Tạm hoãn phiên tòa xử "phụ nữ giả danh quân nhân lừa đảo hơn 4 tỷ đồng"
Sau khi trang bị được quân phục, trong hai năm 2010 và 2011, Hạnh đã dùng thủ đoạn gặp trực tiếp hoặc thông qua các mối quan hệ của mình để nói với mọi người rằng, Hạnh đang công tác tại một đơn vị trong lực lượng Quân đội, có nhiều quan hệ nên có khả năng xin được cho những ai có nhu cầu vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, chuyển công tác, đi du học, xuất khẩu lao động. Để mọi người tin tưởng những điều mình nói là có cơ sở, mỗi khi đi "giao dịch" với những người có nhu cầu nhờ việc, Hạnh thường mặc bộ quân phục vào để mọi người lầm tưởng Hạnh là sỹ quan thật.
Nạn nhân đầu tiên của Hạnh là anh Nguyễn Văn Bích, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Thông qua người quen giới thiệu, tháng 3/2011, anh Bích nhờ Hạnh lo cho con gái anh thi đỗ vào một trường của quân đội. Số tiền hai bên thỏa thuận là 170 triệu đồng. Để anh Bích tin tưởng nên sau khi nhận tiền, Hạnh đã viết giấy biên nhận với nội dung trên.
Gần đến ngày thi, Hạnh yêu cầu anh Bích đưa thêm cho Hạnh số tiền 34 triệu đồng vì phát sinh một số vấn đề trong quan hệ ngoại giao liên quan đến việc thi của con anh. Anh Bích đã thực hiện theo yêu cầu của Hạnh. Cuối cùng con anh Bích không thi đỗ vào trường như Hạnh đã hứa. Người thứ hai bị Hạnh lừa là anh Đinh Văn Tạ, ở quận Đống Đa, Hà Nội.
Thông qua người quen giới thiệu, anh Tạ nhờ Hạnh lo cho việc đền bù một khu đất của anh ở huyện Gia Lâm. Hạnh ra giá 380 triệu đồng và anh Tạ đã thực hiện theo yêu cầu của Hạnh. Tuy nhiên Hạnh đã không thực hiện được công việc như đã hứa với anh Tạ. Nạn nhân tiếp theo của Hạnh là anh Nguyễn Văn Thức, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Thông qua người quen giới thiệu, anh Thức nhờ Hạnh lo cho con anh đi du học tại Pháp. Hạnh yêu cầu anh Thức phải đưa số tiền 400 triệu đồng. Sau khi nhận tiền của anh Thức, Hạnh cũng không thực hiện được như đã hứa.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, với các thủ đoạn trên, Hạnh đã lừa đảo và chiếm đoạt của 18 bị hại với số tiền gần 4 tỷ 200 triệu đồng. Đến nay không có khả năng hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. Trong quá trình điều tra đã làm rõ, Hạnh không phải là sĩ quan quân đội, mà mới chỉ tốt nghiệp hết bậc phổ thông trung học. Toàn bộ số tiền có được Hạnh ăn tiêu và xây một ngôi nhà 5 tầng ở huyện Hoài Đức với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Khi cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án này thì Hạnh đang thuê nhà nghỉ ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội.
Ngày 31/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Bùi Thị Hạnh thực hiện. Trong quá trình xét xử, do bị cáo không thừa nhận một số nội dung trong cáo trạng đã quy kết, mặt khác một số nhân chứng quan trọng lại vắng mặt tại phiên xử nên HĐXX không thể làm rõ một số tình tiết liên quan. Vì vậy HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa, tuyên trả hồ sơ để điều tra làm rõ thêm những nội dung liên quan đến vụ án