Đề nghị truy tố “đại gia thuỷ sản Tòng Thiên Mã”

Thứ Sáu, 07/04/2017, 19:22
Hiện nay, sau khi xử lý tài sản đảm bảo và thu nợ tài sản là tiền gởi cầm cố, số dư nợ của Công ty Thiên Mã đến 31-3-2016 là 147,3 tỷ đồng. 

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Phan Bá Tòng (43 tuổi, nguyên giám đốc), Trần Thị Diễm (47 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã, gọi tắt Công ty Thiên Mã, có trụ sở tại KCN Trà Nóc 2, TP Cần Thơ) cùng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết luận điều tra, Công ty Thiên Mã thành lập từ năm 2005, ngành nghề kinh doanh chính: Sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khấu thủy sản, với vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Các thành viên góp vốn là Phan Bá Tòng góp 66,5 tỷ đồng, tương đương 95% và bà Trần Thị Kim Yến (vợ Tòng), góp là 3,5 tỷ đồng tương đương 5%. Người đại diện theo pháp luật là Phan Bá Tòng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty.

Từ năm 2008, Công ty Thiên Mã bắt đầu quan hệ tín dụng với Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Khu vực Cần Thơ (VDB CầnThơ). Trong đó, gồm có 2 loại tín dụng, tín dụng đầu tư (TDĐT) và tín dụng xuất khẩu (TDXK). Quá trình ký kết, thực hiện các hợp đồng vay vốn TDXK. 

Tính đến ngày 31-3-2016, tổng dư nợ của Công ty Thiên Mã tại VDB Cần Thơ trên 471 tỷ đồng. Dư nợ khoản vay TDĐT là hơn 104 tỷ đồng, nợ tiền TDXK hơn 366 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ gốc là 147 tỷ đồng.

"Đại gia" thuỷ sản "Tòng Thiên Mã". Ảnh CTV

Trong đó, các khoản vay TDĐT của công ty tại VDB Cần Thơ phần lớn đuợc đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay (Nhà máy chế biến Thuỷ sản Thiên Mã 3). Toàn bộ dư nợ nêu trên đã được VDB phân loại nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, các tài sản đảm bảo không có khả năng tất toán các khoản vay gốc và lãi.

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2009 đến tháng 3-2011, Tòng đã chỉ đạo nhân viên lập khống các hồ sơ, chứng từ vay vốn tại VDB. Số tiền vay, Tòng sử dụng không đúng mục đích, chiếm đoạt và trả nợ trước. 

Hiện nay, sau khi xử lý tài sản đảm bảo và thu nợ tài sản là tiền gửi cầm cố, số dư nợ của Công ty Thiên Mã đến 31-3-2016 là 147,3 tỷ đồng. Khoản vay của Công ty Thiên Mã tại VDB Cần Thơ đã quá hạn, tài sản của của công ty và cá nhân Tòng chỉ đủ trả nợ gốc và một phần lãi vay TDĐT, không đủ trả cho khoản vay TDXK.

Đối với Trần Thị Diễn, kế toán trưởng của công ty đã thực hiện theo chỉ đạo của Tòng trực tiếp làm báo cáo tài chính giả với kết quả kinh doanh từ lỗ thành lãi để đủ điều kiện xin vay vốn tại VDB Cần Thơ, ký duyệt trên các chứng từ, bảng biểu lập khống trong các hồ sơ vay vốn, xin giải ngân… Dù hành vi này của Diễm không trực tiếp hưởng lợi nhưng đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với vai trò đồng pháp, giúp sức.

Khoản vay TDĐT của công ty tại VDB Cần Thơ phần lớn đuợc đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay (Nhà máy chế biến Thuỷ sản Thiên Mã 3). Ảnh CTV.

Đối với hành vi sai phạm của một số nhân viên Công ty Thiên Mã, trên cơ sở phân tích, đánh giá tài liệu, chứng cứ cho thấy: Nguyễn Thùy Minh Uyển, Huỳnh Anh Thy (nhân viên kế toán) có dấu hiệu phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với vai trỏ đồng phạm giúp sức. Riêng các cán bộ VDB Cần Thơ như: Nguyễn Thị Mai, Lâm Chí Công, Huỳnh Thanh Trúc, có dấu hiệu phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quá nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, do ngày 30-3-2017 đã hết thời hạn điều tra vụ án nên không đủ thời gian đánh giá sai phạm của các nhân viên này và cán bộ VDB Cần Thơ. Vì vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao. 

Sau đó, Viện KSND Tối Cao đánh gịá lại, nếu thấy đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng trên thì trả lại hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung theo quy định.

Văn Vĩnh
.
.
.