"Núp bóng" Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Thái Bình để lừa đảo

Thứ Bảy, 24/06/2006, 08:54

Không xinh đẹp, cũng chẳng trẻ trung, nhưng bù lại Trần Thị Ánh (tức Trần Thị Hà, 39 tuổi, trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình) rất khéo miệng, và có biệt tài “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Ánh thường nhắm tới là các “quan” của tỉnh Thái Bình mà người mới nhất là ông Mạc Kim Tôn, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD-ĐT, đại biểu Quốc hội.

Thời gian trước, nhiều người còn được nghe Ánh tự nhận là em của một đồng chí nguyên là Bí thư Thành ủy Thái Bình (đã mất). Cách đây vài năm, Ánh đã liên hệ với Sở Y tế Thái Bình và tự khuếch trương rằng mình có khả năng xin cho Sở Y tế dự án của tổ chức nước ngoài về các trang thiết bị y tế. Nhưng khi nhờ điều tra, biết Ánh chỉ là kẻ thất nghiệp, các đồng chí lãnh đạo Sở đã cắt đứt mọi liên hệ. Vậy mà, thi thoảng gặp, Ánh còn trơ tráo trách: "Tiếc quá, tự nhiên dự án sắp được rồi các anh lại bỏ đi".

Trước đây, Ánh đã từng vỡ nợ một lần, gia đình phải bán nhà to, đi thuê nhà nhỏ để ở. Nhưng người đàn bà ấy luôn khát vọng làm giàu bằng cách lừa đảo. Chị ta tìm mọi cách bắt quen với cán bộ có chức vụ cùng "phu nhân" và nịnh rất khéo. Giả dụ, lên thăm vợ "sếp" ở trên Hà Nội thì lần nào lên, Ánh cũng mang nào cua, nào tôm biển, nói là quà miền biển Thái Bình, nhưng thực chất thị lên chợ to nhất của Hà Nội và chọn hàng ngon nhất.

Trong cuộc sống, Ánh luôn tỏ ra là người sành điệu, ngày 3 cữ (sáng, trưa, tối) đều đặn uống cà phê và bàn luận thời sự trong nước và quốc tế với tất cả những ai bắt quen được ngoài quán, khiến nhiều người chẳng hiểu chị ta thuộc tầng lớp nào.

Đối với Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Mạc Kim Tôn, Ánh cũng bắt quen từ việc đến nhận là học sinh cũ của thầy và là đồng hương huyện Kiến Xương. Không hiểu Ánh tỉ tê thế nào mà ông Tôn đã "hiệp thương" với chị ta về chương trình máy tính hoá trường học và giới thiệu Ánh với các cán bộ trong Sở để làm việc.

Với sự "cho phép" của ông Tôn, ngày 5/1, Ánh và ông Hoàng Đức Hoạt, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh đã đến làm việc với Công ty Kiên Cường, có trụ sở tại Thái Bình, chuyên kinh doanh về mặt hàng máy tính. Tại đây, ông Hoạt giới thiệu Trần Thị Ánh là cán bộ Ban Tài chính Tỉnh ủy, đang làm dự án lắp máy tính cho Sở Giáo dục - Đào tạo.

Với cái mác này, Ánh đã ký mua chịu của Công ty Kiên Cường 267 máy tính với giá 7 triệu đồng/máy, tổng cộng hơn 1,9 tỷ đồng. Sau đó, Ánh đã kê khai khống lô hàng này lên thêm 66 máy, buộc các trường phải chi trả thêm 462 triệu tiền máy, 23,1 triệu tiền thuế GTGT và 8 triệu tiền công vận chuyển.

Lô hàng thứ 2 gồm 45 máy tính trị giá gần 270 triệu và 20 máy chiếu đa năng trị giá gần 440 triệu đồng, Ánh lấy danh nghĩa của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh ký mua, nhưng chưa thanh toán của Công ty cổ phần đầu tư và chuyển giao công nghệ ASP có trụ sở tại quận Ba Đình (Hà Nội).

Với số máy mua được, trực tiếp ông Tôn dẫn Ánh đến hơn 20 trường thuộc các huyện của tỉnh, giới thiệu Ánh là cán bộ của UBND tỉnh, chỉ đạo Chương trình hàng viện trợ ngoài ngân sách của tỉnh và đang thực hiện dự án máy tính hóa trường học.

Trao đổi với một tờ báo, ông Tôn nói rằng mình cũng là "nạn nhân" bị Ánh lừa. Nhưng chẳng lẽ, một Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, một Tỉnh ủy viên lại không thể kiểm tra được nhân thân của một người tự xưng là cán bộ UBND tỉnh? Như chúng tôi đã đưa tin, trong số tiền chiếm đoạt được, Ánh khai có đưa một số tiền cho ông Tôn, hiện cơ quan Công an đang tiếp tục xác minh, điều tra.

Ngày 22/6, Công an tỉnh Thái Bình đã thu thêm được 2 máy chiếu đa năng tại nhà Ánh và nhà một cán bộ của Sở Giáo dục - Đào tạo. Ngoài ra, Ánh còn có hành vi lừa đảo một số doanh nghiệp khác. Mới đây, một doanh nghiệp tại Hà Nội đã đến làm việc với cơ quan Công an về những vấn đề liên quan đến hành vi lừa đảo của thị Ánh. Vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc

PV
.
.
.