Cựu Kế toán trưởng Viện Dầu khí lĩnh án vì “ăn” lãi ngân hàng
- Những chiêu trò của Hà Văn Thắm rút ruột trăm tỷ
- 125 tỷ đồng chi lãi ngoài trong đại án kinh tế tại Ocean Bank sẽ được thu hồi như thế nào?
Trần Đức Chính (42 tuổi, trú tại Khu đô thị Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) từng là Trưởng ban tài chính, Kế toán trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).
Bị cáo Trần Đức Chính tại phiên xử. |
Trong thời gian giữ chức vụ được giao, Chính đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc gửi hơn 400 tỷ đồng của VPI vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và hưởng lãi suất ngoài trái quy định. Ngày 21-8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, VPI là đơn vị khoa học công nghệ được thành lập theo Quyết định số 339/QĐ-DK-VN ngày 29-1-2007 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và được PVN đầu tư 100% vốn. VPI có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, hoạt động theo Luật Khoa học Công nghệ và các văn bản pháp lý khác có liên quan. Trần Đức Chính được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng PVI từ ngày 7-4-2009 đến ngày 28-10-2010.
Trong thời gian giữ chức vụ Kế toán trưởng VPI, căn cứ chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN tại Công văn số 3405/DKVN-HĐQT ngày 13-5-2009 về việc đề nghị các đơn vị trong Tập đoàn ủng hộ việc sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng và các dịch vụ thanh toán, tín dụng, ngoại hối do OceanBank cung cấp; căn cứ vào vào Công văn số 4566/DKVN-TVDK ngày 22-6-2009 của ông Phùng Đình Thực, cựu Tổng Giám đốc PVN về việc yêu cầu các đơn vị thành viên mở và phát triển hệ thống tài khoản thanh toán tại OceanBank, ngày 22-6-2009, Trần Đức Chính với tư cách là Trưởng ban tài chính, Kế toán trưởng VPI đã ký phiếu trình số 133/CVNB-TCKT về việc đề nghị mở tài khoản giao dịch tại OceanBank và được lãnh đạo VPI phê duyệt đồng ý.
Sau đó, VPI đã ký các hợp đồng tiền gửi theo lãi suất trần từng thời điểm tại các tổ chức tín dụng, trong đó có OceanBank. Người ký hợp đồng tiền gửi là Viện trưởng VPI Phan Ngọc Trung, Phó Viện trưởng VPI Phạm Thị Thanh Tuyền, Kế toán trưởng VPI Trần Đức Chính và Kế toán trưởng VPI Lê Văn Quý.
Nguồn tiền VPI gửi vào OceanBank được lấy từ kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ do các cơ quan Nhà nước giao, đặt hàng trực tiếp hoặc qua đấu thầu; kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học do PVN cấp theo kế hoạch hàng năm hoặc cấp đột xuất trên cơ sở hợp đồng kinh tế, hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Trong thời gian Chính làm Kế toán trưởng từ tháng 4-2009 đến tháng 10-2010, VPI là khách hàng phát sinh gửi tiền tại OceanBank-Chi nhánh Thăng Long với tổng doanh số tiền gửi có kỳ hạn là 308 tỷ đồng và doanh số tiền gửi không kỳ hạn gần 93 tỷ đồng.
Từ ngày 15-8-2009 đến ngày 31-12-2010, OceanBank có chủ trương chi tiền chăm sóc khách hàng (thực chất là chi lãi suất ngoài hợp đồng), triển khai trên toàn hệ thống và các quyết định gia hạn chương trình “Mỗi tuần một khách hàng tiềm năng”.
Nội dung của chương trình là: Mỗi cán bộ, nhân viên OceanBank khi giới thiệu được một khách hàng doanh nghiệp, cá nhân mở tài khoản thanh toán có số dư trung bình từ 10 triệu đồng trở lên duy trì trong thời hạn 1 tháng sẽ được chi lương bổ sung tương ứng (lương kinh doanh) là 0,2% trên số dư tiền gửi bình quân trong tháng.
Trường hợp khách hàng có số dư bình quân tiền gửi thanh toán trên 25 tỷ đồng thì các đơn vị trình Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị xem xét, phê duyệt mức thưởng riêng. Nguồn chi tiền chăm sóc khách hàng do Hội sở OceanBank chuyển về, dưới hình thức chi trả bổ sung lương cho các nhân viên chi nhánh theo chương trình chuyển về tài khoản từng cá nhân được hưởng theo thông báo.
Thực hiện chủ trương này, từ ngày 31-8-2009 đến 5-7-2010, Nguyễn Thị Minh Phương khi đó là Phó Giám đốc Chi nhánh Thăng Long (say này là Giám đốc Chi nhánh Thăng Long) đã chỉ đạo và đưa tiền cho 3 nhân viên OceanBank-Chi nhánh Thăng Long 57 triệu đồng để chuyển các khoản tiền chăm sóc khách hàng cho VPI thông qua số tài khoản của Chính. Nguyễn Thị Minh Phương trực tiếp chuyển khoản số tiền 40 triệu đồng vào tài khoản của Chính. Sau khi nhận tổng số tiền 97 triệu đồng do các nhân viên OceanBank chuyển vào tài khoản, Chính đã rút ra để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Quá trình điều tra còn xác định, sau khi thôi làm Kế toán trưởng PVI, Chính chuyển công tác và giữ chức vụ Kế toán trưởng của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam-Vinashin (nay là SIBC). Thời gian này, Chính tham gia thực hiện hành vi chiếm đoạt 105,583 tỷ đồng trong việc OceanBank chi lãi ngoài cho Vinashin.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Quyết định số 18/C46-P11 ngày 31-5-2018 tách rút nội dung này để nhập vào vụ án Nguyễn Ngọc Sự, cựu Chủ tịch HĐTV Vinashin lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Vinashin gửi vào OceanBank để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận và chiếm đoạt 105,583 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất. Hành vi của bị can Nguyễn Ngọc Sự phạm vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đối với nhóm đối tượng từng công tác tại OceanBank liên quan đến việc đưa ra chủ trương và trực tiếp chi tiền lãi ngoài trái quy định của pháp luật cho VPI để Chính chiếm đoạt sử dụng riêng, gồm: Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm, Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thu, Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Thuy Thuỷ, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh Phương và các thuộc cấp đã bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử trong giai đoạn 1 của vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm nên cơ quan điều tra không đề nghị xử lý trong vụ án này.
Đối với các cá nhân là nhân viên OceanBank-Chi nhánh Thăng Long thực hiện việc chi lãi ngoài trái quy định cho Chính nhưng cơ quan điều tra xét thấy, các nhân viên chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Đối với Lê Văn Quý, Kế toán trưởng VPI từ tháng 11-2010 (sau khi Chính chuyển sang làm Kế toán trưởng Vinashin), quá trình điều tra, cựu Phó Giám đốc OceanBank-Chi nhánh Thăng Long Nguyễn Trà My và cán bộ cấp dưới khai, đã trực tiếp chi lãi xuất ngoài hợp đồng cho Quý với số tiền hơn 780 triệu đồng. Tuy nhiên quá trình điều tra, Quý không thừa nhận việc này. Ngày 14-6-2018, Viện KSND tối cao đã có văn bản yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an tách hành vi của Quý để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.
Tại phiên xử, bị cáo chính thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Bị cáo Chính cho biết, trong thời gian bị bắt tạm giam, gia đình bị cáo đã giúp bị cáo khắc phục hậu quả bằng cách tự nguyện nộp trước 60 triệu đồng. Số tiền 35 triệu đồng còn lại, bị cáo Chính xin khắc phục nốt với mong muốn được giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi phân tích về hành vi phạm tội của bị cáo và đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Chính 18 tháng tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 2, Điều 280 BLHS năm 2015.