Thú "đập đá" trong giới trẻ

Thứ Ba, 16/09/2008, 20:10
Một nhóm thanh niên chụm đầu xung quanh một chiếc bình nhựa đựng lưng mực nước. Làn khói nhờ nhợ được nhả ra từ những cái miệng đang chu lên vì "khoan khoái". "Sao không bật điều hòa, hay quạt lên cho nó mát?" - tôi ghé tai K. Anh hỏi khi thấy ai nấy trong nhóm đều ướt đẫm mồ hôi. "Không! Bật lên thuốc sẽ bị bay hết" - K. Anh giải thích. Không chỉ sợ thuốc bị bay mà dân "đập đá" như nhóm của K. Anh còn sợ khi gặp gió ngọn lửa li ti dùng để đốt "đá" sẽ tắt.

"Đập đá" hay còn gọi là "phá núi", "phá đá"... là cách mà dân chơi ám chỉ việc tham gia sử dụng một loại ma túy tổng hợp tồn tại dưới dạng tinh thể (óng ánh giống đá). Loại ma túy "đá" này bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2006.

Vào thời điểm đó "thuốc lắc" vẫn đang nở rộ, còn ma túy "đá" được coi là thú chơi thượng hạng trong giới ăn chơi. Song, thời gian trở lại đây loại ma túy "đá" này đã dần trở thành những "món ăn" không thể thiếu được trong các cuộc ăn chơi thác loạn của một bộ phận giới trẻ...

Tiếp cận cuộc chơi!

Thấy tôi ngỏ ý muốn được chứng kiến một buổi "đập đá" để lấy cảm hứng viết bài, K. Anh - một dân chơi ở quận Ba Đình đã đồng ý cho tôi được cùng đi.

Theo chân K. Anh, chúng tôi đã có mặt tại một nhà nghỉ nằm khuất trong ngõ nhỏ trên cung đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) vào lúc nửa đêm. Sau nụ cười thân thiện, tôi và K. Anh được cậu nhân viên phục vụ nơi đây chỉ dẫn đường lên phòng- nơi mà nhóm bạn của K. Anh đang "đập đá".

Cánh cửa căn phòng có số hiệu 301 được mở ra bởi một anh bạn có hình xăm chằng chịt vằn vện trên cánh tay. "Tao tưởng mày không đến?", "Hẹn rồi là phải đến chứ! Uy tín mà!" - K. Anh ra vẻ nghiêm nét mặt. Thấy một người lạ như tôi mới xuất hiện, cả hội đang quây tụ bên cái gì đó liền đảo mắt nhìn tôi.

Cái nhìn đó chỉ mất đi khi K. Anh giới thiệu tôi là ông anh họ mới từ TP HCM ra Hà Nội chơi. "Anh giai ngồi với bọn em luôn cho vui, hôm nay bọn em có 2 "chấm" nên không sợ thiếu đâu" - tiếng cô gái có mái tóc ánh vàng "quấn thừng" rướn cổ lên mời. "Ừ hôm nay anh hơi mệt, để hôm khác anh sẽ đãi lại các em" - vừa đáp tôi vừa vơ vội chiếc ghế đang nằm lọt thỏm trong góc cửa ra vào.

Trước mắt tôi lúc này, là một cảnh tượng khá là "sung túc", tất cả nhóm người gồm 6 thành viên (3 nam, 3 nữ) tuổi chừng ngoài đôi mươi đang chụm đầu xung quanh một chiếc bình nhựa đựng lưng mực nước. Làn khói nhờ nhợ được nhả ra từ những cái miệng đang chu lên vì "khoan khoái".

"Sao không bật điều hòa, hay quạt lên cho nó mát?" - tôi ghé tai K. Anh hỏi khi thấy ai nấy trong nhóm đều ướt đẫm mồ hôi. "Không! Bật lên thuốc sẽ bị bay hết"- K. Anh giải thích. Không chỉ sợ thuốc bị bay mà dân "đập đá" như nhóm của K. Anh còn sợ khi gặp gió ngọn lửa li ti dùng để đốt "đá" sẽ tắt.

Chiếc bàn mà nhóm K. Anh dùng để đựng dụng cụ "đập đá" được kê xen kẽ vào giữa hai chiếc giường, mục đích của việc bài trí này theo như K. Anh là muốn cho buổi "đập đá" trở nên "ấm áp" hơn.

Bình "đập đá" do dân chơi tự chế và chiếc bật lửa gas dùng để đốt "đá".

Cái lạ so với những lần đi thực tế "bay lắc" trước đây mà tôi gặp là ở chỗ, thành viên "đập đá" trong nhóm K. Anh luôn trừng đôi mắt rồi nói chuyện tào lao mỗi khi ngấm thuốc, chứ không lim rim lắc giật theo tiếng nhạc xập xình. Đang còn bần thần suy nghĩ, chợt 1 đôi trai gái đang "đập đá" liền đứng phắt dậy và âu yếm kéo nhau sang phòng kế bên. Hỏi ra tôi mới vỡ lẽ họ đang "phê" và muốn được "yêu".

Lấy cái cớ phải về để mai còn đi gặp khách hàng, tôi đã thoát khỏi căn phòng đang đặc quánh những làn khói "chết người" mà nhóm K. Anh có mặt...

Bức màn đằng sau thú "đập đá"

Về đặc điểm, theo như Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng khoa H (chuyên điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất), Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, ma túy "đá" là một loại ma túy tổng hợp tồn tại dưới dạng tinh thể, kết tinh từ dẫn chất của Amphetamin, Niketamid, Methamphetamin... các viên "đá" có hình dáng, kích thước giống cánh mỳ chính. Loại ma túy này có thể hít trực tiếp qua đường mũi (sau khi đã được nghiền nhỏ) hoặc cũng có thể gián tiếp thông qua một bình lọc đựng nước.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ma túy "đá" hiện gồm hai loại, một có màu vàng giá trên thị trường là 1,6 triệu/chấm ("chấm" gồm nhiều "cánh" - cách gọi dùng cho "đá" giống như "áo" dùng cho ketamin, nó có hàm lượng tương đương với một gam), còn màu trắng thì đắt hơn 200.000đ. Thông thường, mỗi một "chấm" được dân "đập đá" (khoảng 7 người) dùng trong vòng 8 đến 10 tiếng đồng hồ.

Dụng cụ để "đập đá" là 1 chiếc bình (có thể là thủy tinh - một dụng cụ thử nghiệm hóa học hoặc bằng nhựa do chính dân "đập đá" tự chế), bên trên bình có một ống dẫn thủy tinh gắn kèm đầu nhỏ hình tròn để đựng "đá", ống này theo dân chơi miền Bắc gọi là "coóng", còn miền Nam gọi là "nỏ". Một ống nhựa (hoặc thủy tinh) được dẫn trực tiếp xuống dưới bình đang ngập nước. Phía bên hông có một chiếc vòi nhựa (độ dài tùy theo dân "đập đá" sử dụng) dùng để hít khói "đá" từ "coóng" sau khi đã dẫn qua làn nước đựng trong bình.

Ngoài ra, dân đi "đập đá" còn luôn mang theo trên 10 chiếc bật lửa gas để phục vụ cho việc đốt các muỗng "đá". Những chiếc bật lửa này được tháo tung phần sắt (dùng để bảo vệ ngọn lửa) ra, đồng thời chỗ tiếp xúc giữa đá bật lửa và cần gạt gas bị chèn bởi 1 đoạn tăm (hay sắt nhỏ). Việc làm này nhằm giữ cho ngọn lửa được cháy liên tục.

Dù làn khói "đá" đã qua quá trình lọc nước, song tác hại của việc sử dụng ma túy "đá" là hết sức khôn lường. Bên cạnh việc đặt ra mối lo lớn cho toàn xã hội, nó còn làm cho người sử dụng phải gánh chịu những hệ lụy cho chính bản thân mình.

Thạc sĩ Tuấn cho hay: "Ngoài những tác hại giống như sử dụng "thuốc lắc" ra, "đập đá" còn gây ra cho con người ta ảo giác hoang tưởng, rối loạn hành vi nhân cách. Nó kích thích hệ thần kinh, khiến cho người sử dụng không điều khiển được mình và mất ngủ trong vài ngày liên tiếp. Do mất ngủ, nên các cơ quan sinh học nội tạng sẽ nhanh chóng bị suy yếu, kiệt quệ. Đặc biệt, "đập đá" thường xuyên còn là nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu máu não, thiếu máu cơ tim ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bản thân...".

Cũng theo như Thạc sĩ Tuấn khuyến cáo, mặc dù loại ma túy trên mới xuất hiện, song từ đầu năm 2008 đến nay Khoa H cũng đã phải tiếp nhận và điều trị trên 10 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng "đá", "thuốc lắc" v.v...

Có thể thấy rằng, con số bệnh nhân mà Thạc sĩ Tuấn đưa ra ở trên, chắc chắn sẽ không dừng ở đó nếu như chúng ta không có ngay những biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời trong thời gian sắp tới. Nhất là khi thú "đập đá" đang có chiều hướng nở rộ trong giới trẻ như hiện nay

Trần Huy
.
.
.