TP HCM: Đề nghị truy tố 3 đối tượng vận chuyển nữ trang, tiền tệ trái phép qua biên giới

Thứ Ba, 23/12/2008, 09:31
Ngày 22/12, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an TP HCM cho biết, vừa kết luận điều tra bổ sung vụ án "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" và đề nghị Viện KSND TP HCM truy tố các bị can:

Phạm Minh Tuấn (36 tuổi, ở phường 6, quận Gò Vấp) - Phi công đoàn bay 919- Tổng Công ty Hàng không Việt Nam; Lê Trung Hiếu (45 tuổi, chỗ ở phường 2, quận Tân Bình) - Lái xe tại đoàn bay 919 và Nguyễn Xuân Hào (31 tuổi, ở phường Cầu Kho, quận 1) - Thợ máy xí nghiệp A 75- Tổng Công ty Hàng không Việt Nam… 

Trước đó, ngày 14/10/2006, Phạm Minh Tuấn móc nối với Lê Trung Hiếu để thuê Hiếu vận chuyển một số hàng hóa là đồ nữ trang từ Việt Nam sang CHLB Nga bằng đường hàng không, không qua khai báo Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất để giao cho một khách hàng tại CHLB Nga.

Theo thỏa thuận, cùng ngày Tuấn đã mang số nữ trang đến đoàn bay 919 đưa cho Hiếu cùng số tiền thuê là 80USD. Sau khi nhận được hàng và tiền, Hiếu đã tự liên lạc với phi công Nguyễn Ngọc Minh và được Minh chấp thuận nhận vận chuyển số nữ trang này.

Hiếu đã liên lạc Nguyễn Xuân Hào để nhờ Hào mang hàng vào khu vực trong sân bay đưa cho phi công Nguyễn Ngọc Minh. Tại cửa ga quốc nội, tối ngày 15/10/2006, Hiếu đưa cho Hào toàn bộ số nữ trang 1.540g đã nhận từ Tuấn và trả công cho Hào 40 USD. Hào mang số hàng này ra chỗ máy bay đang đỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất thì bị lực lượng an ninh sân bay phát hiện, bắt giữ.

Sau khi bị cơ quan CSĐT khởi tố, bắt giam, Phạm Minh Tuấn khai nhận: Trong năm 2006, với cương vị là cơ phó thuộc Đoàn bay 919, Tuấn nhiều lần được đơn vị giao lái máy bay qua CHLB Nga. Tại đây Tuấn quen biết với một người Nga tên là Oleg.

Khoảng tháng 10/2006, Oleg sang Việt Nam du lịch, hai người gặp nhau nhiều lần đi chơi, ăn uống. Oleg có nhờ Tuấn gửi nữ trang mua tại Việt Nam chuyển qua Nga và Tuấn nhận lời. Số nữ trang được Tuấn chia thành 8 phần bỏ trong 8 vỏ bao thuốc lá để tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng. Oleg cung cấp cho Tuấn số điện thoại của người sẽ nhận hàng ở Nga.

Theo đề nghị của Tuấn, Oleg đã trả trước cho Tuấn 80 USD tiền công vận chuyển. Toàn bộ số nữ trang sau đó đã được Tuấn giao lại cho Lê Trung Hiếu để Hiếu tự tìm cách móc nối với phi công lái chuyến bay tối hôm đó thì bị phát hiện, bắt giữ.

Khi bị lực lượng an ninh sân bay lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên, Lê Trung Hiếu đã gọi điện để thông báo cho Tuấn biết số nữ trang đã bị bắt.

Tuấn đã hẹn Hiếu gặp nhau tại đoàn bay 919 để bàn việc giải quyết. Sáng 16/10/2006, tại phòng nghỉ dành cho phi công ở đoàn bay, Tuấn và Hiếu gặp nhau, Tuấn yêu cầu Hiếu không được khai ra Tuấn nếu cơ quan chức năng hỏi và nhờ Hiếu nhận mọi việc thay cho Tuấn.

Tuy nhiên, Hiếu không chấp nhận. Nghe được nội dung sự việc trên, nghe Tuấn tâm sự và lo sợ sẽ bị đình chỉ bay và có thể bị truy tố trước pháp luật nên Đặng Tố Hải (bạn Tuấn) cùng đi theo đã đứng ra nhận thay sự việc cho Tuấn…

Căn cứ lời khai ban đầu của Lê Trung Hiếu, Đặng Tố Hải và các đối tượng liên quan, phù hợp với các tài liệu do các đối tượng tạo dựng nên. Ngày 22/5/2008, cơ quan CSĐT - Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Tố Hải và Lê Trung Hiếu về tội "Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới".

Sau khi tống đạt quyết định khởi tố, Đặng Tố Hải và Lê Trung Hiếu sợ sẽ bị xử lý pháp luật nên đã khai lại toàn bộ nội dung sự việc xảy ra vào đêm 15/10/2006 tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Với những tài liệu và những chứng cứ thu thập được, ngày 10/11/2008, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Minh Tuấn về tội "vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới".

Qua đấu tranh khai thác, Tuấn đã khai nhận mọi hành vi phạm tội của mình và đồng phạm khác. Kết quả giám định số hàng bị Cơ quan an ninh sân bay bắt giữ nêu trên, có trị giá hơn 184,5 triệu đồng

Thúy Hà
.
.
.