Đề nghị truy tố 26 bị can làm chứng thư bảo lãnh giả

Thứ Tư, 03/08/2011, 19:00
Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) - Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án "Trương Công Dũng và đồng bọn làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP HCM và một số tỉnh khác.

Theo đó, có 26 bị can đề nghị Viện KSND tối cao truy tố tội danh trên, trong đó 12 đối tượng là giám đốc, phó giám đốc; 2 đối tượng là cán bộ ngân hàng. Ngoài ra, còn có Hồ Vĩnh Tín là bị can trong vụ án đã xuất cảnh ra nước ngoài, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã đình chỉ điều tra đối với Tín, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Cũng liên quan đến vụ án, trước đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã kết thúc điều tra và đề nghị truy tố đối với Hà Đức Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khai thác khoáng sản Đất Việt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dũng đã hứa hẹn "chạy án" cho ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch Lộc Bình Phú (đối tượng trong vụ án này) để chiếm đoạt gần 500 triệu đồng.

Trương Công Dũng, Nguyễn Thanh Tú và Lê Nho Diễn.

Theo kết luận điều tra: Để thực hiện hành vi lừa đảo thông qua hình thức mua hàng trả chậm, Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch Lộc Bình Phú đã thông qua một số đối tượng trong đó có Nguyễn Thanh Tú, ở Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai móc nối với Trương Công Dũng, nhân viên Ngân hàng HSBC và Lê Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng giao dịch Tân Bình - Ngân hàng TMCP Gia Định để làm giả 3 chứng thư bảo lãnh thanh toán, với số tiền bảo lãnh lên tới 45 tỷ đồng. Để có được các chứng thư bảo lãnh giả, Tuấn đã phải chi cho các đối tượng hơn 1,8 tỷ đồng, nhưng đổi lại, Nguyễn Minh Tuấn đã lừa đảo chiếm đoạt số sắt thép trị giá hơn 14 tỷ đồng của Công ty TNHH Ngôi sao Lam Sơn thông qua việc thực hiện hợp đồng mua sắt thép trả chậm...

Trong vụ án này, Trương Công Dũng còn làm giả chứng thư bảo lãnh với số tiền 50 tỷ đồng cho Lê Nho Diễn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vạn Gia Phát, để Diễn chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của Công ty TNHH Đăng Tuấn Nguyên. Thủ đoạn của Dũng là giả mạo chữ ký của lãnh đạo ngân hàng, rồi lợi dụng sơ hở trong quản lý con dấu để đóng vào các chứng thư bảo lãnh giả. Bằng cách làm phi pháp này, Dũng đã hưởng lợi bất chính 900 triệu đồng.

Ngoài ra, thông qua Lê Quý Đắc, là đối tượng biết nghề lưới, các đối tượng "cò" đã thuê Đắc làm chứng thư bảo lãnh giả của một số ngân hàng, với số tiền bảo lãnh lên tới hàng trăm tỷ đồng...

Đây là một đường dây làm chứng thư bảo lãnh giả có quy mô lớn, liên quan đến nhiều đối tượng. Khám phá đường dây tội phạm này đã "phát lộ" một thực trạng đáng lo ngại về sử dụng chứng thư bảo lãnh giả, giấy xác nhận số dư tài khoản giả... để các đối tượng sử dụng vào các mục đích khác nhau. Vì vậy, bên cạnh việc quản lý con người, quản lý con dấu trong ngành Ngân hàng, thì cũng cần phải có cơ chế trong việc quản lý các loại giấy tờ có giá, tránh tình trạng quan liêu hành chính, chỉ dựa vào giấy tờ, mà không có sự xem xét, kiểm tra, đến khi bị lừa mới phát hiện thì việc thu hồi số tiền bị chiếm đoạt là rất khó khăn

Đào Minh Khoa
.
.
.