Chuyện an ninh sau phiên tòa xử vụ đánh bạc nghìn tỷ

Thứ Tư, 05/12/2018, 08:03
Sau hơn 10 ngày xét xử, 5 ngày nghị án phiên tòa với nhiều kỷ lục xét xử 92 bị cáo với 6 nhóm tội danh đã kết thúc. Một trong những yếu tố quan trọng, góp phần làm nên thành công của phiên tòa là sự công khai, dân chủ, đúng với tinh thần cải cách tư pháp là công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại phiên tòa.


Trong suốt quãng thời gian diễn ra phiên tòa, nhiều lượt cán bộ, chiến sỹ của Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp TAND tỉnh và các lực lượng chức năng đã bảo vệ tuyệt đối an toàn phiên tòa.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội xảy ra trên địa bàn cả nước, số lượng đối tượng tham gia phạm tội rất lớn. Thành phần phạm tội chủ yếu trong độ tuổi thanh niên, có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin, viễn thông và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông.

Kết quả điều tra đã xác định trong đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet ngoài đối tượng chủ mưu đã hình thành 25 đại lý cấp 1, 5.877 đại lý cấp 2 và hơn 42.956.718.000 tài khoản dùng để đánh bạc, tương đương khoảng 14 triệu người tham gia đánh bạc. Số lượng tiền thu lợi bất chính đặc biệt lớn 9.853.227.342.109đ.

Đảm bảo an ninh tại phiên tòa.

Bởi vậy, ngay sau khi vụ án được khởi tố điều tra, Ban giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đã giao nhiệm vụ cho Cơ quan thi hành án hình sự, trong đó có Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Phú Thọ chủ động xây dựng kế hoạch và phương án đảm bảo an ninh trật tự.

Ngoài 7 bị can bị tạm giam vào thời điểm đó, số đối tượng tại ngoại ở bên ngoài cũng rất lớn, lên tới 85 bị can; sinh sống trải dài trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Làm thế nào để các bị can có mặt tại phiên tòa đầy đủ, đảm bảo phiên tòa diễn ra... 

Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã tham mưu cho Ban giám đốc Công an tỉnh xin chủ trương và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, yêu cầu các đơn vị có đối tượng tại ngoại cư trú; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý đối tượng. Chính vì thế, trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, 85 bị cáo được tại ngoại đều có mặt theo giấy triệu tập của tòa; đảm bảo đúng thời gian để phiên tòa diễn ra theo kế hoạch.

Đối với 7 bị can tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh phối hợp với Trại tạm giam và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng và chăm sóc sức khỏe đảm bảo các bị can có thể tham dự phiên tòa. 

Bên cạnh đó, trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, đơn vị đã phối hợp với Công an TP Việt Trì; Công an huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đảm bảo an toàn ở trong và ngoài khu vực diễn ra phiên tòa. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phùng Đức Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Các bị can bị tạm giam đều có vấn đề về sức khỏe, mắc các bệnh tiền sử như huyết áp cao, tim mạch... máu nhiễm mỡ, vì thế việc chăm sóc sức khỏe rất vất vả. Trước thời điểm phiên tòa diễn ra, có lúc cán bộ của các đơn vị phải ăn trực, nằm chờ hàng tháng trời tại các bệnh viện.

Đại tá Phùng Đức Quang tiếp lời: Khi vụ án đưa ra xét xử, việc trích xuất và dẫn giải các đối tượng cũng không dễ dàng. Chặng đường từ nơi bị giam giữ tới khu vực xét xử trải dài trên 20km đường quanh co, khó đi.

Trong khi đó, trải qua mỗi một phiên xét xử, tâm lý của các bị can cũng diễn biến bất thường... Cán bộ của Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp vừa phải đảm bảo an toàn cho họ trong suốt quá trình dẫn giải còn phải thường xuyên nắm bắt tâm tư; quản lý để họ không có tư tưởng tiêu cực, tự gây thương tích cho bản thân hoặc mang theo các vật cấm vào trại tạm giam.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, có đồng chí mẹ chồng không may qua đời cũng chẳng được chịu tang một cách trọn vẹn; có người vợ vừa sinh con được không lâu nhưng cũng gác lại việc riêng, tất cả đều hăng say với công việc. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Trần Thu Huyền, Đội phó Đội Hướng dẫn thi hành án hình sự và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, Tổ trưởng tổ áp giải bị cáo Đoàn Thị Thu Hà cho biết: Hà mang trên người nhiều căn bệnh trọng, ngoài huyết áp, còn là bệnh u tuyến giáp...

Trước khi phiên tòa diễn ra, chị phối hợp với cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ thường xuyên kiểm tra sức khỏe của phạm nhân Hà. Những câu thăm hỏi, động viên vào thời điểm đó giúp Hà tĩnh tâm hơn.

Bị can tự nhận thấy lỗi lầm của bản thân... Điều đó đã minh chứng rằng, trong suốt quá trình xét xử, Hà đều thành khẩn nhận tội. Có một câu chuyện cảm động là trước thời điểm diễn ra phiên tòa vài ngày, mẹ chồng của Trần Thu Huyền không may qua đời. Với trách nhiệm của người làm vợ, chị phải làm trọn phận làm dâu nhưng gác lại việc riêng, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những ngày đó, Huyền rời nhà từ lúc tờ mờ sáng rồi lại trở về nhà khi đã tối nhọ mặt người. Trước khi đi, chị chỉ kịp thắp hương cho mẹ chồng rồi nhờ chồng chu toàn việc nhà để yên tâm công tác.

Với Đại úy Đinh Ngọc Tuấn, được giao nhiệm vụ áp giải Nguyễn Văn Dương, bị cáo cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng thì áp lực công việc cũng không kém phần nặng nề. Trong quá trình tiếp xúc, Đại úy Đinh Ngọc Tuấn đã khéo léo tâm sự để Dương chia sẻ tâm tư của mình. Khi chủ tọa phiên tòa thẩm vấn các bị can, Dương cảm thấy ân hận trước hậu quả gây ra...

Dương đã chia sẻ với Đại úy Đinh Ngọc Tuấn về nỗi nhớ nhà. Mỗi khi có người thân trong gia đình vào thăm gặp, Dương không dám mở ảnh ra xem vì sợ sẽ không giấu được nỗi nhớ.

Còn với Đại tá Phùng Đức Quang và các đồng nghiệp thì một ngày trôi qua họ lại thở phào nhẹ nhõm vì mọi thứ đã an toàn nhưng trong lòng lại canh cánh nỗi lo của hôm sau... Với trách nhiệm được giao, anh thường xuyên quán triệt cán bộ, chiến sỹ chấp hành đúng các quy định tại phiên tòa, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Với tình hình ANTT được đảm bảo, hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa khoa học, dân chủ, bên cạnh đó còn đưa ra các kiến nghị để các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án và hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như công tác quản lý về công nghệ thông tin, viễn thông. Đến thời điểm này, các bị cáo đều nhận rõ tội lỗi đã gây ra.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, đây là vụ  án có số lượng bị cáo rất đông. Để đảm bảo công tác xét xử vụ án, ngay từ giai đoạn sau khi khởi tố vụ án, Tòa đã lựa chọn, bố trí các thẩm phán đủ năng lực, trình độ, phẩm chất để trực tiếp làm việc với cơ quan điều tra, nắm bắt từ giai đoạn đầu, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để hiểu các vấn đề, tội danh liên quan đến vụ án. Qua đó giúp công tác tố tụng, xét xử được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo các quy định.

Qua 12 ngày xét xử những diễn biến tại phiên tòa đã khẳng định những nỗ lực của lực lượng Công an và Tòa án để có một phiên tòa công khai, dân chủ, đúng với tinh thần cải cách tư pháp. Trong quá trình xét xử, các bị cáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Hội đồng xét xử độc lập, luận tội, tuyên phạt căn cứ theo các chứng cứ, hồ sơ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt để áp dụng đúng theo các quy định của pháp luật. Từ đó có những phán quyết tương xứng với hành vi và hậu quả do các bị cáo gây ra.

X.Mai – N.Hưng
.
.
.