“Mắt thần”…góp phần cho xóm, ấp bình yên

Thứ Hai, 29/03/2021, 08:01
Thời gian qua, Công an các tỉnh, thành vùng châu thổ sông Cửu Long đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phòng ngừa xã hội; đấu tranh làm giảm sự gia tăng của tội phạm; giải quyết tốt những vấn đề phức tạp an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn. Trong đó, việc thực hiện mô hình “Camera an ninh” góp phần làm chuyển biến tình hình ANTT vùng nông thôn nơi đây.


Những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả cao, nhất là mô hình “Camera an ninh”. Đến nay, toàn huyện đã lắp đặt trên 250 camera an ninh, góp phần giúp Công an trích xuất dữ liệu, kịp thời bắt giữ các đối tượng nghi vấn, phục vụ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm...

Trước đó, năm 2017, Công an huyện triển khai mô hình “Camera an ninh” đến Công an 11 xã, thị trấn trong huyện để thực hiện. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, mô hình sớm đi vào cuộc sống, huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân. Trong gần 250 camera, Công an các xã, thị trấn vận động lắp đặt 63 camera; các cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo lắp trên 177 camera. Các camera ghi nhận hình ảnh 24/24, giúp Công an có cơ sở điều tra, kịp thời xử lý tội phạm, góp phần đảm bảo ANTT và trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ở địa phương…

Thượng tá Trần Thanh Phú, Trưởng Công an thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) cho biết, thông qua mô hình “Camera an ninh”, Công an thị xã đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến ANTT, TTATGT địa bàn; kịp thời xác minh, xử lý và giải quyết nhanh gọn ổn định tình hình. Bên cạnh đó, nhiều thông tin, hình ảnh được người dân cung cấp đã giúp cho Công an thị xã chủ động hơn trong công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng.

Hệ thống “Camera an ninh” góp phần đắc lực trong bảo đảm ANTT, TTATGT trên địa bàn các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ.

Cũng tại Sóc Trăng, thời gian qua, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), đã xây dựng được nhiều mô hình bảo vệ ANTT tại địa bàn dân cư, trong đó hiệu quả nhất là mô hình “Camera giám sát an ninh”. Cụ thể, tháng 8/2018, UBND và Công an xã triển khai xây dựng mô hình “Camera giám sát an ninh” thí điểm tại ấp Phú Tức với 6 mắt camera giám sát 24/24 giờ khu vực trọng điểm này.

Từ hiệu quả tại ấp Phú Tức, mô hình “Camera an ninh” tiếp tục được nhân rộng sang các ấp lân cận và đã tạo được sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân. Ông Châu Mô Ni (ngụ ấp Bưng Cóc), cho biết trước đây, khi chưa có hệ thống camera giám sát, tình trạng trộm cắp vặt xảy ra thường xuyên, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

“Giờ thì người dân ở đây rất an tâm khi có việc cần phải ra khỏi nhà”, ông Ni nói. Đến nay, xã Phú Mỹ đã vận động lắp đặt được gần 40 camera tại các điểm xung yếu, quan trọng với tổng kinh phí khoảng 230 triệu đồng…

Để đảm bảo ANTT trên địa bàn, Công an huyện Chợ Mới (An Giang), phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera an ninh trên toàn huyện, tổng chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng.

Với 302 “mắt thần” được kết nối Internet tốc độ cao cùng với hệ thống camera quan sát của các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn… giúp việc giám sát ANTT đạt hiệu quả cao. Hình ảnh từ các camera giúp cơ quan Công an nắm rõ nhận dạng, thủ đoạn, phương tiện của các đối tượng vi phạm pháp luật. Đồng thời, trích xuất hình ảnh, làm bằng chứng, tư liệu phục vụ công tác điều tra tội phạm.

Đến nay, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có 18/18 xã, thị trấn triển khai mô hình “Camera an ninh” mang lại hiệu quả thiết thực trong đảm bảo ANTT. Từ hình ảnh camera, Công an huyện Cao Lãnh, Công an các xã, thị trấn kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra.

Trung tá Trần Hữu Khái, Trưởng Công an xã Bình Hàng Tây cho biết: “Mô hình được triển khai bằng hình thức xã hội hóa, đã lắp đặt 50 camera tại 5 ấp, các tuyến địa bàn trọng điểm, trên quốc lộ 30 và khu vực chợ, khu dân cư đã mang lại hiệu quả tích cực trong bảo đảm ANTT địa phương”.

Tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp), hệ thống “Camera an ninh” được phủ khắp từ nguồn xã hội hóa. Tổng cộng 362 camera được lắp đặt tại 238 điểm các xã, phường, tuyến đường chính và một số vị trí trọng yếu. Thông qua hệ thống camera, ngành chức năng phát hiện điều tra, khám phá 150 vụ việc như: Giết người, cướp giật, trộm cắp tài sản, đánh người gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, đánh bài, TNGT…

“Việc lắp đặt hệ thống “Camera an ninh” góp phần kéo giảm tội phạm, phạm pháp trên địa bàn. Đồng thời, góp phần tích tực thực hiện nếp sống văn minh đô thị, hạn chế tình trạng phát tờ rơi, xả rác và tạo được sự yên tâm cho du khách đến với thành phố”, Đại tá Nguyễn Chí Công, Trưởng Công an TP Sa Đéc khẳng định.

Công an huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết, việc thực hiện mô hình “Camera an ninh” đã góp phần làm chuyển biến đáng kể tình hình ANTT địa phương. Trên địa bàn huyện hiện có 5/9 xã thực hiện thành công mô hình “Camera an ninh” bằng hình thức xã hội hóa. Việc nhân rộng các mô hình “Camera an ninh” trên địa bàn huyện đã, đang góp phần huy động được nguồn lực từ nhân dân, giúp lực lượng Công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn, nhận dạng, theo dõi, bắt giữ các đối tượng nghi vấn, góp phần đảm bảo phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

“Cùng với biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm của Công an, việc xây dựng các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó có mô hình “Camera an ninh” góp phần quan trọng đảm bảo tình hình. Mô hình này giúp các hoạt động phòng ngừa tội phạm được tiến hành liên tục, kịp thời thông qua công tác giám sát từ nhiều lực lượng.

Việc trao đổi thông tin hai chiều từ  Công an với cơ quan, doanh nghiệp, trường học và hộ gia đình gắn camera cũng diễn ra thường xuyên hơn, từ đó Công an nắm, xử lý kịp thời các vụ việc, giữ bình yên xóm ấp”, Thượng tá Nguyễn Chí Nam, Phó trưởng Công an huyện Hồng Dân chia sẻ.

Đánh giá về mô hình “Camera an ninh”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho hay, việc triển khai mô hình “Camera an ninh” có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Hình ảnh từ camera ghi lại giúp cơ quan Công an nhận định, đánh giá đúng đối tượng, phục vụ công tác truy bắt, xử lý các vụ việc về ANTT, TTATGT.

Bên cạnh đó còn tác động trực tiếp vào tâm lý của nhân dân, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Hệ thống này được ví như “mắt thần” đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT, TTATGT trên địa bàn thành phố.

Đức Văn
.
.
.