có một số cách để tiếp cận thông tin về bị hại. Có thể cho các đối tượng trực tiếp đến khu vực nhà bị hại để thu thập các thông tin về gia đình (hoàn cảnh kinh tế, những người trong gia đình…). Hoặc các đối tượng có thể thu thập thông tin bằng cách xâm nhập vào hộp thư điện tử để tìm hiểu về các mối quan hệ của người sử dụng, từ đó giả bắt cóc, tống tiền gia đình họ. Đơn giản hơn, chúng có thể sử dụng thông tin thu lượm được trên mạng xã hội (facebook). Hiện các thông tin cá nhân được các bạn trẻ cập nhật từng phút trên mạng facebook.

Chẳng hạn, chúng tìm hiểu về gia đình của một cậu sinh viên nào đó. Chỉ cần cậu sinh viên này đẩy lên facebook thông tin "bây giờ mình đi đá bóng với lớp". Thế là chúng chọn đúng thời điểm đó gọi điện lừa đảo "màn kịch" bắt cóc với gia đình cậu sinh viên. Ít nhất, trong vòng nửa tiếng đến một tiếng, do mải mê đá bóng, cậu sinh viên sẽ không nghe máy, thế là gia đình không thể liên lạc được nên sẽ lo lắng mà mắc lừa tội phạm. Hoặc đối với các gia đình khi chúng tìm hiểu có con em đang cư trú ở nước ngoài, chúng chọn những thời điểm chênh lệch múi giờ (giờ đêm tại nước ngoài) để gọi về Việt Nam, những lúc ấy gia đình rất khó liên lạc với con em mình vì họ thường tắt máy đi ngủ.

Một trong những lời khuyên của cơ quan Công an đối với những người dân, đó là phải bảo mật những thông tin cá nhân của mình và gia đình trên các phương tiện điện tử. Khi gặp phải các cuộc điện thoại thông báo con em mình bị bắt cóc, đòi tiền chuộc, phải thật sự bình tĩnh để xử lý. Phải kéo dài thời gian để tìm cách kiểm tra thông tin về con, em mình hiện nay như thế nào (có thể tìm cách phối hợp với những người thân xung quanh để kiểm tra). Và đồng thời, phải trình báo ngay để cơ quan Công an kịp thời hướng dẫn những động thái cần làm để phối hợp trong việc điều tra vụ việc.

Một số trường hợp bình tĩnh ứng xử đã lật tẩy được tội phạm:  

Trường hợp thứ nhất của vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga, trú tại tổ 42, phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Khi bọn bắt cóc gọi điện bàn thông báo đang bắt giữ đứa cháu của họ tên là Dũng, yêu cầu bà Nga trả 100 triệu đồng tiền chuộc, bà Nga đưa điện thoại cho chồng là ông Hùng. Tuy ông Hùng có đứa cháu tên Dũng thật, nhưng vì cảnh giác, ông đã vặn hỏi các đối tượng tên đầy đủ của Dũng là gì. Biết gặp trường hợp "rắn", các đối tượng đã không nói gì và tắt máy ngay. Lúc này, ông Hùng liên lạc với người thân và được biết anh Dũng không hề bị ai bắt giữ.

Trường hợp của chị Đặng Thị Kim Oanh, trú tại phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) cũng vậy. Một đối tượng sử dụng số điện thoại có đầu +31….  gọi tới máy cố định và thông báo con trai chị đang học tại trường đã bị chúng bắt cóc, yêu cầu gửi 300 triệu đồng để chuộc con. Bình tĩnh, chị Oanh vừa kéo dài giao dịch với các đối tượng, vừa nhắn tin cho người nhà đến trường kiểm tra thì thấy cháu vẫn đang học tập bình thường trong lớp. Chính vì thế, chị Oanh đã phát hiện đây chỉ là trò lừa đảo của các đối tượng…

T. Hòa
.
.
.