Tái diễn thủ đoạn giả danh Công an gọi điện lừa đảo

Thứ Năm, 10/08/2017, 09:50
Chỉ trong một thời gian ngắn, tại tỉnh Bắc Giang đã xảy ra ít nhất 4 vụ các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát lừa đảo, chiếm đoạt lên tới 3,4 tỷ đồng. Các đối tượng nói rằng đang điều tra vụ án ma tuý, rửa tiền lớn để đe doạ bị hại, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt.

Thủ đoạn này tuy không mới nhưng nhiều người vì nhẹ dạ, cả tin nên vẫn mắc bẫy.

Đại tá Lại Văn Đông, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang kể lại vụ án mà người bị hại là một phụ nữ hơn 60 tuổi, ở TP Bắc Giang bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 2 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị N. (63 tuổi, trú ở TP Bắc Giang), có con đi nước ngoài, thường xuyên gửi tiền về nên kinh tế khá giả. Ngày 26-7, có một người điện thoại đến cho bà N., xưng danh là cán bộ Công an công tác ở Bộ, hiện đang điều tra vụ án về ma tuý mà bà là người có liên quan.

Mặc dù cả đời làm kinh doanh, buôn bán thông thường, chả biết đến ma tuý, rửa tiền là gì nên khi nghe đối tượng nói thế, bà N rất lo lắng, hoảng hốt. Nắm được tâm lí đó, đối tượng liên tục điện thoại, đe doạ rằng Công an biết số tiền bà đang gửi ở ngân hàng nghi là tiền mua bán ma tuý, gửi vào ngân hàng để rửa tiền.

Đối tượng yêu cầu bà N. “nếu muốn chứng minh mình trong sạch thì phải chuyển toàn bộ tiền từ ngân hàng vào tài khoản tạm giữ của “Cơ quan điều tra”, sau vài ngày xác minh, nếu số tiền trên không dính líu đến ma tuý, “Cơ quan điều tra” sẽ chuyển lại đầy đủ. Để “đánh” vào tâm lý lo lắng, sợ hãi của bà N., đối tượng yêu cầu bà không được kể với ai, chỉ đi một mình, nếu không sẽ bị bắt.

Quá sợ hãi trước lời đe doạ trên, bà N. ra ngân hàng chuyển ngay 2,024 tỷ vào tài khoản mang tên Nguyễn Ngọc Sơn, mở tại chi nhánh Vân Đồn, Quảng Ninh. Thấy bà N. có biểu hiện không bình thường, lại chuyển số tiền lớn nên nhân viên ngân hàng đã nghi ngờ, hỏi lại rất kỹ nhưng bà N. vẫn nhất quyết muốn chuyển tiền. Không ngờ, sau lệnh chuyển chỉ vài phút sau, số tiền bị rút sạch, tài khoản nhận tiền bị khoá, số điện thoại của “cán bộ Công an” cũng không liên lạc được nữa. Bà N. mới choáng váng nghi ngờ mình bị lừa nên đến trình  báo cơ quan Công an.

Cùng là bị hại giống bà N. là ông Lê Văn K., cũng ở TP Bắc Giang. Anh Lê Minh T. - con trai nạn nhân K. - người vừa bị lừa đảo 46 triệu đồng kể: Khoảng 14h ngày 27-7-2017, bố mẹ tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại gọi đến hỏi có phải là nhà ông K., có chứng minh nhân dân và điện thoại như thế này không? Nghe xong, thấy đúng là thông tin của mình nên ông K. đáp là phải.

Người gọi điện cho biết anh ta là sĩ quan công tác tại Bộ Công an đang điều tra một chuyên án ma túy lớn. Quá trình điều tra, đối tượng phạm tội khai báo bố tôi có liên quan đến đường dây này. Chúng đã chuyển “tiền bẩn” vào tài khoản của ông ở ngân hàng. Nếu muốn chứng minh không liên quan đến vụ án, bố tôi phải hợp tác với “cơ quan điều tra” bằng cách chuyển toàn bộ tiền trong sổ tiết kiệm của ông vào tài khoản "ban chuyên án" tại một ngân hàng. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống của gia đình, thậm chí đe dọa đến tính mạng, phải ngồi tù.

Hoảng sợ, bố tôi thanh minh nhưng bị “cán bộ điều tra” liên tục chặn lại. Chúng còn bồi thêm là quá trình xác minh, nếu thấy đây là tiền "sạch", hôm sau chúng sẽ thông báo và trả lại toàn bộ số tiền vào tài khoản của ông như ban đầu không thiếu một xu.

Ngay sau đó ít phút, vào chiều 27-7, ông K. đã một mình ra ngân hàng chuyển toàn bộ 46 triệu đồng trong sổ tiết kiệm sang cho một tài khoản mang tên Trần Thị Ngọc Nhung, số tài khoản 101867052286 tại Ngân hàng Chi nhánh Cẩm Phả (Quảng Ninh). Hôm sau, không thấy “cơ quan điều tra” liên hệ lại, cũng chẳng thấy tiền được trả lại tài khoản, ông N. gọi vào số máy của “cán bộ điều tra” thì thấy đã ngắt mọi thông tin. Biết là bị lừa, một tuần sau ông mới tâm sự với các con.

Nhóm đối tượng giả danh Công an để lừa đảo bị bắt giữ.

Đại tá Lại Văn Đông cho biết, nạn nhân phần lớn là những người cao tuổi, có tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng, thời gian gọi điện vào giờ hành chính khi con cái, người thân đi làm. Có thể đối tượng đã tìm hiểu kỹ về nạn nhân nên chúng nắm rõ thông tin về họ khiến nạn nhân rất tin tưởng. Hiện, cơ quan điều tra đang tích cực điều tra, làm rõ các đối tượng gây án, đồng thời có thông báo gửi cho ngân hàng và các cơ quan liên quan để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua điện thoại, đề nghị người dân khi gặp những tình huống tương tự cần cảnh giác. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân, tài khoản, số điện thoại di động... cho các đối tượng lạ, nhất là đối với những người chỉ gọi qua điện thoại. Nếu phát hiện nghi ngờ, cần dừng mọi giao dịch và báo cho cơ quan Công an.

Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị ai là bị hại, ai biết nhóm đối tượng trên ở đâu, thông tin cho Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang qua điện thoại đồng chí Đỗ Văn Tiến, Đội trưởng, ĐT 0904093666.

Tạm giữ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng

Ngày 8-8, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, đang tạm giữ đối tượng Hoàng Trọng Đại (33 tuổi, trú tại thôn Bản Mèo, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Qua tài liệu của cơ quan điều tra, sau khi nhận đơn tố giác của bị hại là bà Nguyễn Thị Xưng cùng con trai là Nguyễn Văn Lành, trú tại xã Lăng Can, huyện Lâm Bình về việc Hoàng Trọng Đại giả danh là Công an “mật”, hứa sẽ xin cho anh Lành đi Công an nghĩa vụ, nhưng thực tế sau đó Đại không thực hiện, chiếm đoạt tài sản của bà Xưng số tiền 60 triệu đồng. Sau khi xác minh làm rõ, ngày 6-8, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp chỗ ở Hoàng Trọng, thu giữ 1 bộ quần áo an ninh và 60 triệu đồng…

Đại khai nhận, từng dự thi tuyển vào Học viện An ninh nhân dân nhưng bị trượt. Quá trình làm thủ tục, hồ sơ, anh ta học “lỏm” được ít nhiều về công an nên tung tin mình là cán bộ Công an làm ở Cục An ninh Tây Bắc, phụ trách huyện Lâm Bình. Để mọi người tin tưởng, Đại mua bộ quần áo an ninh mặc để đi gặp các bị hại. Ngoài ra, tại huyện Lâm Bình có một số học sinh được xét tuyển thẳng vào Công an nghĩa vụ, Đại nắm được thông tin này đã giả vờ đến hướng dẫn làm hồ sơ, đưa đi khám sức khỏe…

Khi thấy một số người được đi học nghĩa vụ, Đại tung tin là do mình xin được nên nhiều người đã trúng kế đưa tiền cho anh ta để xin được đi Công an nghĩa vụ. Với tài ăn nói, dáng người cao, ưa nhìn, từ năm 2012 đến 2016, Đại đã chiếm đoạt được của nhiều bị hại trên địa bàn huyện Lâm Bình, với tổng số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Ai là bị hại trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do Hoàng Trọng Đại gây ra, đề nghị liên hệ tới Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tuyên Quang, điện thoại: 0692.529161 để được giải quyết.

M.Hiền – T.Sơn

Phương Thuỷ

.
.
.