Cần xử lý hình sự những kẻ cố tình chiếm nhà

Thứ Năm, 15/03/2012, 15:07
Dụ dỗ người có nhu cầu vay vốn bằng lời lẽ có cánh, cài bẫy họ bằng thủ đoạn tinh vi cùng khả năng biết vận dụng pháp luật để thu lợi... đúng luật,  đã có những đối tượng "ôm" cả chục cuốn "sổ đỏ" của người dân và cả công chứng viên "hỗ trợ" việc phạm tội nhưng đã bị xét xử nghiêm minh theo pháp luật.
>> Cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi phạm pháp

Trước khi Nguyễn Thu Hợp, trú tại phường Thụy Khuê, quận Ba Đình, Hà Nội bị tuyên án tù chung thân, rất nhiều nạn nhân của chị này đến Báo CAND tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hợp đã cùng với Phạm Tuấn Anh, Vũ Thị Minh Hòa, Nguyễn Thị Hồng Hạnh thành lập 3 công ty chuyên làm các dịch vụ tín dụng như vay vốn, đáo hạn ngân hàng...

Nạn nhân của Hợp là những người có tài sản thế chấp nhưng không tiếp cận được ngân hàng. Bằng thủ đoạn thế chấp "sổ đỏ" để Hợp dùng pháp nhân là 3 công ty của mình để vay vốn ngân hàng, nhiều người dân đã tin tưởng gửi gắm khiến cho số lượng "sổ đỏ" vào tay chị ta lên tới 54 sổ.

Nhờ "sổ đỏ" của người dân mà các công ty của Hợp có tài sản để thế chấp vay ngân hàng nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, cách làm này không thể áp dụng khi ngân hàng thắt chặt hoạt động cho vay thế chấp. Thế là Hợp chuyển sang "cắm" "sổ đỏ" cho đối tượng hoạt động "tín dụng đen" hoặc bán thẳng luôn nhà đất của người đã tin tưởng giao cả gia tài của mình.

Hoạt động phạm tội của đối tượng này bộc lộ và được cơ quan Công an làm rõ việc họ lợi dụng sự tin tưởng của người dân khi ký kết các "Hợp đồng ủy quyền", "Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất" để rồi đem bán cho người khác. Điều này còn thể hiện rõ khi số đối tượng này giả mạo chữ ký của chủ sở hữu nhà đất khi làm công chứng. Cơ quan Công an cũng làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên Hoàng Văn Sự, Phòng Công chứng số 5, Hà Nội.

Căn nhà 132 bị khóa cửa, gia đình anh Hồng không thể vào trong.

Việc Nguyễn Thu Hợp bị xử phạt tù với mức án tù chung thân  và công chứng viên Hoàng Văn Sự bị xử phạt 42 tháng tù giam thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật. Qua vụ việc này cũng thấy rõ sự "cao tay" của  số đối tượng phạm pháp và sự tắc trách của người làm công tác công chứng.

Ngoài ra, đây còn là lời cảnh báo đối với những người dân khi tìm đến hoạt động tín dụng bất hợp pháp để vay vốn bởi nguy cơ mất nhà đất rất lớn khi gửi gắm quyền sở hữu cho đối tượng này.

Theo dõi diễn tiến vụ án Nguyễn Thu Hợp "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" từ những ngày đầu, khi người dân đến Báo CAND tố cáo, chúng tôi thấy việc củng cố tài liệu, chứng cứ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giữ số đối tượng vi phạm pháp luật này rất dày công và diễn ra trong một thời gian dài.

Sau hơn một năm hoàn thành giai đoạn điều tra, truy tố, cuối năm 2011, vụ án này đã được đưa ra xét xử. Điều này cũng cho thấy, tính phức tạp cũng như công phu của cơ quan điều tra khi củng cố chứng cứ, tài liệu để xử lý hình sự các đối tượng. Trước đó, năm 2009, Văn phòng CSĐT, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố Trần Thị Thúy Ngọc, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" cũng với hình thức có liên quan đến "sổ đỏ".

Đồng chí Tiến, Đội trưởng Đội Điều tra thẩm định, Văn phòng CSĐT, Công an TP Hà Nội cho biết, thường những vụ án liên quan đến ủy quyền, sang nhượng nhà đất được các đối tượng thực hiện rất bài bản, đúng pháp luật.

Có những vụ việc ban đầu tưởng có căn cứ xử lý hình sự nhưng sau quá trình điều tra, thu thập chứng cứ buộc phải hướng dẫn người dân gửi đơn ra tòa dân sự để giải quyết. Đối với vụ án Trần Thị Thúy Ngọc, để khởi tố vụ án, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi giả mạo chữ ký để làm "Hợp đồng ủy quyền" cho Ngọc được quyền sử dụng, chuyển nhượng đất của anh Trần Ngọc Tuyên sau khi anh "đặt" "sổ đỏ" nhờ Ngọc vay tiền ngân hàng giúp.

Anh Nguyễn Hoàng Đức, ở quận Tây Hồ, Hà Nội cũng trở thành nạn nhân của Ngọc sau khi đem "sổ đỏ" thế chấp cho chị này để vay tiền và bị giả mạo chữ ký để làm "Hợp đồng mua bán nhà ở". Sau khi hoàn tất việc mua bán giả mạo, Ngọc còn sang tên "sổ đỏ" là tài sản của công ty do chị ta làm giám đốc.

Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi gặp gỡ điều tra viên, thẩm phán, luật sư... để tìm câu trả lời: làm thế nào để ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen"; cách người dân phòng tránh và cả việc giải quyết hậu quả khi xảy ra sự việc một cách đúng người, đúng tội.

Ý kiến đa số chúng tôi nhận được là, chủ tài sản đã đặt bút ký vào các hợp đồng giao dịch dân sự liên quan đến tài sản rất chặt chẽ và đúng pháp luật nên khi giải quyết, phần thua thiệt thường rơi vào người dân. Để không rơi vào cảnh "tình ngay lý gian", cách phòng tránh tốt nhất là không hám lợi, biết rõ quyền lợi và nghĩa vụ đối với tài sản của mình.

Trước tình trạng các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu nhà đất có yếu tố ủy quyền, chuyển nhượng nhà đất ngày càng nhiều và tính chất phức tạp hơn, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phân định tính chất các vụ việc và xử lý nghiêm những đối tượng phạm pháp, đảm bảo ổn định xã hội.

Đường dây nóng Báo CAND ngày 14/3 nhận được phản ánh, gần 20 hộ dân ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đang rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười" sau khi đưa "sổ đỏ" cho một công ty nhờ vay tiền ngân hàng. Công ty này đã vay số tiền lớn hơn nhiều lần yêu cầu của người dân rồi chiếm giữ và không trả nợ ngân hàng khi đến hạn. Hiện tại, có 2 trong số các hộ dân này đã bị ngân hàng phát mại nhà đất để thu nợ.

Đề nghị cơ quan pháp luật làm rõ vụ "một gia đình bị chiếm nhà"

Trong khi đăng tải loạt bài viết "Chiêu "chiếm nhà" của "tín dụng đen", "cò" tín dụng", chúng tôi tiếp tục nhận được đơn kêu cứu của anh Dương Phương Hồng, trú tại phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, phản ánh cho biết, bắt đầu từ lúc 16h ngày 3/3 một số người mặt mày hung tợn mang theo giường đến nhà anh đòi chiếm nhà và kê giường. Họ cho biết, ngôi nhà này đã được bán. Là một trong số những người đồng sở hữu căn nhà trên, anh Hồng chưa từng ký kết vào bất kỳ loại giấy mua bán nhà nào.

Cũng theo anh Hồng, anh Dương Mai Phương, anh trai anh và cũng là một trong những người đồng sở hữu căn nhà trên từng vay 2 tỷ đồng của một người tên là Phạm Quốc Hùng, trú ở phố Yên Phụ bằng cách cầm cố căn nhà trên. Thực tế, căn nhà này có giá 15 tỷ đồng nhưng họ đã lừa mẹ anh - bà Mai Thị Nhung ký giấy công chứng việc mua bán nhà nhằm chiếm đoạt tài sản của gia đình anh. Hiện nay, họ đã sang tên "sổ đỏ" cho người có tên Phạm Quốc Hùng.

Trong "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất' được lập ngày 11/5/2001 do Văn phòng công chứng Nguyễn Tú thực hiện có điều khoản: Bên A (bà Mai Thị Nhung) đồng ý chuyển nhượng cho bên B (ông Phạm Quốc Hùng) quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (số 10 lô B, Kim Ngưu (còn có tên khác là 132 Kim Ngưu)); Bên B có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất, đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng pháp luật; giá chuyển nhượng 2 tỷ đồng...

Anh Hồng cho rằng, hợp đồng mua bán này không hợp lệ. Bằng chứng anh đưa ra là, đây là tài sản của bố mẹ anh. Hiện tại, bố anh đã mất. Theo quy định của pháp luật, mẹ anh và những người con của bà là hàng thừa kế thứ nhất được thừa kế phần tài sản là nhà và đất của bố anh để lại. Việc hợp đồng mua bán chỉ có sự ký kết của mẹ anh - một trong những đồng sở hữu ngôi nhà, thửa đất nêu trên là trái pháp luật.

Hiện nay, anh và các đồng sở hữu tài sản trên đã gửi đơn khởi kiện đến TAND quận Hai Bà Trưng, kiện ông Phạm Quốc Hùng về việc mua bán, sang tên trái phép "sổ đỏ" ngôi nhà của gia đình anh. Trong khi gia đình anh đang chờ tòa án phân xử vụ tranh chấp thì một số người đã đến ngôi nhà ở phố Kim Ngưu phá cửa; kê giường ngủ vào nhà anh; khóa cửa không cho gia đình anh vào nhà...

Phản ánh vụ việc trên của anh Dương Phương Hồng là một phía. Báo CAND chưa đưa ra kết luận chính thức của vụ việc trên. Với chức năng của cơ quan báo chí, chúng tôi đề nghị, các cơ quan pháp luật cần sớm làm rõ hành vi xâm phạm chỗ ở trên đối với những người đang cố tình chiếm nhà.

Cao Hồng
.
.
.