Gây thất thoát gần 12 tỷ đồng, giám đốc và kế toán trưởng vào vòng lao lý
- Chi cục trưởng thi hành án gây thất thoát 2 tỷ?
- 4 cán bộ xã "biến hóa" sổ đỏ gây thất thoát gần 10 tỷ đồng
- Dấu hiệu “cố ý làm trái” trong vụ Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát 3.200 tỷ đồng3
Quá trình xác minh, đến ngày 10-10, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ xác định: Trong quá trình đảm nhiệm chức vụ công tác, Thanh và Tần đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước và quy chế quản lý tài chính của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, gây thất thoát gần 12 tỷ đồng.
Vụ án bắt nguồn từ việc Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Phú Thọ nhận được Công văn kiến nghị số 100/GVN-TCKT PT, ngày 3-3 của Tổng Công ty Giấy Việt Nam về việc đề nghị xử lý đối với ông Lê Quốc Thanh và bà Bùi Thị Tần, nguyên là giám đốc và kế toán trưởng Công ty Chế biến và xuất nhập khẩu Dăm Mảnh (Công ty Dăm Mảnh) thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Theo nội dung công văn thì trong quá trình đảm nhận chức vụ, Thanh và Tần đã tự ý ứng tiền trước cho khách hàng mà không có tài sản đảm bảo; không báo cáo Tổng Công ty Giấy Việt Nam dẫn đến nợ xấu, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thanh toán...
Thượng tá Nguyễn Ngọc Vân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ yêu cầu các cán bộ chiến sĩ Phòng ANĐT sớm xác minh, làm rõ vụ việc, để xử lý theo quy định pháp luật, đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát.
Lê Quốc Thanh và Bùi Thị Tần, nguyên giám đốc và kế toán trưởng. |
Quá trình xác minh, Trung tá Nguyễn Phương Nam, cán bộ thụ lý điều tra vụ án gặp phải không ít khó khăn: Hành vi phạm tội của các đối tượng diễn ra trong thời gian dài và thực hiện liên tục trong nhiều năm. Một số trường hợp có liên quan cũng đã nghỉ hưu.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 23-6, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Quốc Thanh và ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Bùi Thị Tần (do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Quá trình điều tra xác định: Dăm Mảnh là công ty con, phụ thuộc hoàn toàn Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Tổng Công ty Giấy Việt Nam là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, được Nhà nước giao là đại diện chủ sở hữu).
Trong quá trình đảm nhiệm chức vụ công tác từ năm 2010 đến năm 2013, Lê Quốc Thanh, đại diện cho Công ty Dăm Mảnh (bên B) ký nhiều hợp đồng kinh tế mua bán hàng hóa dăm mảnh với 4 công ty TNHH (bên A) là: Công ty Hoàng Lâm Hạ Long, Công ty Thanh Định, Công ty Lâm Hoàng và Công ty D&G Việt Nam. Theo nội dung hợp đồng kinh tế đã ký kết thì không có điều khoản nào quy định về việc bên B tạm ứng tiền cho bên A.
Song trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Dăm Mảnh lập một số phụ lục hợp đồng có điều khoản ghi rõ: Công ty Dăm Mảnh (bên B) ứng tiền trước cho công ty khách hàng (bên A) để "ứng tiền vốn để bên A mua hàng bán cho bên B" chứ không phải "trả trước tiền mua hàng"; đồng thời, điều khoản trong phụ lục hợp đồng nêu rõ "khi bên B nhận được hàng thì bên B sẽ thanh toán trả tiền mua hàng cho bên A, số tiền thanh toán bằng giá trị tiền của hàng hóa trừ đi số tiền đã ứng".
Nhưng thực tế, khi thanh toán tiền hàng thì bên B không đối trừ hết số tiền đã ứng cho bên A, dẫn đến việc bên A nợ tiền bên B. Việc ứng tiền diễn ra liên tục từ năm 2010 đến năm 2013.
Khi thực hiện hợp đồng đã ký (đầu năm) đến khi thanh lý hợp đồng (hết năm) thì bên A vẫn còn nợ tiền ứng trước của bên B, tuy nhiên đến khi thực hiện hợp đồng ký năm tiếp theo thì bên B không trừ số tiền bên A còn nợ mà vẫn tiếp tục ứng tiền cho bên A.
Do vậy, hằng năm bên A đều nợ lại 1 phần số tiền đã ứng của bên B, dẫn đến tình trạng số tiền bên A nợ bên B là rất lớn, không có khả năng chi trả, gây thất thoát tiền vốn của Nhà nước.
Về phần Lê Quốc Thanh và Bùi Thị Tần, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các đối tượng đã tự ý ký nhiều ủy nhiệm chi để ứng tiền cho bên A. Việc tạm ứng tiền là quyết định của cá nhân Lê Quốc Thanh và Bùi Thị Tần, trên cơ sở Thanh chỉ đạo, Tần đồng ý quan điểm và cùng thực hiện, không báo cáo và không được sự đồng ý của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, không có tài sản hoặc bất cứ ràng buộc gì để đảm bảo việc các công ty sẽ hoàn ứng, trả nợ; dẫn đến tình trạng số tiền bên A nợ bên B là rất lớn, không có khả năng chi trả, gây thất thoát tiền của Nhà nước với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng.
Quá trình đấu tranh xét hỏi các bị can, các đối tượng ngoan cố không khai nhận hành vi phạm tội; luôn đổ trách nhiệm cho nhau và khai báo bản thân không cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, mà là thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Các cán bộ chiến sĩ Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã dày công xây dựng kế hoạch đấu tranh cụ thể đối với từng bị can, dựa trên các tài liệu chứng cứ thu thập được và các văn bản quy định của pháp luật để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng.
Việc điều tra, làm rõ vụ án kinh tế trên đã góp phần đảm bảo an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh.