Phòng khám Đông y Trung Quốc: Không để “vàng thau lẫn lộn”

Thứ Tư, 18/07/2012, 15:18
Năm 2010, trên địa bàn Hà Nội có 23 phòng khám Đông y Trung Quốc. Năm 2011, con số này là 13 và hiện tại, chỉ còn 5 phòng khám đang hoạt động. Theo đó, con số là thầy thuốc người nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này cũng giảm và hiện nay chỉ còn 7 người.
>> Bài 3: Mất quá nhiều tiền lại mất cả mạng sống!

Mặc dù số lượng giảm dần theo thời gian nhưng những ì xèo về hoạt động của loại phòng khám này vẫn tồn tại. Từ ngàn năm nay, hiệu quả phương pháp chữa bệnh bằng đông y đã được chứng minh. Thế nên, làm thế nào để không xảy ra tình trạng “vàng thau lẫn lộn” là trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Phòng khám Đông y Trung Quốc nói riêng và các cơ sở khám chữa bệnh nói chung được cấp phép hoạt động theo Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, Luật Khám chữa bệnh. Theo đó, cơ sở khám bệnh phải đáp ứng đủ các yêu cầu: cơ sở vật chất, nhân lực...

Đối với các thầy thuốc nước ngoài phải có chứng chỉ khám chữa bệnh được Bộ Y tế thẩm định và được cấp Giấy phép khám chữa bệnh. Ngoài ra, tại các phòng khám còn phải niêm yết giá khám chữa bệnh, thầy thuốc phải giải thích cho bệnh nhân về tình trạng bệnh, cách sử dụng thuốc... Với thầy thuốc nước ngoài, phải có phần dịch Tiếng Việt trong bệnh án, đơn thuốc...

Quy định rõ ràng như vậy và số lượng phòng khám Đông y Trung Quốc hoạt động tại Hà Nội hiện không còn nhiều, song ngày 11/7, khi đi khám bệnh, chúng tôi vẫn nhận được cách chẩn trị, đơn thuốc bằng tiếng Trung. Làm thế nào để chấn chỉnh hoạt động này và để phòng khám Đông y Trung Quốc phát huy được khả năng của mình, đáp ứng được nhu cầu người bệnh?

Nội dung ghi trong sổ y bạ bằng tiếng Trung Quốc của một phòng khám Đông y Trung Quốc mà phóng viên tiếp cận ngày 11/ 7.

Trả lời phỏng vấn Báo CAND, ông Vũ Hoàng Sơn, Vụ phó Vụ Y học Cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này quản lý các phòng khám y học cổ truyền, để xảy ra sai phạm là trách nhiệm của các cơ sở y tế do họ cố tình quảng cáo sai sự thật. Để tránh bị mắc bẫy, người bệnh cần tìm hiểu về phòng khám.

Ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Thế nên, người bệnh phải biết rõ: Phòng khám đó có giấy phép và hành nghề đúng giấy phép không; giữa quảng cáo và việc hành nghề như thế nào; thuốc chữa bệnh có được phép lưu thông và tuân thủ yêu cầu phải có nhãn phụ như với hàng nhập khẩu không...

Ông Hùng cũng cho rằng, để chấn chỉnh hoạt động này, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trong khi đó, những người bệnh đã từng đến khám tại các phòng khám Đông y Trung Quốc thì cho rằng, họ đã tin quảng cáo để đến khám và bị dẫn dắt vào “mê hồn trận”. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bị viêm mũi dị ứng đã nhiều năm nhưng chữa trị nhiều nơi không khỏi. Nghe quảng cáo, chị quyết định điều trị thử  bằng thuốc Đông y.

Phòng khám Đông Y H.V., ở đường Giải Phóng mà chúng tôi đã nêu ở bài trước là điểm chị tìm đến. Nghe chị nói về bệnh của mình, cô y tá ở đây bảo chị đóng tiền khám bệnh, rồi phán như thầy thuốc thật “Bệnh này phải uống vài liệu trình mới khỏi”.

Theo cô nhân viên phòng khám, mỗi liệu trình 10 – 15 ngày uống. Mỗi ngày uống là 300.000đ. Nghe chị Hiền nói không mang nhiều tiền như thế để mua thuốc mà muốn khám thử để xác định lại bệnh, cô nhân viên thể hiện rõ thái độ qua giọng nói: “Khi nào có tiền tới khám rồi mua thuốc luôn cũng được”.

Chị Hiền nhận định, với cách xử sự của cô nhân viên như vậy thì rõ ràng là phòng khám này chỉ cần tiền của khách chứ đâu quan tâm đến việc chữa khỏi bệnh cho người bệnh đâu. Nếu phòng khám thật sự chữa vì người bệnh thì họ đã không xử sự như vậy.

Anh Hoàng Anh Tuấn, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội đã từng đưa cha đến một phòng khám Đông y khác cũng ở đường Giải Phóng để chích cái nhọt trên người. Nhưng sau khi khám và mua thuốc uống, hai cha con đều giật mình vì phòng khám nói số tiền lên tới 2.500.000đ.

“Lúc đó tôi nghĩ vào viện thì phải chờ đợi không biết đến bao giờ nên tôi đưa cha vào phòng khám tư nhân. Cô nhân viên niềm nở tiếp đón, rồi hướng dẫn lên phòng khám bệnh. Ông bác sỹ người Trung Quốc sau khi khám qua loa có hỏi cha tôi một số câu liên quan đến vấn đề ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, sau đó nói là cái nhọt to quá, cần phải chích ra rồi mới uống thuốc đông y mới được.

Rồi cô nhân viên cầm ra 10 thang thuốc nói là hết 2.500.000đ. “Tôi hỏi thuốc gì cô ấy nói là thuốc mát gan, điều hòa khí huyết, ngăn chặn việc nổi mụn nhọt”, anh Tuấn kể lại. Khi anh Tuấn mang 10 thang thuốc về nhà mới phát hiện ra toàn thuốc lá, thuốc bổ mà dạo trước anh mua hộ bạn trên phố Lãn Ông chỉ có vài chục ngàn đồng một  thang. Vậy mà ở phòng khám này đã “chém đẹp” bố con anh mất mấy triệu bạc.

Quá trình nhập vai người bệnh để tìm hiểu sự thật giữa quảng cáo và khám chữa bệnh tại một số phòng khám Đông y Trung Quốc, chúng tôi đã nghe được tâm sự của người trong cuộc, từng đến một số phòng khám nhưng sự thật giữa quảng cáo và phương pháp chữa bệnh chẳng hề giống nhau.

Và điều quan trọng nhất với người bệnh là đến phòng khám để được chữa khỏi bệnh, nhưng bệnh thì chưa thấy khỏi mà chỉ thấy phòng khám yêu cầu mua thuốc của họ với giá cắt cổ. Thế nên, lập lại trật tự trong lĩnh vực này là yêu cầu bắt buộc. Có như vậy, thầy thuốc mới làm hết trách nhiệm của mình và quyền lợi chính đáng của người bệnh mới được bảo vệ.

Xử lý sai phạm tại một số phòng khám Đông y tại TP HCM

Trước thực trạng khám bệnh và bán thuốc bừa bãi tại các phòng khám Đông y Trung Quốc, mới đây, Sở Y tế TP HCM đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra để làm rõ sự việc này. Kiểm tra 7 phòng khám Trung Quốc hoặc có bác sĩ Trung Quốc hành nghề, Sở Y tế TP HCM phát hiện cả 7 cơ sở đều vi phạm, 4 trong số này đã bị rút phép hành nghề một năm.

Trong báo cáo gửi Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM cho hay trong quá trình thanh tra, nhiều phòng khám đối phó bằng cách treo biển ngưng hoạt động, bác sỹ đang khám cho bệnh nhân thấy thanh tra thì bỏ chạy. Sai phạm thường thấy tại các cơ sở khám bệnh Đông y tại TP HCM là hành nghề quá phạm vi chuyên môn, sử dụng thuốc không có phép lưu hành, quảng cáo quá khả năng chuyên môn được cấp phép.

Các phòng khám bị rút phép hành nghề trong 12 tháng gồm: Chi nhánh phòng khám bệnh y học Trung Quốc (Phú Nhuận); Phòng khám y học cổ truyền Huê Hạ (quận 5); Phòng chẩn trị y học cổ truyền Đông Phương (Tân Bình), và Phòng khám đông y Ánh Sáng cùng ở quận Tân Bình. Thanh tra Sở Y tế cũng tiến hành xử phạt hành chính trên 180 triệu đồng đối với 3 phòng khám có người Trung Quốc hành nghề không phép; 3 cơ sở sử dụng thuốc không được phép lưu hành và 5 phòng khám liên quan đến các sai phạm trong quảng cáo. H.H.

Nhóm PVPL Hưng - Hồng
.
.
.