Động bay lắc trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I bị triệt phá như thế nào?

Những sai phạm nghiêm trọng của cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I

Thứ Bảy, 03/04/2021, 07:17
Nguyễn Xuân Quý là người đang nằm trong diện chữa bệnh bắt buộc; theo quy định đối tượng phải chấp hành nghiêm các quy định của bệnh viện và chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các y, bác sỹ. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, Quý lại được Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 “quan tâm” một cách bất bình thường.


Hai ngày qua, thông tin về việc một đường dây mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý được phát hiện ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, nơi điều trị các rối loạn về tâm thần, trong đó có cai nghiện ma tuý gây rúng động dư luận… 

Vì sao nơi khám, chữa bệnh trở thành nơi ẩn náu và cất giấu ma tuý của một đối tượng đang chữa bệnh bắt buộc; trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I như thế nào trong công tác quản lý? Những khó khăn của các trinh sát, điều tra viên trong quá trình phá án, cùng phương thức thủ đoạn phạm tội của đối tượng trong ổ nhóm cho thấy những sơ hở trong công tác quản lý, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Các đối tượng bay lắc cùng với Quý tại một khách sạn.

Những mắt xích phá án đầu tiên

Trước đó, vào hồi 0h ngày 15/1, tại sảnh tòa S2.17 đường Đại Dương, khu Vinhome Ocean Park (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội), Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội kiểm tra, bắt quả tang Lê Xuân Quyết về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. 

Vào thời điểm kiểm tra, Đội 7 đã thu giữ trong xe ôtô Mazda, màu đỏ, BKS 30A-84634, Quyết đang điều khiển có 1 túi nilon chứa tinh thể màu trắng, giám định sơ bộ là ma túy loại Ketamine, khối lượng 99,423 gam; 2 túi nilon chứa tinh thể màu trắng. 

Giám định sơ bộ kết luận là ma túy loại Methamphetamine, tổng khối lượng 9,915 gam; 14 viên nén màu vàng, giám định sơ bộ là ma túy loại MDMA, khối lượng 5,827; 3 viên nén màu tím, giám định sơ bộ là ma túy loại MDMA, khối lượng 0,860g…

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Quyết tại phòng 1803 tòa S2.16 khu Vinhome Ocean Park thu giữ 1 khẩu súng tự chế bắn đạn hoa cải và 1 viên đạn màu vàng; tại phòng 098A tòa S2.16 khu Vinhome Ocean Park, thu giữ: 1 cân điện tử, giám định sơ bộ kết luận dính ma túy loại Ketamine. 

Quá trình đấu tranh, Quyết khai nhận, do bản thân không có việc làm ổn định nên đã tìm kiếm nguồn ma túy mua về bán lẻ kiếm lời. Qua quan hệ xã hội, khoảng đầu tháng 1/2021, Quyết quen đối tượng nam giới tên là Quý “ngạn”, 30 tuổi, ở khu vực Thanh Trì.

Từ thông tin trên, Đội 7 dưới sự chỉ đạo của Đại tá Trương Thọ Toàn, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma tuý đã tiến hành xác minh; xác định đó là Nguyễn Xuân Quý, hiện đang ở tại Khoa Phục hồi, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, huyện Thường Tín. 

Trước tình chất phức tạp của vụ án, đơn vị đã cử các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm tập trung đấu tranh, làm rõ lời khai của Quyết. Tại cơ quan Công an, Quyết cho biết đã nhiều lần mua ma túy của Quý về bán kiếm lời. Lần thứ nhất vào chiều 10/1, Quyết mua Quý 50 gam ma túy Ketamine, với giá 25 triệu đồng; địa điểm nhận ma túy tại khu vực vườn hoa trước sảnh tòa nhà S2.16 Vinhome Ocean Park. Sau đó, Quý thuê xe ôm mang ma túy đến giao cho Quyết, Quyết trả tiền mua ma túy cho Quý qua tài khoản ngân hàng.

 Lần thứ hai, khoảng 14h ngày 13/1, Quyết mua 50 gam ma túy Ketamine của Quý; địa điểm giao hàng như trên. Tiếp đó, vào sáng 14/1, Quyết mua của Quý 100 gam ma túy Ketamine với giá 50 triệu đồng; 10 gam ma túy đá với giá 3 triệu đồng và 17 viên thuốc lắc với giá 200 nghìn đồng/1 viên.

Ngoài số ma túy bị thu giữ khi bắt quả tang, Quyết còn khai hiện đang cất giấu 7 túi nilon màu nâu có chữ “café” chứa nhiều loại ma túy gồm ma túy “đá”, Ketamine, thuốc lắc và hồng phiến tại phòng 098A tòa S2.16 khu Vinhome Ocean Park. Từ lời khai, tiến hành khám xét nhưng lực lượng chức năng không thu giữ được gì trong nhà… 

Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT đã thu giữ rà soát xung quanh toà nhà đã phát hiện nhiều túi nilon màu nâu nghi chứa ma túy nên đã tổ chức kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện, thu giữ một lượng lớn ma tuý. Quá đấu tranh, Quyết khai nhận, toàn bộ số ma túy thu giữ khi bị bắt quả tang, khám xét và kiểm tra tại hiện trường đều do Quyết mua của Quý với giá 200 nghìn đồng/1 viên thuốc lắc bán cho khách với giá 300 nghìn đồng/1 viên; ma túy đá mua với giá 300 đồng/1 gam, bán với giá 400 nghìn đồng/1 gam; ma túy Ketamine mua với giá 500 nghìn đồng/1 gam, bán với giá 600 nghìn đồng/1gam; hồng phiến mua với giá 5 triệu đồng/200 viên, bán với giá 5.500.000 đồng/200 viên.

Mở rộng điều tra, khoảng 21h ngày 19/1, Nguyễn Thị Thu Ngọc (SN 1988, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã đến Cơ quan điều tra để đầu thú. Tại cơ quan điều tra, Ngọc khai nhận đã kết hôn với Lê Xuân Quyết từ năm 2008 và có một con chung là Nguyễn Khoa Nam. Trong quá trình sinh sống, Ngọc biết việc Quyết có sử dụng ma túy. 

Ngày 31/12/2020, Quyết và Ngọc chuyển về ở tại phòng 1803 và 098A tòa S2.16 khu đô thị Vinhome Ocean Park. Khoảng 01h30’ ngày 15/1/2021, Ngọc thấy có người ấn chuông cửa; qua hệ thống hình ảnh thấy bên ngoài có nhiều người mặc thường phục và quần áo bảo vệ tòa nhà… Do ở nhà một mình, lo sợ vì Quyết sử dụng ma túy mà bị Công an bắt, Ngọc cầm túi giấy mà Quyết đưa ném qua ban công phòng 098A xuống sân tòa nhà S2.16 rồi trèo qua ban công phòng 098A tụt dần từng tầng xuống tầng 1 bắt xe về nhà mẹ đẻ ở Thanh Trì. 

Sau đó, Ngọc biết Quyết đã bị cơ quan Công an bắt giữ về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý và đang tìm Ngọc nên đã đến cơ quan Công an trình báo. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Lê Xuân Quyết về tội mua bán trái phép chất ma túy, Nguyễn Thị Thu Ngọc phạm tội che giấu tội phạm.

Sự buông lỏng của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1

Ngày 30/10/2018, Viện Pháp y tâm thần Trung ương có Kết luận giám định pháp y tâm thần số 359/KLGĐ đối với Nguyễn Xuân Quý - bị can trong vụ án hình sự tàng trữ trái phép chất ma túy theo Quyết định trưng cầu giám định ngày 24/7/2018 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì. Ngày 7/11/2018, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1. Ngày 8/11/2018, Quý nhập Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, được điều trị tại Khoa 5. Ngày 11/9/2019, Quý chuyển từ Khoa 5 sang Khoa Phục hồi chức năng điều trị cho đến giờ (bác sĩ điều trị là Đỗ Thị Lưu - Trưởng khoa).

Với thông tin trên, Quý là người đang nằm trong diện chữa bệnh bắt buộc; theo quy định đối tượng phải chấp hành nghiêm các quy định của bệnh viện và chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các y, bác sỹ. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, Quý lại được Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 “quan tâm” một cách bất bình thường. 

Căn phòng nơi Quý điều trị nằm trong dãy nhà 2 tầng vừa được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020. Quý ở tầng hai của toà nhà, thường được dành cho những trường hợp “Vip”, mà Quý là trường hợp đặc biệt nhất trong những trường hợp đó. 

Theo quy định, muốn lên được tầng 2 đã khó, vào được phòng điều trị của Quý còn khó khăn hơn nhiều. Cụ thể, tại đây có 3 lớp cửa mà theo quy định chỉ có các y, bác sỹ mới được quản lý chìa khoá và mở 3 lớp cửa trên nhưng riêng Quý lại được sở hữu một bộ chìa khoá, có thể tuỳ tiện ra, vào bất kể lúc nào?

Căn phòng được dành riêng chữa bệnh của Quý rộng khoảng 60m², được đối tượng tự bỏ tiền cải tạo chia làm 3 phòng nhỏ ngăn bằng các tấm nhựa. Phòng ngoài có giường bệnh và vật dụng cá nhân như các buồng bệnh bình thường xung quanh, nhằm ngụy trang che mắt với người ngoài; 2 phòng nhỏ bên trong Quý thiết kế thành phòng “bay, lắc” sử dụng ma túy tại chỗ, được cách âm và đầu tư đầy đủ các dụng vụ phục vụ cho việc sử dụng ma túy cũng như loa đài, âm li, đèn chiếu, đèn nháy. 

Toàn bộ số ma túy thu giữ khi khám xét được cất giấu trên trần nhà của phòng bệnh (khoảng cách trống giữa trần nhà và tấm ốp trần). Số ma túy này được Quý cất giấu, ngụy trang, trà trộn trong các vỏ túi trà, cà phê... 

Hàng ngày từ 21h đến 4-5h sáng, có từ 5-7 đối tượng đến phòng của Quý để sử dụng ma túy, mặc dù đây không phải là khung giờ cho phép bệnh nhân vào thăm. Mỗi ngày, Quý có từ 4-5 lượt khách trực tiếp tới bệnh viện mua bán ma tuý. Không chỉ sử dụng trái phép chất ma tuý tại phòng này, Quý còn đưa gái “dịch vụ” vào phòng để bay, lắc. 

Ngoài giờ, Quý “bay, lắc” ngay tại phòng dành riêng cho anh ta. Nếu vào giờ hành chính, Quý có thể ra ngoài thuê phòng để “bay, lắc”…, mặc dù đang là bệnh nhân điều trị bắt buộc. Điều đó thể hiện ở việc khi bị các trinh sát Đội 7 bắt quả tang về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, đối tượng đang ở một khách sạn ở quận Hai Bà Trưng để tiến hành “bay, lắc”…

Để có thông tin về hoạt động của nhóm đối tượng trên, các trinh sát Đội 7 đã tốn rất nhiều thời gian, công sức tổ chức lực lượng nắm tình hình. Việc nắm bắt còn khó khăn hơn không chỉ bởi thủ đoạn phạm tội của đối tượng cầm đầu và các mắt xích khác trong đường dây, mà còn bởi có sự tiếp tay của nhân viên y tế, trong trường này là Nguyễn Anh Vũ, kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chứng năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. 

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Đội 7, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội cho biết: Vũ là nhân viên kỹ thuật viên âm nhạc của bệnh viện nhưng đã cùng với Quý nhiều lần sử dụng phòng âm thanh chữa bệnh để “bay”, “lắc”. Có lúc, sau khi “bay”, “lắc” tại phòng âm thanh thì Vũ, Quý cùng các đối tượng tiếp tục vào phòng riêng của Quý để sử dụng trái phép chất ma tuý.

Từ các thông tin thu thập được, Đội 7 đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TP lập kế hoạch đấu tranh; các phương án được tính toán để bắt giữ đối tượng và thu giữ tang vật. 

20h ngày 19/3, tổ công tác phát hiện Vũ mở cửa cho Nguyên, Quý và Điệp, Ngọc đi ra ngoài. Khi ra đến sân thì Quý và Điệp lên xe ôtô khác thì Ngọc và đối tượng Thường lên chiếc xe taxi của Nguyên (Nguyên là tai mắt cho Quý)… Nhận định đây là thời cơ thích hợp để phá án, Đội 7 đã chia thành nhiều mũi, giám sát di biến động của đối tượng. 

Hồi 8h ngày 20/3, tại khu công nghiệp Hà Bình Phương, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Đội 7 đã bắt quả tang đàn em của Quý là Ngọc, Thường và Nguyên cùng tang vật là 207,502 g MDMA; 91,108g Methamphetamine; 352,440g ketamine.

Đồng thời, một mũi trinh sát khác nắm di biến động của Quý, xác định đúng đối tượng trên thì đưa về Công an xã; phát hiện Quý ở ở khách sạn Riverside, số 3 Vân Đồn, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vào thời điểm đó, Quý đang cùng các đối tượng bay lắc. 

Đây là băng nhóm tội phạm ma tuý chuyên nghiệp có tính chất nguy hiểm, thủ đoạn phạm tội tinh vi. Dù đang là bệnh nhân điều trị về tâm thần nhưng đối tượng cầm đầu là Quý đã điều hành đường dây hoạt động một cách tinh vi, có câu kết chặt chẽ, phân công rõ ràng nhiệm vụ mà ngay cả người bình thường cũng chưa chắc đã điều hành được như vậy. 

Cụ thể, băng nhóm ý thức được việc ngụy trang, đóng vai với rất nhiều vỏ bọc khác nhau như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, lái taxi, xe ôm…, các đối tượng là khách tới “bay, lắc” cũng đóng vai người đến thăm bệnh nhân… Không những vậy, đối tượng còn lôi kéo cả cán bộ của bệnh viện cùng hỗ trợ, giúp sức.

Câu hỏi đặt ra là có hay không sự buông lỏng và tiếp tay của bệnh viện khi muốn ra vào khoa phải được nhân viên mở cổng, phòng bệnh của đối tượng cũng được cải tạo khác hẳn so với các phòng bệnh khác. Trong phòng bệnh của Quý rất nhiều vật dụng phục vụ cho việc bay, lắc mà để di chuyển lên đến phòng bệnh thì không thể không bị phát hiện. 

Một bệnh nhân đang điều trị bắt buộc nhưng lại được đối xử khác biệt. Đối tượng có một "vương quốc" riêng tại một bệnh viện? Ai là người tạo điều kiện cho Quý có được một đặc quyền riêng đó? Sử dụng vỏ bọc là bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú, đối tượng đã thuê phòng dài hạn tại Khoa phục hồi chức năng - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Đối tượng đồng thời có quan hệ thân thiết với một số y, bác sỹ và nhân viên của bệnh viện. Quá trình trinh sát, Đội 7 đã  xác định đó là Vũ… 

Ngay tại phòng điều trị, Quý cùng với Ngọc, với danh nghĩa là người nhà chăm sóc bệnh nhân, đây là đàn em thân tín của Quý có nhiệm vụ thực hiện giao dịch mua bán ma tuý cho Quý. Để tránh sự phát hiện của Công an, Quý không trực tiếp thực hiện các giao dịch, mà sai “đàn em” hẹn điểm “đón hàng” thường ném từ trên hành lang khu điều trị qua rào (sân tennis, bãi đỗ xe)… 

Quá trình trinh sát, Đội 7 còn xác định Quý còn “cài cắm” đàn em khác là Nguyên và Thường túc trực tại cổng bệnh viện ngụy trang dưới vỏ bọc của lái xe taxi và xe ôm công nghệ làm nhiệm vụ cảnh giới và đi giao ma tuý cho khách. Khi nhận thấy có dấu hiệu lạ như có người lạ mặt tập trung, xe ôtô lạ chở đông người dừng lâu trước cửa bệnh viện…, sẽ lập tức thông báo cho Quý để tăng cường cảnh giác.

Quá trình điều tra còn phát hiện sau khi đường dây mua bán ma tuý được làm rõ, nhân viên của bệnh viện đã tìm mọi cách che đậy sai sót bằng việc chỉ đạo mang hồ sơ bệnh án của Quý ra khỏi bệnh viện, sau đó tìm gặp thân nhân của gia đình Quý, yêu cầu người nhà hợp thức hoá việc ra, vào thăm bệnh nhân bằng các tờ đơn khống…

Mai Anh
.
.
.