Dùng hồ sơ nhà đất giả để rút tiền ngân hàng

Thứ Năm, 01/12/2011, 11:15
Bằng nhiều thủ đoạn như: Làm dịch vụ hợp thức hóa nhà đất; dụ một số người lấy giấy tờ nhà đất thế chấp vay lãi suất cao lấy vốn làm ăn, Dương Ngọc Phượng đã có tất cả 9 hồ sơ nhà đất. Số hồ sơ này đã được Phượng mang đi thế chấp ở các ngân hàng vay được số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.

Là một đối tượng không có nghề nghiệp từ tỉnh lẻ về TP HCM mưu sinh, nhưng bằng nhiều thủ đoạn, Dương Ngọc Phượng, (33 tuổi, thường trú huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đã lừa một số cán bộ ngân hàng, cán bộ công chứng và rất nhiều người để chiếm đoạt số tiền lên đến gần 10 tỷ đồng và số lượng lớn vàng SJC. Ngày 30/11, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV Công an TP HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án, đề nghị Viện KSND TP HCM truy tố Dương Ngọc Phượng và các đối tượng có liên quan.

Năm 2007, Dương Ngọc Phượng đến tạm trú tại nhà thuê ở cư xá Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, TP HCM và cũng từ đó, ả bắt đầu thực hiện liên tiếp các vụ lừa đảo. Nạn nhân đầu tiên của Dương Ngọc Phượng là bà Trần Thị Kim Xuân. Khoảng tháng 7/2007, Phượng cho bà Xuân vay 120 triệu đồng để bà Xuân trả nợ vay đến hạn của ngân hàng. Phượng giữ giấy tờ tùy thân của bà Xuân và giấy tờ nhà số 3A38/2 ấp 3, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Sau đó, Phượng gặp bà Mai Lê Thị Hiền (ngụ tại cư xá Bùi Minh Trực) nói dối là căn nhà trên Phượng đã mua và nhờ vợ chồng bà Hiền đứng tên giúp, đồng thời đứng tên thế chấp căn nhà để vay tiền ngân hàng.

Sau khi được vợ chồng bà Hiền đồng ý, Dương Ngọc Phượng đã đến Phòng công chứng số 2 nộp hồ sơ cho công chứng viên Phan Thanh Vân (57 tuổi, thường trú quận 6, TP HCM) xin công chứng hợp đồng mua bán căn nhà trên. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán nhà, Phượng đã giả chữ ký của bên bán là bà Trần Thị Kim Xuân. Do quen biết Phượng từ trước, nên khi thấy hợp đồng có đủ chữ ký, lăn tay của bên mua và bên bán nhà, Phan Thanh Vân đã ký công chứng vào tất cả các trang của hợp đồng mua bán nhà (bỏ qua khâu chứng kiến hai bên mua - bán ký tên vào hợp đồng).

Tiếp đến, Dương Ngọc Phượng nộp hồ sơ nhà và hợp đồng mua bán nhà công chứng cho Chi cục Thuế và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh, xin nộp thuế chuyển quyền, trước bạ và đăng bộ sang tên chủ quyền nhà cho vợ chồng bà Mai Lê Thị Hiền.

Sau khi có chứng nhận chủ quyền căn nhà mang tên vợ chồng bà Hiền, Dương Ngọc Phượng đến Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Bình Tây gặp Lê Tấn Phú (30 tuổi, thường trú huyện Bến Lức, tỉnh Long An), lúc này là cán bộ tín dụng và Hoàng Anh Tú (29 tuổi, thường trú TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), Tổ trưởng kinh doanh, để Phượng giới thiệu cho vợ chồng ông Hồng, bà Hiền vay 450 triệu đồng bổ sung vốn kinh doanh (nhưng thực tế không có hoạt động kinh doanh gì).

Siêu lừa Dương Ngọc Phượng; và nhà đất là "miếng mồi" béo bở mà Phượng nhắm tới để làm giả hồ sơ, giấy tờ nhằm lừa đảo.

Tài sản thế chấp giấy tờ nhà căn nhà 3A38/2 ấp 3, xã Phạm Văn Hai. Để vay tiền, Phượng còn làm giả giấy CNĐKKD hộ kinh doanh cá thể do UBND quận 8 cấp để bổ sung vào hồ sơ vay. Tuy nhiên, Lê Tấn Phú và Hoàng Anh Tú không tiến hành thẩm định phương án vay vốn theo quy định, mà ký đề xuất cho khách hàng vay với số tiền trên.

Qua xem xét hồ sơ xin vay của khách hàng cũng như các tờ trình thẩm định, thấy hội đủ điều kiện vay vốn, đúng quy trình cho vay, Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Bình Tây đã lập thủ tục giải ngân cho vay 450 triệu đồng. Thế nhưng, với mục đích lừa đảo để chiếm đoạt số tiền lớn hơn nên khi đến kỳ trả nợ, Phượng đã vay mượn của nhiều người thanh toán vốn vay cho ngân hàng, rồi sau đó xin vay lại 500 triệu đồng từ ngân hàng này để chiếm đoạt…

Không dừng lại ở đó, bằng nhiều thủ đoạn khác như: Làm dịch vụ hợp thức hóa nhà đất; dụ một số người lấy giấy tờ nhà đất thế chấp vay lãi suất 2% (thực chất người đứng ra cho vay là do Phượng thuê), rồi sau đó cho Phượng vay lại với mức lãi suất 8% để hưởng chênh lệch.

Khi có trong tay giấy tờ nhà đất, Phượng tiếp tục giở thủ đoạn như trên (hợp thức hóa bằng cách thuê người đứng tên mua và vay ngân hàng giúp). Với chiêu lừa đảo này, Dương Ngọc Phượng đã có tất cả 9 hồ sơ nhà đất giả mạo mà Phượng đem đi thế chấp, chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Bình Tây hơn 6,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, cũng với những hợp đồng mua bán nhà giả tạo và các thủ đoạn gian dối khác, Dương Ngọc Phượng cũng đã chiếm đoạt của một số người với số tiền 3,4 tỷ đồng và 50 lượng vàng SJC. Trong vụ án này, Phan Thanh Vân đã ký công chứng 8 hợp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng đất giả mạo; Lê Tấn Phú và Hoàng Anh Tú không thẩm định 9 hồ sơ xin vay vốn Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Bình Tây của các khách hàng (thật ra đều là của Phượng), tạo điều kiện cho Phượng chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng. Đến nay, Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Bình Tây còn bị thiệt hại hơn 3,7 tỷ đồng.

Với hành vi vi phạm như trên, Cơ quan CSĐT đã đề nghị truy tố Dương Ngọc Phượng tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Phan Thanh Vân tội: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ";  Lê Tấn Phú và Hoàng Anh Tú tội: "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"

Thúy Hà
.
.
.