Đường dây "lừa du học" ẵm 20 tỷ đồng như thế nào?

Thứ Ba, 08/04/2008, 16:32
Thực hiện các hợp đồng, Hoán đã nhận của rất nhiều người với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Để tăng thêm uy tín với "khách hàng", Hoán đưa một số người sang Thái Lan "du học" bằng hộ chiếu du lịch. Thực tế họ được ở trên đất Thái Lan ăn nghỉ gần một tháng nhưng không hề có chuyện được học tập, rồi lại quay về với lý do "trục trặc về thủ tục nên chưa có visa, phải quay về Việt Nam để chờ"?!

Như Báo CAND đã đưa tin về chiến công xuất sắc của Phòng An ninh điều tra Công an Thái Bình trong việc phát hiện chặn đứng đường dây lừa đảo đi du học và thực tập nghề ở nước ngoài chiếm đoạt 20 tỷ đồng.

Đây là vụ án có tính chất rất nghiêm trọng liên quan đến các đối tượng người nước ngoài và một số công ty TNHH ở trong nước trong việc liên kết hình thành đường dây lừa gạt người lao động khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.

Ngay sau khi nhận được tin, mấy ngày qua, hàng chục nạn nhân từ nhiều tỉnh, thành phố, như: Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng đến  khai báo và mong muốn nhận được sự giúp đỡ của cơ quan điều tra...

Theo những thông tin mới nhất về đường dây lừa đảo này mà chúng tôi vừa mới biết, thì Công ty TNHH Trung Sao do Nguyễn Bá Hoán làm Giám đốc có trụ sở đóng tại 33 Nguyễn Bỉnh Quân, phường Tiền An, TP Bắc Ninh được Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 02.02000876, lần đầu cấp vào ngày 6/6/2005 (từ đó đến nay công ty này đã 3 lần đăng ký thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh), trong đó không có chức năng giới thiệu, đưa người đi du học và thực tập nghề ở nước ngoài...

Mọi chuyện bắt đầu nảy sinh từ tháng 3/2007, trong một bữa ăn, vợ chồng anh Sơn, chị Hằng quê ở Bắc Giang, hiện ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM (người quen của Hoán) đã giới thiệu với Hoán về Trần Mộng Tuyên (tức Tim), có nhà riêng ở số 62 Nhiên Tứ, phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM, là "luật sư quốc tế" đã có thời gian định cư tại Australia gần 30 năm hiện là đại diện của "Công ty Prestige Migration Australia".

Sau nhiều lần gặp gỡ và trò chuyện với ông Tim, ngày 14/4/2007, Hoán đã cùng ông Tim bay sang Bangkok (Thái Lan) để tìm gặp một người tên là Hari, mang quốc tịch Mỹ, là giám đốc của công ty "ESI..." gì đó, có văn phòng tại Singapore và một trung tâm dạy tiếng Anh tại Bangkok (Thái Lan).

Trong cuộc gặp gỡ này, Hoán cùng Hari và Tim đã tạo ra một bản "hợp đồng liên kết" trong việc ký kết tuyển dụng nhân công đã qua đào tạo và chưa qua đào tạo đưa sang làm việc tại Hoa Kỳ.

Theo bản hợp đồng thì Công ty TNHH Trung Sao được phép ủy quyền của Công ty ESI Pro… có trách nhiệm: tuyển và chuyển nhân công, kiểm tra sức khỏe, hộ chiếu, tư vấn thị thực, thu và chuyển phí lo thủ tục 1.100 USD/người.

Cung cấp số lượng nhân công cần thiết theo quy định như: 200 công nhân ngày 13/7/2007, 350 công nhân vào ngày 20/7/2007, 325 công nhân vào ngày 15/8/2007, 1.000 công nhân vào ngày 25/8/2007... Không tuyển đủ số công nhân theo yêu cầu như đã cam kết thì Công ty Trung Sao phải mất toàn bộ lệ phí đã chi trả...?!

Có bản "hợp đồng mẹ" mang về nước, Nguyễn Bá Hoán bắt tay ngay vào việc liên kết và ký kết "hợp đồng con" với các công ty ở trong nước có chức năng tư vấn dịch vụ, giới thiệu việc làm... và một số công ty cổ phần có chức năng đầu tư, xuất nhập khẩu để "tuyển chọn" người đi du học Thái Lan và thực tập nghề tại Mỹ theo "đơn đặt hàng".

Đồng thời, chúng "vẽ" ra với người lao động, nào là: Công ty TNHH Trung Sao đã ký kết trực tiếp với Công ty ESI... ở nước ngoài cần tuyển gấp hàng nghìn lao động đưa sang Thái Lan học nghề 3 tháng, tiếp sau đó sẽ sang Mỹ thực tập nghề trong thời gian từ 3 đến 5 năm với mức lương khởi điểm là 3.000 USD/tháng. Trung bình một người đi du học phải nộp tổng số tiền từ 10.000 đến 14.000 USD (tùy theo sự thỏa thuận của Nguyễn Bá Hoán với từng công ty môi giới).

Và chỉ trong 15 ngày, chậm nhất là 30 ngày sau khi nộp đủ số tiền, học sinh sẽ được bay sang Thái Lan, nếu không đi được sau ngày đã quy ước trong hợp đồng, Hoán và công ty môi giới sẽ bồi thường toàn bộ số tiền đã thu.

Để chiếm trọn lòng tin của người lao động, Hoán đã thảo ra các loại "Hợp đồng liên kết" về việc ủy quyền của Công ty Trung Sao cho các công ty môi giới trong tuyển chọn học sinh đi du học và thực tập nghề ở Mỹ. Đồng thời phô tô gửi cho các công ty này những bản hợp đồng bằng tiếng nước ngoài mà Hoán đã ký kết với Hari cùng Tim ở Thái Lan và được dịch sang tiếng Việt từ một cơ quan chức năng ở tỉnh Bắc Ninh.

Từ đây, các công ty môi giới được sự ủy quyền của Công ty Trung Sao lại tạo ra các hợp đồng để thu tiền môi giới của người lao động, đồng thời dẫn họ trực tiếp đến Công ty Trung Sao để nộp tiền cho Hoán về các khoản đã thỏa thuận.

Tuy nhiên trong các bản hợp đồng đó có rất nhiều điều mập mờ, không rõ ràng để Hoán có thể tung các chiêu lừa, ví dụ như việc bỏ trống không nêu rõ nơi đi thực tập nghề tại đâu, hay trong hợp đồng trách nhiệm và giấy biên nhận, Hoán lại ghi rõ lý do thu tiền của ông A, bà B về việc đi dự hội thảo tại Thái Lan theo chương trình của Trường ESI Pro...

Đã có nhiều người thắc mắc về những vấn đề không rõ ràng sau khi đọc những bản hợp đồng của Công ty Trung Sao nhưng Hoán đã thuyết phục được họ rằng "giấy tờ thủ tục chỉ là trên danh nghĩa, còn trong thực tế thì khác, hơn nữa chúng tôi cam kết sẽ hoàn trả lại 100% số tiền đã thu trong thời gian đã thỏa thuận nếu chúng tôi vi phạm hợp đồng..."?!

Thực hiện các hợp đồng trên, Hoán đã nhận của rất nhiều người với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Để tăng thêm uy tín đối với "khách hàng", Hoán đưa một số người sang Thái Lan để "du học" bằng hộ chiếu du lịch và thực tế họ được ở trên đất Thái Lan ăn nghỉ gần một tháng nhưng không hề có chuyện được học tập, rồi lại quay về Việt Nam với lý do "trục trặc về thủ tục nên chưa có visa, phải quay về Việt Nam để chờ"?!

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã phân công đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc xác lập và đấu tranh chuyên án. Sau gần 2 tháng, nhiều mũi trinh sát của Phòng An ninh điều tra đã có mặt ở khắp các địa phương trên toàn quốc để xác minh, lần tìm manh mối về Nguyễn Bá Hoán và đồng bọn.

Bởi khi vụ việc bị bại lộ, để trốn tránh nạn nhân đến đòi nợ, Hoán sống chui lủi, còn trụ sở công ty của hắn thuê tại 33 Nguyễn Bỉnh Quân, phường Tiền An, TP Bắc Ninh thì đóng cửa và thông tin: "Hiện nay Giám đốc đi Thái Lan, không tiếp khách".

Đến nhà riêng của Hoán tại xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) thì trinh sát ngạc nhiên vì một giám đốc công ty tiêu xài bằng đôla, hằng ngày cặp số, xe ôtô bóng lộn, song gia sản của Hoán chỉ là một ngôi nhà cấp 4, khoảng 30 triệu đồng và cũng đã thế chấp vay tiền tại một ngân hàng.

Ngày 25/3/2008, nhận được tin Hoán xuất hiện tại TP Bắc Ninh, lập tức một kế hoạch vây bắt được triển khai với sự phối hợp của Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh và Công an phường Tiền An.

Khám xét trụ sở phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Bá Hoán, cơ quan điều tra đã thu giữ một bản danh sách của 191 người ở các tỉnh phía Bắc đã nộp hồ sơ và tiền kèm theo các phiếu thu (có chữ ký của Hoán) với số tiền là 900.000 USD; một bản hợp đồng mà Hoán đã ký kết với Tim và Hari, cùng rất nhiều các bản hợp đồng ủy quyền của Công ty Trung Sao với các công ty trong nước... và rất nhiều hồ sơ, giấy tờ có liên quan. Quá trình điều tra vụ án, Nguyễn Bá Hoán lỳ lợm ngoan cố.

Trước những chứng cứ cụ thể của cơ quan điều tra đưa ra, sau nhiều giờ Nguyễn Bá Hoán mới chịu khai nhận về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cũng như việc Hoán đã giao dịch chuyển các khoản tiền cho Tim cùng các công ty môi giới ở trong nước, đồng thời cũng đề nghị với cơ quan điều tra xin được khắc phục hậu quả và nhờ một phụ nữ thường trú tại số phố Mai Bang, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh (bạn của Hoán) mang 350 triệu đồng mà Hoán đã chiếm đoạt đến nộp tại cơ quan điều tra.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng

Thu Hà
.
.
.