Thêm nhiều nạn nhân mắc bẫy lừa đảo qua mạng xã hội

Thứ Sáu, 27/03/2020, 07:25
Mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Y Rắc (SN 1997, trú tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy không có khẩu trang y tế để bán nhưng khoảng đầu tháng 2/2020, thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có nhiều người tìm mua khẩu trang y tế nên Y Rắc đã sử dụng tài khoản facebook “Trúc Phương Lê Thị” để rao bán khẩu trang y tế với giá rẻ. Sau đó Y Rắc đã lừa bán khẩu trang y tế cho 2 nạn nhân, trong đó có 1 người ở tỉnh Đắk Nông để chiếm đoạt tổng cộng gần 20 triệu đồng.

Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông đang lấy lời khai đối tượng Lê Thị Y Rắc.

Trước đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Đoàn Quang Duy Tú (SN 1992) và Đỗ Văn Giải (SN 2002), cùng trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cũng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra, sau khi  bàn bạc, thống nhất, ngày 30/10/2019, các đối tượng đã sử dụng mạng Internet để “hack” tài khoản Facebook của ông S., ở TP Gia Nghĩa, rồi nhắn tin cho những người bạn trong Facebook của ông S. mượn tiền, đã có 3 người quen của ông S. chuyển tổng cộng 90 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng. Với thủ đoạn tương tự, ngày 17/2/2020, Tú và Giải tiếp tục “hack” Facebook và lừa của các nạn nhân khác với số tiền 87 triệu đồng.

Đại úy Võ Quốc Việt - Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo với phương thức, thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc điều tra, làm rõ.

Theo Đại úy Võ Quốc Việt, mạng xã hội đã và đang mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Nhưng mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tiền. Lực lượng Công an Đắk Nông và các ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn và đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo, nhưng để bảo vệ chính mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị các kiến thức cần thiết khi sử dụng mạng xã hội, không tiến hành các giao dịch chuyển tiền, nạp thẻ cào… khi chưa xác nhận chính xác thông tin của người nhận. Không truy cập vào bất cứ đường link nào không rõ nguồn gốc được gửi qua Facebook messenger, Zalo.

Khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử cần bảo mật thông tin về tên/mật khẩu đăng nhập các dịch vụ, mã xác thực giao dịch OTP. Đặc biệt, không cung cấp các thông tin này cho bất kỳ đối tượng nào, kể cả nhân viên ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội. Khi nghi ngờ bị lừa đảo cần làm việc với ngân hàng để ngăn chặn giao dịch và trình báo với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được giải quyết...

Ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo qua Facebook

Ngày 21/3, Công an TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội chuyển tiền qua ngân hàng. Đơn cử trường hợp của bà V.T.D., ở xã Tân Long, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Theo bà V.T.D., thời gian qua đã kết bạn với một người đàn ông quốc tịch Anh qua mạng xã hội Facebook, người này hẹn sang Việt Nam du lịch để gặp bạn gái mới quen. Mới đây, bà D. nhận được tin nhắn qua Facebook của người đàn ông, cho rằng ở Anh đang bị dịch bệnh COVID-19 và muốn sang Việt Nam vừa để du lịch, thăm bạn gái, lại tránh bị lây bệnh do dịch đang lây lan…

Ngày 19/3, bà D. nhận được tin nhắn của người đàn ông nêu trên, cho biết đã có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) nhưng do hành lý bị giữ không nói chuyện được nên nhờ nhân viên sân bay liên hệ. Một người đàn ông tự xưng là nhân viên sân bay, yêu cầu bà D. gửi 1.000 USD để bảo lãnh cho bạn trai vì người này mang rất nhiều tiền sang Việt Nam, bị nghi là rửa tiền.

Sau đó, người đàn ông quốc tịch Anh cũng nhắn tin lại qua Facebook cho bà D., xác minh sự việc đó là đúng. Do cả tin, không mảy may nghi ngờ, bà D. đã rút tiền tiết kiệm mang 23 triệu đồng đến Phòng Giao dịch Agribank Tràng Đà (TP Tuyên Quang) để gửi tiền theo yêu cầu của đối tượng.

Quá trình giao dịch, nghi ngờ người này bị lừa đảo, cán bộ Phòng Giao dịch Agribank Tràng Đà đã không thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu của bà D. Ngay sau đó, cán bộ Agribank Tuyên Quang đã thông báo với cơ quan Công an để điều tra làm rõ. Khi tiến hành xác minh thì số điện thoại gọi cho nạn nhân không liên lạc được. Chiều 20-3, Phòng Giao dịch Agribank Tràng Đà đã trao lại số tiền hơn 23 triệu đồng cho bà V.T.D.

Từ vụ việc của bà D., cơ quan Công an đề nghị người dân cần nêu cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội, không kết bạn với người chưa quen biết, nhất là đối với nickname tiếng nước ngoài để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. 

Theo Agribank Tuyên Quang, từ năm 2019 đến nay, ngân hàng đã phát hiện khoảng 10 trường hợp lừa đảo tiền gửi và đã ngăn chặn kịp thời.

Minh Hiền

Minh Quỳnh
.
.
.