Thợ nước sản xuất bằng giả
>> Buôn thua bán lỗ, học “nghề”… làm bằng giả
Bỏ ra từ 2 đến 4 triệu đồng, người có nhu cầu sử dụng giấy tờ giả dễ dàng sở hữu tất cả các loại văn bằng gồm bằng tốt nghiệp của các cấp học, chứng chỉ học nghề của các cơ sở đào tạo có uy tín... mà không cần phải qua bất cứ một trường lớp, hay một cơ sở đào tạo nào.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 1/6, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương (PC 16) đã bóc gỡ được đường dây, làm rõ 2 đối tượng có liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án đến Công an TP Hải Dương tiếp tục điều tra, theo thẩm quyền.
Trưa 29/5, nắng như đổ lửa, một thanh niên trẻ tuổi, ăn vận gọn gàng xuất hiện trước số nhà 14/22/72 đường Bình Lộc, phường Tân Bình, TP Hải Dương. Sau một hồi ngó nghiêng, quan sát, hắn gõ cửa. Chừng vài phút sau đó, một khuôn mặt mệt mỏi, ngáp ngủ thò ra rồi cánh cửa lại khép vào ngay. Đến 15h30' cùng ngày, khi bọn chúng đang giao dịch mua hàng thì tổ công tác dưới sự chỉ đạo của Đại úy Phạm Chí Hiếu đồng loạt xuất hiện, bắt quả tang đối tượng đang mua bán bằng giả.
Đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Anh Tuân, 41 tuổi, đang ở tại số nhà 14/22/72 đường Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương), người mua bằng giả là Nguyễn Văn Hùng, 27 tuổi, trú tại phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Tổ công tác thu giữ một bằng nghề mang tên Nguyễn Văn Hùng do Trường Cao đẳng Công nghiệp Chí Linh cấp có dấu và chữ ký giả, 4 giấy photo bằng nghề có dấu công chứng của UBND thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng (Hải Dương). Tiếp tục khám xét, tổ công tác thu giữ trong cốp xe máy của Tuân còn có một bằng tốt nghiệp giả, mang tên Nguyễn Hoàng Đạt, trú tại TP Hải Dương.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Xuân Duy, Trưởng Phòng PC 16 cho biết: Trước đó, Công an tỉnh Hải Dương nhận đơn tố cáo của quần chúng về tình trạng sử dụng bằng giả, giấy tờ giả, trong đó nổi lên là bằng giả, bằng tốt nghiệp THPT, trường dạy nghề giả… Được sự chỉ đạo của Đại tá Cao Văn Lan, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Phòng PC 16 đã tổ chức lực lượng xác minh các đơn thư tố giác.
Sau 3 tháng rà soát, Phòng PC 16 xác định được đối tượng nghi vấn và theo sát mọi di biến động của Tuân. Song tên này cảnh giác rất cao, sau khi kiểm tra, thấy an toàn, Tuân sẽ điều động người mua bằng giả đến các địa điểm khác nhau trong địa bàn tỉnh Hải Dương để giao "hàng". Tuân từng có tiền án về hành vi sản xuất giấy tờ giả... Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Tuân đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Sau khi ra trại (năm 2005) Tuân lại "ngựa quen đường cũ" câu kết với Đoàn Văn Khánh, 37 tuổi, trú tại phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương là một thợ sửa chữa nước hình thành đường dây sản xuất giấy tờ giả trên địa bàn. Khánh rất khéo tay, anh ta có khả năng ký các chữ ký giả... Tuân trực tiếp liên hệ với những người có nhu cầu sử dụng giấy tờ giả, nhận làm các loại giấy tờ theo đơn "đặt hàng". Sau khi nhận thông tin từ những người có nhu cầu sử dụng giấy tờ giả, Tuân chuyển cho Khánh.
Theo lời khai của Tuân thì anh ta mua bằng tốt nghiệp THPT của Khánh với giá 1,5 triệu đồng, bán ra với giá 2 triệu đồng; chứng chỉ học nghề mua với giá 2,5 triệu đồng sau đó bán ra 3,5 triệu đồng. Về sau này, các đối tượng còn làm giả cả bằng tốt nghiệp của các trường cao đẳng và đại học. Ngày 20/5, thông qua sự giới thiệu của người quen, Hùng khi đó đang có nhu cầu làm bằng tốt nghiệp THPT giả xin việc làm vào một công ty liên doanh đã đến gặp Tuân tại nhà riêng thoả thuận. Ngày 25/5, Hùng lại nhờ Tuân làm thêm chứng chỉ học nghề. Nhưng khi bọn chúng đang giao hàng thì bị bắt quả tang.
Ngày 31/5, Phòng PC 16 Công an tỉnh Hải Dương đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của Khánh. Khánh khai, anh ta làm các loại bằng và chứng chỉ giả hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Ban đầu, Khánh photo các bằng thật, sau đó dùng giấy can, đèn chiếu và hóa chất chụp lên phôi bằng giả. Tiếp đó, Khánh dùng bút bi không mực để tạo dấu và các ký hiệu khác. Khánh là người bắt chước chữ ký của những người có thẩm quyền...