Phòng ngừa tội phạm bắt cóc học sinh tại trường
Kẻ lạ vào tận lớp dụ dỗ học sinh đi theo
Sáng 21/8, chúng tôi đến gia đình cháu Nguyễn Đức Minh, học sinh lớp 3N của Trường Tiểu học Kim Liên ở khu đô thị mới Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội). Theo như gia đình cho biết, cháu suýt trở thành nạn nhân của một vụ bắt cóc trẻ em.
Ông Nguyễn Thế Hiển, ông nội cháu Minh vẫn chưa hết lo lắng khi kể cho chúng tôi nghe sự việc hôm 17/8 vừa qua. Trưa hôm đó, do nhà có khách nên ông Hiển đến đón cháu hơi muộn hơn giờ tan học. Khi ông lên lớp đón, cháu Minh vẫn ngồi tại bàn học của mình và có thái độ lạ hơn, lo sợ hơn. Trên đường về, cháu mới dám kể cho ông nội nghe về "một việc lạ lắm".
Theo báo cáo của Đại tá Nguyễn Chí Việt, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH, trung bình một năm trên toàn quốc đã xảy ra trên 100 vụ giết trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em, 50 vụ bắt cóc chiếm đoạt, mua bán trẻ em. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2010, toàn quốc phát hiện 704 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 30 vụ giết trẻ em, 255 vụ trẻ em bị hiếp dâm, 146 vụ giao cấu với trẻ em, 59 vụ cố ý gây thương tích. Đặc biệt, tình trạng trẻ em bị chiếm đoạt, mua bán, bắt cóc… đang gia tăng. |
Cháu kể rằng, cháu đang ngồi đọc sách đợi ông thì thấy có một chú trông rất lạ, đứng ở cạnh bàn, gọi cháu. Khi cháu ngẩng lên, chú ấy bảo: "Mọi người trong nhà bận, chú sẽ đưa cháu về". Thấy người lạ, cháu Minh nhớ đến lời ông nội từng dặn: "Chỉ có ông nội và bố mẹ đến đón con, ngoài ra con không được theo ai đón về" nên không đi theo người đàn ông lạ và tiếp tục cúi xuống đọc sách. Người đàn ông lại gọi cháu lần nữa, bảo đón cháu về nhưng cháu bé vẫn cố tình đọc sách, không ngẩng lên.
Nghe cháu Minh kể lại chuyện, ông Hiển lại liên tưởng đến chuyện những người hàng xóm quanh nhà ông mới cho biết, thỉnh thoảng có thấy một vài thanh niên lạ mặt lởn vởn quanh nhà ông mà lạnh cả người. Ông ôm chặt cháu vào lòng, may nhờ thằng bé ngoan, biết nghe lời ông nên mới không rơi vào bẫy của bọn bắt cóc.
Sáng hôm sau, ông đến báo ngay với cô giáo phụ trách lớp. Và từ hôm đó, gia đình ông Hiển luôn phải đến đón cháu đúng hoặc sớm hơn giờ tan lớp. Vì đang là lớp học hè nên cô giáo mới hầu như chưa biết mặt phụ huynh học sinh. Có lẽ vì thế mà các đối tượng lạ, có ý định bắt cóc trẻ em mới dễ dàng hơn trong việc trà trộn vào các bậc phụ huynh, vào tận lớp học, dụ dỗ các cháu đi theo khi tan giờ.
Chia sẻ câu chuyện này với chúng tôi, ông Hiển bảo: "Cũng lo lắm cô à. Chúng tôi vẫn luôn dạy cháu tự bảo vệ mình. Nhưng bây giờ cháu vẫn còn bé, dạy một biết một chứ chưa hiểu rộng ra được. Chẳng hạn, hôm rồi tôi đặt cho cháu một câu hỏi: Nếu có một người lạ mặt đến xin phép cô giáo đón con, cô giáo đồng ý thì con có đi theo không? Cháu trả lời luôn là có, vì cháu rất ngoan, nghĩ rằng cô giáo đồng ý thì có nghĩa là mọi việc đều đúng".
Bọn bắt cóc có nhiều mưu kế
"Phòng còn hơn chống" đúng như ông Hiển đã nói, bởi từ trước đến nay, đã từng xảy ra những vụ bắt cóc trẻ em ngay tại các trường học gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Bọn bắt cóc có rất nhiều mưu kế để dụ dỗ, lôi kéo các cháu đi theo. Khi đang đứng trước cổng trường chờ đến giờ vào lớp, 2 học sinh lớp 5 là Trần Yến Nhi và Nguyễn Hồng Ngọc, TP Cà Mau thấy có một phụ nữ khoảng 30 tuổi, nói rằng ở ngôi chùa gần đấy có "máy quay phim ngộ lắm", rồi rủ 2 cô bé học sinh lên xe, chở đi xem. Nhưng khi 2 cô bé vừa ngồi lên, người đàn bà này lập tức phóng xe theo hướng khác, chứ không ghé chùa như nói với 2 cô bé. Thấy thế, 2 cháu kêu la, đòi xuống, nhưng người đàn bà vẫn phóng xe đi với tốc độ nhanh khiến 2 cháu không dám nhảy xuống. Có một người bán rong nhìn thấy hiện tượng trên đã báo nhà trường và cơ quan Công an. Ngay lập tức, lực lượng Công an tiến hành truy đuổi theo hướng xe của người đàn bà chở 2 cháu học sinh. Họ đã phát hiện 2 cháu bé tại địa bàn huyện Giá Rái (Bạc Liêu) khi đang lần tìm đường về.
Theo lời các cháu kể, người đàn bà kia đã đưa 2 cháu vào sân khấu ngoài trời của khu sinh hoạt văn hóa huyện Giá Rái, dùng kìm cắt lấy vòng vàng, bông tai và bắt các em đưa hết tiền trong túi. Sau đó, bà ta thả 2 cháu xuống quốc lộ 1A rồi biến mất…
Ngay cuối năm 2009, tại Trường THCS Bãi Cháy 2 (Quảng Ninh) cũng đã xảy ra một vụ bắt cóc học sinh ngay trong lớp. Chuẩn bị giờ ăn trưa, một thanh niên đến gặp giáo viên chủ nhiệm lớp 1, xin cho cháu Bùi Thị Bích Ngọc được về sớm ăn cỗ với ông bà nội. Thấy người này tỏ ra lễ độ, cộng thêm bé gái quấn quýt khiến cô giáo không nghi ngờ, đã đồng ý cho người thanh niên đón cháu về. Không ngờ, ngay sau đó, mẹ cháu Ngọc đã nhận được điện thoại của một người đàn ông cho biết con chị đã bị bắt cóc, gia đình phải đưa ngay 400 triệu đồng tiền chuộc. Kẻ bắt cóc liên tục gọi điện đe dọa, nếu gia đình báo Cảnh sát hoặc có người đi cùng, đứa trẻ sẽ bị mổ lấy nội tạng đem bán.
Sau đó, lực lượng Công an đã giải cứu an toàn cho cháu bé và bắt giữ 2 kẻ bắt cóc tống tiền. Đó là đôi tình nhân Phạm Văn Khánh và Vũ Thị Xuân, cùng trú tại Cẩm Phả (Quảng Ninh). Trong đó, Xuân từng làm nhân viên phục vụ tại nhà nghỉ do ông nội bé Ngọc làm chủ nên nắm rõ giờ giấc sinh hoạt của mẹ cháu bé và số điện thoại của gia đình. Còn Khánh thường xuyên đến nơi làm việc của người yêu nên quen cháu Ngọc. Hắn chính là người đến tận lớp xin cô giáo đón cháu về.
Đã từng có những hậu quả đau lòng
Các đối tượng bắt cóc trẻ con bao giờ cũng nhằm những mục đích xấu. Có vụ, chúng bắt cóc các cháu để uy hiếp tinh thần, bắt cha mẹ các cháu trả món nợ làm ăn đối với chúng. Có vụ, đối tượng nhằm vào tài sản các cháu đang mang trên người để cướp. Như vụ đối tượng Nguyễn Trọng Thọ, trú tại Việt Yên (Bắc Giang) đón lõng cháu Trần Thành Công, học sinh lớp 7 Trường THCS Yên Viên (Gia Lâm) ngoài cổng trường, giả vờ nhờ cháu đèo xe đạp đến khu vực cầu Đuống. Khi đến khu vực bãi ngô vắng vẻ, tên Thọ đã đánh cháu chết, rồi cướp đi tài sản của cháu mang theo là 1 ĐTDĐ và chiếc xe đạp. Tệ hại hơn, hắn còn tìm cách tống tiền gia đình người đã chết. Còn về thông thường, bọn bắt cóc thường nhằm vào các cháu bé có hoàn cảnh kinh tế gia đình khá giả để tống tiền cha mẹ các cháu.
Vụ đối tượng Phạm Công Tố, quê ở Nam Định, vào làm thuê tại TP HCM đã bắt cóc cháu Dương Hà Đức Tín, 9 tuổi sau đó gọi điện, tống tiền gia đình 50 triệu đồng. Việc đòi tiền là một nhẽ, nhưng ở một số vụ, hậu quả cực kỳ đau lòng đã xảy ra do các cháu sợ hãi, khóc lóc, không chịu tuân theo mệnh lệnh của những kẻ bắt cóc nên sợ lộ, chúng đã thủ tiêu các cháu trước khi giao nộp cho gia đình để lấy tiền chuộc.
Như trong vụ tên Phạm Công Tố, hắn chở em Tín về nhốt trong một căn nhà thuê vắng vẻ ở xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên (Bình Dương). Lúc này bé Tín cứ kêu khóc đòi về nên Tố hoang mang sợ bị lộ, lòng hung ác nổi dậy, Tố liền đưa bé Tín ra con lộ đất đỏ đang thi công dang dở gần đó, nơi ít người qua lại rồi dùng dây siết cổ em cho đến chết. Sau đó hắn bỏ thi thể của nạn nhân vào bao và vứt xuống rãnh nước bên đường.
Hay trong vụ tên Lê Thanh Phương, trú tại xã Gia Hiệp, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã bắt cóc cháu Lê Thị Mỹ Duyên, 8 tuổi, trên đường đi học về để tống tiền cha mẹ cháu. Nhưng khi hắn bắt cháu Duyên lôi ra rẫy cà phê, cháu Duyên vùng vẫy, la hét nên hắn tức và sợ lộ, đã nắm tóc dúi mặt cháu xuống đất khoảng 5 phút. Phát hiện cháu đã chết, hắn lấy lá cây phủ lên rồi bỏ đi.
Nhất thiết phải trang bị kỹ năng sống cho trẻ em. Điều này, theo chúng tôi, cũng rất quan trọng. Bởi thực tế, được gia đình dạy bảo, biết nghe lời, cháu Nguyễn Đức Minh đã tránh được sự dụ dỗ của kẻ lạ. Nếu không, ai biết hậu quả xấu sẽ xảy ra như thế nào?
Qua câu chuyện của gia đình mình, ông Nguyễn Thế Hiển cũng kiến nghị với các trường học, không nên để việc đón các cháu tự do (ngoài đường, dưới sân). Cô giáo phải thuộc hết những người trong gia đình của các cháu thường đến đón. Nếu là người lạ, tự xưng là người nhà của các cháu thì các cô nên quan sát cách xưng hô và thái độ của các cháu (thân thiết hay không) hoặc khi có người lạ đón cháu, gia đình phải gọi điện thoại báo trước.
Trung tá Nguyễn Văn Tráng, Phó phòng 6 Cục CSĐT tội phạm về TTXH:
Để phòng ngừa loại tội phạm này, về phía lực lượng Công an, thường xuyên tiến hành công tác nghiệp vụ cơ bản để phát hiện các băng nhóm tội phạm chuyên bắt cóc tống tiền để ngăn chặn và đấu tranh kịp thời. Chẳng hạn, khi phát hiện bọn chúng có dấu hiệu theo dõi một cháu học sinh nào thì lập tức thông báo cho phụ huynh học sinh, giáo viên và tiến hành các biện pháp theo dõi, ngăn chặn kịp thời hành vi của bọn chúng khi thực hiện. Lực lượng Công an cũng phải thường xuyên phối hợp với nhà trường thông báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm bắt cóc trẻ em để tuyên truyền cho các giáo viên, cán bộ nhà trường, phụ huynh học sinh nắm được. Nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, dân phòng để đảm bảo ANTT trong giờ tan học, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn bắt cóc trẻ em tại khu vực cổng trường hay trong trường học. Trung tá Nguyễn Văn Tráng cũng cho biết, qua điều tra khám phá các vụ bắt cóc trẻ em (học sinh), đối tượng bắt cóc hầu hết có quen biết với gia đình và cháu bé nên dễ gạt giáo viên cho đón các cháu và dễ dụ dỗ các cháu đi theo. Chính vì thế, các trường học cần quán triệt với phụ huynh học sinh (đặc biệt đối với các trường tiểu học), có trách nhiệm đưa đón con khi đến trường và tan trường. Các bậc phụ huynh cũng nên quan tâm, đưa đón con, đừng vì mải công việc quên đón, hoặc giao cho những người không ruột thịt trong gia đình đón, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được. |