Khởi tố 10 cán bộ Bệnh viện Hoài Đức "nhân bản" kết quả xét nghiệm

Thứ Tư, 21/08/2013, 10:57
Chiều 20/8, tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Công an TP Hà Nội đã chính thức thông báo quyết định khởi tố 10 bị can ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức liên quan đến vụ "nhân bản" xét nghiệm.
>> Xử lý nghiêm sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức

Theo Thượng tá Phan Cao Thu, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, căn cứ kết quả điều tra ban đầu có đủ tài liệu chứng cứ chứng minh Trưởng khoa và các kỹ thuật viên khoa xét nghiệm, Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Do vậy, ngày 15/8 vừa qua, cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 10 đối tượng.

Cụ thể, các đối tượng gồm: Vương Thị Kim Thành - Trưởng khoa Xét nghiệm; Phan Thị Oanh - kỹ thuật viên trưởng; 3 kỹ thuật viên Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Thị Nga, Vương Thị Lan, và 3 kỹ thuật viên hợp đồng là Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Đồng Sơn. Theo Thượng tá Phan Cao Thu, 8 bị can này bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 281 Bộ luật Hình sự. Hai bị can còn lại là ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức và bà Nguyễn Thị Nhiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức - người phụ trách trực tiếp khoa xét nghiệm bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.

Ngày 19/8, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của cơ quan CSĐT đối với 10 đối tượng trên. Sáng 20/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã tống đạt Quyết định khởi tố và tiến hành hỏi cung đối với từng bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đồng thời thông báo đảng viên vi phạm pháp luật đến nơi quản lý đảng viên biết theo quy định.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, theo quy định về quy trình xét nghiệm và chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ nhân viên khoa xét nghiệm, khi bệnh nhân đến khám bệnh, bác sỹ sẽ có phiếu yêu cầu xét nghiệm đưa cho bệnh nhân. Người bệnh sẽ đến phòng tài vụ để nộp tiền, đóng dấu đã nộp tiền (đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm hoặc đóng dấu bảo hiểm xã hội đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm). Sau đó bệnh nhân mang phiếu tới khoa xét nghiệm, nhân viên khoa xét nghiệm lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và trả kết quả cho bệnh nhân). Đối với xét nghiệm huyết học, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức thu 21.000 đồng/lần xét nghiệm.

Trong thời gian từ 1/8/2012 đến 31/5/2013, Trưởng khoa cùng 7 nhân viên khoa xét nghiệm đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học, trong các kết quả xét nghiệm trên, có 1.495 trường hợp có kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và ngoại trú trùng nhau. Cơ quan CSĐT có đủ tài liệu chứng cứ xác định trong 1.495 trường hợp trùng kết quả xét nghiệm có 764 kết quả xét nghiệm khống.

Theo Thượng tá Phan Cao Thu, việc tự in kết quả xét nghiệm khống đều do Vương Thị Kim Thành, Trưởng khoa xét nghiệm và Phan Thị Oanh - kỹ thuật viên trưởng và các nhân viên khoa xét nghiệm bệnh viện này thực hiện. Bảo hiểm y tế đã chi trả cho mỗi kết quả xét nghiệm huyết học khống này là 21.000 đồng.

Tại cơ quan điều tra, Trưởng khoa xét nghiệm và 7 nhân viên đều khai nhận động cơ, mục đích của việc lập khống các kết quả xét nghiệm là để đưa vào hồ sơ thanh toán tiền bảo hiểm y tế cho bệnh viện và vì nể nang tình cảm cán bộ nhân viên bệnh viện đến xin nên đã cho. Đối với Giám đốc bệnh viện Nguyễn Trí Liêm, cơ quan CSĐT xác định, là người phụ trách chung cho toàn bộ công việc của bệnh viện nhưng đã không thực hiện hết chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình, buông lỏng quản lý, không kiểm tra giám sát, để xảy ra tình trạng nhân viên khoa xét nghiệm lập khống kết quả xét nghiệm, trả cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú và cho các nhân viên khác trong bệnh viện, diễn ra trong thời gian dài.

Hành vi sai phạm của Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Thị Nhiên như sau: Là người được phân công phụ trách khoa xét nghiệm nhưng đã không thực hiện hết nhiệm vụ được giao. Mặc dù biết được quy chế của Bộ Y tế và của bệnh viện quy định chỉ có trưởng khoa xét nghiệm ký các kết quả xét nghiệm, nhưng Nguyễn Thị Nhiên đã để cho nhân viên trong khoa ký kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân. Nguyễn Thị Nhiên đã không kiểm tra giám sát thường xuyên hoạt động của khoa xét nghiệm và mặc dù bệnh viện có thành lập tổ kiểm tra nhưng vì thiếu trách nhiệm không phát hiện ra những sai phạm có hệ thống diễn ra trong thời gian dài tại khoa này.

Trước đó, tháng 6/2013, Công an TP Hà Nội đã nhận được đơn tố cáo của bà Hoàng Thị Nguyệt, Nhân viên khoa xét nghiệm; bà Khuất Thị Định, nhân viên khoa sản và bà Phan Thị Nam Đông, nhân viên khoa Liên chuyên khoa tố cáo ông Nguyễn Trí Liêm chỉ đạo nhân viên khoa xét nghiệm lập khống các kết quả xét nghiệm huyết học để gắn trả cho nhiều người bệnh.

Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, chưa thực hiện bắt tạm giam các đối tượng trên do tất cả đều là cán bộ, công nhân viên chức, có lai lịch rõ ràng. Quá trình làm việc, cả 10 đối tượng đều tự giác và khai báo thành khẩn, không có biểu hiện trốn tránh. Hậu quả vật chất của việc "nhân bản" xét nghiệm đến thời điểm này được xác định là khoảng 16 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là vấn đề vi phạm y đức có thể để lại những hậu quả khôn lường nếu các kết quả xét nghiệm khống này được dùng để căn cứ điều trị cho bệnh nhân.

"Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã gặp 300 người trong số 700 bệnh nhân nhận kết quả xét nghiệm khống. Rất may, tất cả các kết quả xét nghiệm của 300 người này chỉ dùng để làm thủ tục thanh toán bảo hiểm chứ chưa phát hiện một trường hợp nào để điều trị bệnh cho bệnh nhân", Thượng tá Phan Cao Thu khẳng định

Ngọc Yến
.
.
.