Cựu Giám đốc ngân hàng gây thất thoát hơn 13 tỷ đồng

Thứ Hai, 27/07/2020, 18:38
Lại Hồng Thái (SN 1980), cựu Giám đốc Ngân hàng Chi nhánh Nguyễn Huệ bị xét xử tại TAND TP Hà Nội vào trung tuần tháng 8 tới do vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.


Thông tin này được HĐXX sơ thẩm vụ án này xác nhận vào chiều 27/7. Phiên tòa xét xử vụ án này dự kiến diễn ra trong 4 ngày.

Cáo trạng xác định, Lại Hồng Thái được Tổng Giám đốc Ngân hàng bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Ngân hàng Chi nhánh Nguyễn Huệ (nay là Ngân hàng Chi nhánh Văn Phú) từ tháng 6/2013 đến tháng 7/2015.

Trong thời gian quản lý, điều hành hoạt động của Chi nhánh Nguyễn Huệ, Thái đã trực tiếp nhận 68 hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng, rồi chỉ đạo nhân viên dưới quyền là Nguyễn Thị Hoàng Yến, Trần Ngọc Hoàng, Trần Thị Hoài và Tưởng Việt Anh lập hồ sơ tín dụng cho khách hàng cá nhân vay vốn dưới hình thức vay tiêu dùng, tài sản thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Điều đáng nói là trong số 68 hồ sơ cấp tín dụng, thì có tới 59 hồ sơ sai phạm.

Khi tiếp nhận hồ sơ, Thái chỉ đạo nhân viên tự lập các tài liệu báo cáo thẩm định, tờ trình thẩm định, hợp đồng khế ước, hợp đồng thể chấp và biên bản thẩm định giá theo biểu mẫu do Thái gửi để đảm bảo hồ sơ đầy đủ thủ tục. Các báo cáo thẩm định giá và biên bản thẩm định giá đều thể hiện, tổ định giả sử dụng phương pháp so sánh để tiến hành thẩm định giá của tài sản bảo đảm.

Để đạt được mục đích, Thái vẫn chỉ đạo Yến, Hoàng, Hoài không cần đi khảo sát thực trạng của tài sản bảo đảm, không cần đi khảo sát giá của các tài sản so sánh mà chỉ dựa vào khung giá đất (Data base) do Ngân hàng quy định để tự đưa ra giá của 3 tài sản so sánh tương tự gần bằng giá do tổ chức tín dụng này quy định và từ đó kết luận giá của tài sản bảo đảm.

Lấy quyền Giám đốc chi nhánh, Thái yêu cầu các nhân viên Yến, Hoài, Hoàng căn cứ vào độ rộng của mặt đường đến tài sản bảo đảm ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khung giá đất tại khu vực có tài sản đảm bảo do Ngân hàng quy định để tự đưa ra mức giá của tài sản bảo đảm phù hợp với số tiền vay vốn của khách hàng, không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm.

Đối với các thông tin về tài sản so sánh, Thái chỉ đạo các nhân viên không cần trực tiếp đi khảo sát để lấy thông tin trên thực tế mà tự đưa ra mức giá của tài sản so sánh sao cho tương tự với giá trị của tài sản bảo đảm. Thế nên kết quả định giá do Thái chỉ đạo đưa ra cao hơn gấp nhiều lần giá trị thực của tài sản bảo đảm.

Quá trình điều tra, Thái không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng căn cứ vào lời khai các nhân viên tại chi nhánh ngân hàng, lời khai của các khách hàng đứng tên vay vốn, chứng thư thẩm định giá và kết quả định giá tài sản đảm bảo của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự… để xác định việc, Thái chỉ đạo các nhân viên dưới quyền nâng khống giá trị tài sản đảm bảo trái với quy định của ngành Ngân hàng. 

Theo kết quả định giá, tổng giá trị 59 tài sản đảm bảo trong 59 hợp đồng tín dụng tại thời điểm cho vay là hơn 7,6 tỷ đồng nhưng Thái đã nâng khống giá trị lên thành hơn 43 tỷ đồng để cho khách hàng không đủ điều kiện vay tổng số tiền 25,7 tỷ đồng. 

Các khách hàng sau khi được giải ngân chi trả tiền gốc, lãi trong thời gian rất ngắn sau đó không thực hiện việc trả nợ gốc và lãi theo kỳ hạn quy định trong hợp đồng, giá trị tài sản đảm bảo không đủ đảm bảo phần vốn vay, làm thiệt hại cho Ngân hàng số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, một số nhân viên Chi nhánh Nguyễn Huệ liên quan đến hành vi sai phạm của Thái và một số khách hàng chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của Thái, chứ họ không được hưởng lợi ích vật chất từ việc đề xuất và giải ngân các hợp đồng cho vay. Do đó cơ quan tố tụng không đề nghị xử lý hình sự đối với các nhân viên này.

Nguyễn Hưng
.
.
.