Gỡ “mắt xích” đường dây lừa đảo hơn 12 tỷ đồng

Thứ Năm, 12/03/2020, 08:11
Ngày 11/3, cơ quan CSĐT Công an huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, cho biết, đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trương Diên Nghĩa (26 tuổi) và Trương Diên Tiến (22 tuổi), cùng trú thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 


Trong đơn tố cáo gửi cơ quan Công an, chị T là công nhân một nhà máy ở khu công nghiệp Hòa Cầm, trình bày rằng, chị có gần 40 triệu đồng trong tài khoản ATM của ngân hàng S và một hôm bất ngờ nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cảnh báo tài khoản của chị có dấu hiệu bị xâm nhập và cho biết ngân hàng sẽ kiểm tra để đảm bảo an toàn cho tài khoản của chị. Đối tượng dặn dò là khi tiến hành kiểm tra, phần mềm tự động sẽ gửi đến số điện thoại của  chị một mã số OTP và đề nghị chị đọc mã số đó để ngân hàng kiểm tra.

Do không nắm được thông tin về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo tương tự nên chị đã tin và thực hiện đúng như đối tượng yêu cầu. Chỉ sau ít phút đọc mã OTP cho người lạ, chị nhận được tin nhắn tài khoản bị trừ 19,5 triệu đồng để thanh toán tiền mua thẻ games của VinaGames. Chị thắc mắc, gọi lại số điện thoại đã liên hệ để hỏi thì đối tượng trấn an, cho rằng, đó chỉ là “tin nhắn ảo” để kiểm tra việc kết nối từ tài khoản ngân hàng đến số điện thoại của  chị.

Tiếp đó, chị lại nhận tiếp một tin nhắn gửi mã số OTP, và chị cũng đọc mã số trên cho đối tượng như được yêu cầu và lại nhận được tin nhắn đã chuyển 20 triệu đồng sang một tài khoản lạ.

Các đối tượng Nghĩa và Tiến.

Nghi ngờ, chị đến cây ATM để kiểm tra thì thấy số tiền trong tài khoản của mình chỉ còn hơn 100 ngàn đồng. Hốt hoảng, chị gọi lại cho người tự xưng nhân viên ngân hàng kia thì số điện thoại lúc này đã không liên lạc được.

Qua điều tra, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường, Công an huyện Hòa Vang phát hiện 20 triệu đồng từ tài khoản của chị T được chuyển vào tài khoản mang tên Nguyễn Phạm Thanh Giang tại ngân hàng S, sau đó được rút hết qua ATM. Tuy nhiên, khi tổ công tác Công an huyện Hòa Vang vào TP Hồ Chí Minh xác minh thì Giang khai đã bị mất CMND và tự mình không mở tài khoản đó.

Theo thông tin sơ bộ do ngân hàng cung cấp, trong thời gian từ năm 2018 đến 2019, có rất nhiều giao dịch gửi tiền vào tài khoản mang tên Nguyễn Phạm Thanh Giang. Số tiền giao dịch mỗi lần, ít thì 5 triệu, nhiều thì 10-20 triệu đồng, tổng số lên đến hàng tỷ đồng. Số tiền này sau đó hầu hết được rút qua ATM tại TP Hồ Chí Minh, hoặc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Có một lần, tài khoản mang tên Giang đã chuyển một số tiền sang tài khoản mang tên Trương Diên Nghĩa. Lần theo thông tin này, Công an huyện Hòa Vang xác định Nghĩa có thể là một mắt xích liên quan đến các đối tượng lừa đảo. Sau một thời gian xác minh, điều tra, Công an huyện Hòa Vang phát hiện Nghĩa đang cùng em ruột là Tiến thuê một căn hộ chung cư cũ ở TP Huế và mời lên làm việc.

 Bước đầu Nghĩa khai, trước năm 2017 vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân, song do thu nhập bấp bênh nên nảy ra ý định lừa đảo và lôi kéo Tiến cùng tham gia. Nghĩa tìm mua trên mạng 2 CMND, một mang tên Nguyễn Phạm Thanh Giang và một mang tên Huỳnh Thanh Phương, rồi dùng hình của mình cắt dán vào CMND mang tên Giang để mở tài khoản tại ngân hàng S.

Thấy hình trong CMND mang tên Phương có nét giống với mình nên Nghĩa không thay ảnh và dùng để mở một tài khoản tại một chi nhánh khác của ngân hàng S. Ban đầu, Nghĩa và Tiến sử dụng facebook, đăng tin vào các hội, nhóm trên mạng rằng “có ông chú” làm ở công ty xổ số kiến thiết và cho những số sẽ ra để đánh đề “chắc chắc trúng”, ai cần thì “inbox”. Khi có người nhắn tin, Nghĩa và Tiến cho những con số từ 00-99, kèm theo điều kiện khi trúng phải  “chia lộc” cho các đối tượng. Nhiều người dựa vào con số đó để mua đề, nhưng khi ngẫu nhiên trúng thì rất tin và sẵn sàng gửi một phần tiền trúng thưởng vào tài khoản do các đối tượng chỉ định, đồng thời xin số tiếp cho lần sau.

Lúc này, Nghĩa và Tiến mới buộc họ chuyển tiền trước mới cho số. Những con bạc mê muội lập tức làm theo yêu cầu và kết quả sau đó thường là không trúng thưởng, đồng thời bị Nghĩa và Tiến chặn facebook, cắt đứt liên lạc.

 Đến năm 2019, Nghĩa và Tiến tiếp tục nghĩ ra hình thức kiếm tiền bất chính khác. Cùng với việc “cho số” đánh lô đề, 2 đối tượng này vào các hội, nhóm để “tiếp thị” là “Nhận tiền giúp qua tài khoản”. Mục đích cung cấp số tài khoản được mở bằng CMND giả mạo để nhận tiền từ các nạn nhân bị những đối tượng khác lừa đảo. Sau đó, Nghĩa và Tiến đến ATM rút tiền ra trước khi chuyển vào ví điện tử, hoặc tài khoản games của đối tượng lừa đảo để hưởng hoa hồng từ 5-20%.

Cách làm của các đối tượng là nhằm cắt đứt sự liên lạc về đường đi của nguồn tiền nhằm đối phó với việc che giấu tung tích của đối tượng tội phạm, gây khó khăn nếu cơ quan chức năng muốn xác minh. Trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị T, Nghĩa và Tiến đã giúp đối tượng lừa đảo (chưa xác định) thực hiện bằng hình thức trên. Điều tra viên thụ lý vụ việc cho biết thêm, gia đình Nghĩa và Tiến rất nghèo. Nhưng sau khi có nhiều tiền bằng việc lừa đảo và tiếp tay các đối tượng lừa đảo, anh em Nghĩa sa vào ăn chơi và “sống ảo”.

Hiện, cơ quan Công an đã xác định được một đối tượng khác có liên quan đến đường dây lừa đảo này. Theo đó, có khoảng 1.000 nạn nhân đã chuyển số tiền hơn 12 tỷ đồng vào 2 tài khoản giả mạo của Trương Diên Nghĩa.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hòa Vang thông báo, ai là bị hại, từng chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng số 060202643399 mang tên Nguyễn Phạm Trường Giang và tài khoản số 060188405791 mang tên Huỳnh Thanh Phương, đề nghị liên hệ Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an huyện, số điện thoại 02363.783.123, để được hỗ trợ giải quyết.

Thân Lai
.
.
.