Giọt nước mắt của "bảo mẫu hành hạ trẻ em"

Thứ Bảy, 08/01/2011, 10:14
Những giọt nước mắt muộn mằn khi mức án 24 tháng tù giam mà Tòa án nhân dân huyện Thuận An (Bình Dương) tuyên sáng 7/1 phạt bà Trần Thị Phụng (52 tuổi) về "tội hành hạ người khác", bà Phụng chỉ còn biết lén nhìn người chồng bại liệt đang ngồi co ro bên dưới hàng ghế dự khán.
>> Đề nghị truy tố bảo mẫu Trần Thị Phụng

Chồng bị bại liệt, cả gia đình chỉ trông chờ vào việc giữ trẻ của bà Phụng để kiếm cái ăn. Xung quanh khu vực bà Phụng có rất nhiều cháu nhỏ từ 18 đến 36 tháng tuổi là con của những công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Mỗi tháng công giữ mỗi cháu từ 300-500 ngàn đồng, xoay xở cả gia đình bà Phụng sống cũng tạm đủ. Chỉ là giữ trẻ tự phát nên việc đăng ký xin phép lập cơ sở giữ trẻ được bà Phụng cho qua.

Theo cáo trạng của tòa án, khoảng tháng 5/2009, bà Phụng nhận giữ cháu Hồ Thị Thúy Ngân (3 tuổi) là con của anh Hồ Minh Lực và chị Nguyễn Thị Thanh với số tiền là 300 ngàn đồng/tháng. Như thường lệ, đến khoảng 3h chiều là bà Phụng tắm cho các cháu nhỏ.

Chiều 20/11/2010 bà Phụng đưa cháu Ngân ra sau nhà tắm nhưng nước lạnh, cháu Ngân không chịu tắm vùng vẫy bỏ chạy. Bà  Phụng dùng ca nhôm hắt nước vào mặt cháu Ngân. Bị tát nước bé Ngân vừa khóc vừa bỏ chạy thì bị bà Phụng nắm tóc kéo lại và đè cháu xuống sàn nước dùng chân giữ cháu Ngân, sau đó tạt nước dội lên người cháu. Nhiều người phẫn nộ trước hành vi này đã quay lại video clip và tung lên mạng.

Giọt nước mắt muộn mằn của bị cáo Phụng.

Trước những hành vi trên, ngày 24/11/2010, cơ quan CSĐT Công an huyện Thuận An đã bắt khẩn cấp bà Phụng về hành vi "hành hạ người khác". Trong quá trình điều tra thu thập chứng cứ, bà Phụng khai nhận đã nhiều lần tắm cho bé Ngân như trên.

Tại phiên tòa, sau khi nghe cáo trạng, bà Phụng đã thừa nhận hành vi của mình. Bà khai, đã từng là mẹ, là bà nhưng bà đã không hiểu tâm sinh lý của những đứa trẻ, không thực hiện đúng chức năng nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ, bà Phụng xin lỗi vợ chồng anh Lực và mong muốn tòa án giảm nhẹ mức án để bà về chăm sóc người chồng bị bại liệt.

Tòa án nhân dân huyện Thuận An tuyên mức án 24 tháng tù giam đối với Trần Thị Phụng và bà Phụng phải bồi thường 5 triệu đồng về mặt tinh thần cho gia đình nạn nhân. Hàng trăm người dự khán phiên tòa đều đồng tình với mức án dành cho bị cáo Phụng nhưng trong đó vẫn còn một số ý kiến cho rằng mức án quá nhẹ.

Phiên tòa khép lại với mức án đích đáng dành cho người có tội. Đây cũng là một trong những phiên tòa mà người ta rút ra nhiều bài học. Nhất là đối với những nhà quản lý. Việc cơ sở vật chất chăm sóc giữ trẻ thiếu thốn, nhu cầu của những người có con muốn có chỗ để gửi, chăm sóc để toàn tâm vào công việc lại không đáp ứng được, việc các nhà giữ trẻ tự phát mọc lên là khó tránh khỏi.

Qua phiên tòa này, các cơ quan, ban, ngành liên quan chắc cũng phải nhìn nhận lại việc quản lý của mình. Đặc biệt là những nơi có lượng công nhân sống đông như ở các khu công nghiệp tại Bình Dương

Nghinh Phong
.
.
.