Ông Trầm Bê bị đề nghị truy tố thêm tội mới
- 4 cán bộ ngân hàng của Trầm Bê tiếp tay siêu lừa Dương Thanh Cường như thế nào?
- Vì sao khởi tố thêm tội đại gia Trầm Bê?
Ông Trầm Bê - nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam, cùng 8 đồng phạm khác bị đề nghị truy tố về tội "vi phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Trong số 8 đối tượng ở vụ án này còn có bị can Dương Thanh Cường, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Bình Phát, bị đề nghị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị can Dương Thanh Cường đang thụ án tù chung thân ở vụ án khác, ngoài ra Cường còn "dính" hàng loạt bản án khác nhau về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo tài liệu hồ sơ vụ án, Dương Thanh Cường đã ký hồ sơ vay vốn gian dối, dùng tài sản đảm bảo là khu đất 10,5ha đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh là đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch không được phép sang tên cho Công ty Thanh Phát (công ty của Dương Thanh Cường) và đang thế chấp tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 6 để được Ngân hàng Phương Nam cho vay và chiếm đoạt số tiền 185 tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân. Hành vi của Dương Thanh Cường gây thiệt hại cho ngân hàng Phương Nam số tiền lãi là 146 tỉ đồng.
Đối với Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam đã ký duyệt, cho phép sở giao dịch cho vay đối với tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, qua đó giải ngân cho Công ty Bình Phát trước khi thực hiện công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo trong khi hồ sơ vay vốn của Công ty Bình Phát không đủ điều kiện cấp tín dụng.
Bị cáo Trầm Bê trong phiên Tòa xét xử trước đó. Ảnh: VnE. |
Tính đến ngày 12/1/2010, do hành vi vi phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng đã gây thiệt hại là 332 tỉ đồng (trong đó, vốn gốc là 185 tỉ đồng bị Dương Thanh Cường chiếm đoạt và tiền lãi là 146 tỉ đồng).
Diễn biến trong vụ án khác, năm 2013, Trầm Bê còn giúp sức cho Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp cận và cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng.
Theo đó, Phạm Công Danh và Trầm Bê cùng bàn bạc đưa ra phương án giải quyết. Sau khi bàn bạc xong, Trầm Bê đã đưa Phạm Công Danh gặp Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombanhk) để trao đổi về việc Phạm Công Danh vay tiền qua các công ty của Phạm Công Danh.
Sau đó, Trầm Bê thống nhất với Phan Huy Khang thực hiện cho Danh vay 1.800 tỷ đồng nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi.
Để hoàn tất thủ tục, Phạm Công Danh phân công cho Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB đảm nhiệm chính và chuẩn bị nguồn tiền để bảo lãnh, Mai Hữu Khương (Thành viên HĐQT, Giám đốc khối kinh doanh VNCB, Phụ trách Bộ phận Tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh) và Nguyễn Quốc Viễn, Trưởng Ban kiểm soát VNCB hoàn thành thủ tục hồ sơ vay khống theo phương án kinh doanh bất động sản của các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Mai Hữu Khương giao cho Phan Minh Tùng, Phụ trách Bộ phận kế toán hỗ trợ cho Mai Hữu Khương lập khống một số tài liệu về tài chính của các công ty đứng tên vay tiền.
Tất cả các giấy tờ khống đều được 6 công ty của Phạm Công Danh thành lập là Công ty Nhất Nhất Vinh, Quốc Thắng, Bảo Gia, Thành Thành Công, Đại Long, Hương Việt đứng tên hồ sơ vay của Sacombanhk 1.800 tỷ đồng, giám đốc các công ty đều là lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị … của Tập đoàn Thiên Thanh do Danh chỉ định. Lương của những người này đều do Tập đoàn Thiên Thanh trả từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.
Đến ngày 25/4/2013, Trầm Bê ký phê duyệt 2 Tờ trình số 211/2013/TT-CNHĐ của Sacombank, Chi nhánh Hưng Đạo về việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Nhất Nhất Vinh vay 250 tỷ đồng, Công ty Quốc Thắng 350 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng.
Ở 2 khoản tiền này, Trầm Bê đồng ý giải ngân trước, khách hàng bổ sung chứng từ sử dụng vốn đầy đủ sau khi giải ngân và chuyển tiền giải ngân vào tài khoản của Công ty TNHH TMDVDL Thiên Thanh Long Hải.
Theo tài liệu tố tụng, Phạm Công Danh và Trầm Bê đều thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nêu trên của mình. Cả 2 đều thừa nhận có mối quan hệ từ trước.
Ngày 6/8/2018, Hội đồng xét xử TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên 46 bị cáo trong đó có Phạm Công Danh và Trầm Bê về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Gây thất thoát cho ngân hàng VNCB trên 6.126,8 tỷ đồng...
Bị cáo Phạm Công Danh bị tuyên phạt 20 năm tù, Trầm Bê nhận 4 năm tù... còn lại các bị cáo khác đều bị mức án nghiêm khắc do hành vi cố ý đã gây ra thất thoát đến tài sản rất nghiêm trọng.