Viết tiếp vụ lừa đảo xin việc làm:

Nạn nhân bị lừa vì đặt niềm tin theo kiểu 'bắc cầu'

Thứ Hai, 14/09/2015, 08:06
Qua những vụ án lừa đảo “chạy” việc có thể thấy một "mê hồn trận" các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù các vụ việc đều được cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi nhưng vẫn có nhiều nạn nhân tiếp tục sập bẫy bọn lừa đảo. Các đối tượng thường lợi dụng những người dân đang có nhu cầu xin việc, đánh trúng tâm lý nhẹ dạ khi họ đặt niềm tin theo kiểu “bắc cầu”.

Dáng đi tất tưởi, gương mặt đen khắc khổ, chân tay lấm lem bụi đường, bà Nguyễn Thị L. (59 tuổi), quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc liên tục lấy tay quệt nước mắt. Tại trụ sở làm việc của Công an TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), giọng nói đứt quãng, bà L. tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng không tin Nguyễn Văn Bình đâu nhưng vì anh ta gửi con chỗ chị dâu Mai Thị Dím nên tôi tin. Con trai anh ta gửi ở đấy, lẽ nào anh ta nói dối…”.

Theo bà L., Bình nói làm ở Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo các ban, ngành chủ chốt của tỉnh Vĩnh Phúc có thể xin (chạy) việc cho nhiều người vào biên chế trong ngành y tế, giáo dục, Công an… Lúc đó, con gái út của bà cũng chưa xin được việc làm, thương con, số tiền 100 triệu đồng gia đình định dùng để sửa sang nhà cửa đã dồn vào đưa cho Bình để xin  biên chế cho cô con gái làm kế toán của trường nghề Việt Đức.

Một vài lần đến thăm chị dâu, bà L. còn được Bình chở về bằng xe con, thấy anh ta nhiệt tình, lại ăn mặc lịch sử và gửi con chỗ chị dâu nên bà L. yên tâm, sau đó còn giới thiệu tiếp cho cháu để chạy việc ở chỗ Bình, số tiền là 180 triệu đồng. “Tiền nhà tôi mất cũng được nhưng còn tiền của cháu, tôi biết lấy đâu ra để đền”- Vừa nói bà L. vừa khóc. Sau đó, bà quay sang cán bộ điều tra “Bình bị bắt thì đến bao giờ tôi lấy lại được tiền hả chú?”… 

Ngồi bên cạnh bà L., nạn nhân Nguyễn Thị H. cũng không khá hơn. Khuôn mặt buồn rầu, lo âu, chị H. cho biết, vì cùng xóm với nhà bà Mai Thị Dím, H. thường bế con sang chơi. Tại đây, chị gặp vợ chồng Nguyễn Văn Bình đến gửi con chỗ bà Dím và họ chủ động làm quen.

Khi biết chị H. tốt nghiệp trường Trung cấp y tế, vẫn không xin được việc làm nên Bình nói Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc có tổ chức đợt thi tuyển công chức, anh ta sẽ chạy suất ngoại giao với giá 180 triệu đồng vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc và chỉ cần nộp hồ sơ mà không cần thi tuyển. Theo chị H., sau khi về bàn với chồng, ngoài số tiền tích cóp, hai vợ chồng đi vay thêm ngân hàng và đưa tiền cho Bình dưới sự chứng kiến của bà Dím.

Càng chờ càng mất hút, mãi không thấy được đi làm, chị H. gặp Bình thì chỉ nhận được lời hứa. Sau đó, không thấy con nhà Bình gửi bà Dím, vợ chồng chị H. tá hỏa đến trước cổng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc để tìm, nhưng gọi điện thoại thì Bình giả vờ đang đi công tác. “Nhiều tháng trôi qua, biết bị lừa, cực chẳng đã, tôi viết đơn tố cáo”- chị H. giãi bày.

Các nạn nhân đến Công an TP Vĩnh Yên trình báo.
Khi viết về vấn đề này, chúng tôi cũng băn khoăn tại sao lại nhiều người dễ dàng bị lừa khi đi xin việc, mặc dù trước khi trao số tiền là công sức mồ hôi nước mắt ai cũng phải đắn đo, suy nghĩ. Như trường hợp cô em của bạn tôi là Nguyễn Thị T. (23 tuổi), quê ở Nam Định.

Sau khi tốt nghiệp một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội, T. một lần gặp người yêu của chị họ, anh này giới thiệu làm trong quân đội quen sếp “nhớn”, có khả năng xin vào làm trong ngành. Do tin anh ta là người yêu của chị họ, T. đã đưa số tiền 100 triệu đồng mà bố mẹ gửi ở quê lên cho người này với lời hứa 1,5 tháng sau đi làm.

Quá hẹn, không thấy anh này liên lạc, gọi điện thoại không nghe máy, T. trao đổi với chị họ thì cả hai mới tá hỏa, hóa ra anh ta lại là kẻ lừa đảo, che giấu thân phận nên không có bất cứ thông tin gì về nhân thân, lai lịch... Mỗi khi bố mẹ gọi từ quê hỏi về công việc, T. đành nói dối đã được nhận đi làm. “Bố mẹ em mà biết chuyện này chắc sẽ ngất mất, vì số tiền ấy ông bà chăn nuôi lợn, gà để dành nhiều năm qua”- T. nói.

Đại tá Trương Bá Khánh, Trưởng Công an TP Vĩnh Yên cho biết, các nạn nhân dễ dàng bị lừa đảo là do đặt niềm tin theo kiểu “bắc cầu” vì tin người giới thiệu cho mình, sau đó là tin đối tượng lừa đảo. Những trường hợp trong vụ Cao Thị Mai Ngọc cũng vậy, các nạn nhân đều là công chức nhà nước nhưng do tin tưởng người giới thiệu (bản thân người giới thiệu cũng không hiểu rõ lai lịch đối tượng lừa đảo) nên họ dễ dàng trao tiền cho đối tượng này.

Theo Đại tá Khánh, đối với các ngành trong lực lượng vũ trang, đặc biệt là trong ngành Công an không phải cứ nộp hồ sơ là trúng tuyển. Đây là một ngành đặc thù, yêu cầu phải qua Hội đồng xét tuyển, thẩm tra lý lịch, khám sức khỏe…

Thực tiễn cho thấy phần lớn các vụ án lừa đảo việc làm không chỉ dừng ở một, hai bị hại và bị hại thường có tính bắc cầu, qua tầng lớp trung gian. Chính vì thế mà thông tin đến với người có nhu cầu xin việc làm thực sự thường không xác đáng và hay bị bóp méo, thổi phổng. Để tránh mắc rơi vào bẫy “chạy” việc làm của những kẻ lừa đảo, cơ quan điều tra khuyến cáo những người có nhu cầu về công việc cần phải tìm hiểu kỹ khả năng của người có ý định nhờ cậy; phải biết sàng lọc thông tin và phải kiểm chứng nhu cầu sử dụng lao động ở nơi dự định xin vào làm việc.

Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu, ai là nạn nhân bị các đối tượng trong 2 vụ do Cao Thị Mai Ngọc; Nguyễn Văn Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng chưa làm đơn trình báo với cơ quan Công an đề nghị liên hệ với cơ quan Cảnh sát điều tra Công thành phố Vĩnh Yên, điện thoại: 0969.355678 hoặc 0988.236.699 để được giải quyết.

Minh Hiền
.
.
.