Cạm bẫy giới thiệu việc làm từ cò xe ôm

Thứ Sáu, 04/03/2016, 08:15
Từ thông tin về em Lộc bị bán cho quán phở, chính quyền địa phương đã lập tức vào cuộc cùng với Công an quận 2, phát hiện có tất cả 5 em đang làm việc dưới 18 tuổi và cho rằng tự bỏ nhà đi, được những người chạy xe ôm đưa đến quán phở Lý Quốc Sư...

Ngày 25-1, Công an phường Tân Phú, quận 9, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận một thiếu niên khoảng 14, 15 tuổi từ anh dân phòng phường Hiệp Phú đưa đến. Từ lời kể của em Nguyễn Hà Xuân Lộc, Công an quận 2, UBND quận 2 và phường Bình An đã phối hợp với các cơ quan chức năng khác nhanh chóng vào cuộc, giải cứu thành công thêm 5 thiếu niên khác trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi đang làm việc cho quán phở trên địa bàn.

Sau đó, 2 em đã được gia đình đón về, còn 3 em được UBND quận 2 gửi đến học nghề tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên TP Hồ Chí Minh. Đáng lưu ý, trong vụ việc này cơ quan Công an đã phát hiện loại bột hóa chất trong quán phở nghi dùng để tẩy trắng thịt.

Trung tá Nguyễn Minh Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 2, cho biết: Ngay khi báo chí thông tin, Công an quận 2 đã tiến hành kiểm tra hành chính quán phở Lý Quốc Sư. Qua đó xác định, chủ quán tên Nguyễn Văn Vịnh (33 tuổi), còn trên giấy phép hoạt động kinh doanh thực tế mang tên Nguyễn Thị T. (34 tuổi, quê quán Thái Bình, vợ Vịnh). Tiếp đó, chúng tôi mời chủ quán, các nhân viên và em nhỏ về trụ sở cơ quan Công an để lấy lời khai.

Tại cơ quan điều tra, Vịnh khai nhận có thuê Phạm Hồng Khanh, Lê Việt Thắng, Trương Văn Chung (có mối quan hệ cậu vợ, cháu ruột và người cùng quê với Vịnh) làm việc. Hằng ngày, cả ba người này đi giao thịt cho các quán phở khác. Đồng thời, họ có nhiệm vụ canh giữ, trông coi quán phở cho vợ chồng Vịnh. 

Ngoài ra, 5 nhân viên phục vụ “nhí” cũng được Vịnh thỏa thuận miệng làm việc với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng và không có hợp đồng lao động, gồm: N.H.K. (18 tuổi, ngụ quận 2), B.C.N. (16 tuổi, quê Tây Ninh), V.Q.H. (16 tuổi, quê Cà Mau), N.Đ.A. (15 tuổi, quê Nghệ An) và P.V.T. (15 tuổi, quê Bình Thuận). Còn Lộc đã bỏ trốn. 

Quán phở Lý Quốc Sư nơi “giam lỏng” nhiều lao động nhí.

Các em khai nhận, trong thời gian làm việc N., H., T., A. có nghe nói về việc sẽ bị đánh nếu làm việc không tốt. Tháng 11-2015, N. rủ T., A. và Phúc bỏ trốn. Tuy nhiên, chỉ có Phúc và T., A. bỏ trốn rồi bị quản lý bắt lại đưa ra phía sau đánh, ép buộc tiếp tục làm việc.

Ngày 19-2, 2 em N.H.K. và V.Q.H. đã được cơ quan Công an liên hệ với gia đình đón về nhà. Còn 3 em là B.C.N., N.Đ.A. và P.V.T. do không liên hệ được với gia đình nên đã được chuyển đến Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên TP Hồ Chí Minh để được đào tạo, dạy nghề.

Trung tá Khương Sỹ Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận 2, xác nhận: “Trong buổi kiểm tra hành chính, chúng tôi còn phát hiện quán phở Lý Quốc Sư mắc nhiều sai phạm khác. Cụ thể như, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đã hết hạn; nhân viên không được tập huấn về an toàn thực phẩm đầy đủ; nhân viên chế biến thức ăn không mặc bảo hộ lao động; rác thải không được thu dọn, nơi để rác thải, chất ăn thừa không có nắp đậy; nguyên liệu chế biến không có nguồn gốc, chứng từ, không có kiểm dịch...”.

“Riêng về nguyên liệu chế biến 440,5kg thịt bò, xương bò và thịt gà không có nguồn gốc, xuất xứ cũng như không có kiểm dịch. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 9,5kg chất bột màu trắng mà chủ quán khai nhận dùng để tẩy trắng thịt. Tại thời điểm kiểm tra, sau khi xét nghiệm, chúng tôi chưa phát hiện hóa chất tẩy trắng có trong số thịt trên. Ngay sau đó, toàn bộ nguyên liệu thịt đã được bàn giao cho Trạm Thú y quận 2 tiến hành tiêu hủy. Thấy sự việc “căng thẳng”, chủ quán đã vội vàng xin được đóng tiền tạm ứng cho Trạm Thú y tiêu hủy(?). Bởi lẽ, nếu để kiểm nghiệm ra thì sẽ phải tốn nhiều chi phí, cộng thêm những khoản phạt khác sẽ nặng nề hơn. Về phía cơ quan Công an, chúng tôi đang tiến hành tổng hợp tài liệu, chứng cứ để kiến nghị xử phạt cơ sở này với vi phạm sử dụng các nguyên liệu không rõ ràng theo Nghị định 178 quy định về an toàn thực phẩm”, Trung tá Kiên nhấn mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hồng Nguyệt, Chủ tịch UBND phường Bình An cũng cho biết: Từ thông tin về em Lộc bị bán cho quán phở, chính quyền địa phương đã lập tức vào cuộc cùng với Công an quận 2. Qua ghi nhận, tất cả 5 em đang làm việc dưới 18 tuổi và cho rằng tự bỏ nhà đi, được những người chạy xe ôm đưa đến quán phở Lý Quốc Sư. 

Còn chủ quán khai nhận đã thỏa thuận trả lương 2,5 triệu đồng/tháng cho các em và sẽ trả tiền khi nào các em về quê (làm đúng 1 năm) hoặc nghỉ việc thì mới được nhận tiền công. Thời gian làm việc được chia làm 2 ca, một người làm việc 12 giờ đồng hồ/ngày.

Nói về sai phạm này, Trung tá Nguyễn Minh Sơn thông tin tiếp: “Chủ quán khai nhận có đánh các cháu, tuy nhiên chỉ thừa nhận có đánh khi các cháu tự ý bỏ đi chơi. Lý do mà Vịnh nêu ra rằng sợ các cháu còn nhỏ, ham chơi, bỏ đi phá phách, ảnh hưởng đến uy tín của quán. Vịnh cũng không cho các cháu dùng điện thoại hoặc đi ra ngoài. Phát hiện cháu nào bỏ trốn đến khu vực bến xe, Vịnh cùng 3 người làm tìm được, đưa về và chỉ đánh vài bạt tai. Hiện, Công an quận 2 đang làm rõ hành vi của chủ quán phở này có phạm tội bắt giữ người trái pháp luật hay không để có căn cứ xử lý hình sự. Đồng thời, trinh sát đang truy tìm 2 người xe ôm tại Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây đã chở các cháu đến giao cho quán phở”.

Cũng theo Trung tá Sơn, Cơ quan điều tra đã thu hồi 84,5 triệu đồng từ chủ quán phở Lý Quốc Sư là số tiền công lao động của 5 thiếu niên. Một phần tiền công lao động của 2 em được gia đình đón về cũng đã được bàn giao cho gia đình các em. Còn phần tiền của 3 em khác, phía Công an cũng đang liên hệ với người thân, nơi mà các em mong muốn được về rồi bàn giao lại cho gia đình quản lý.

Đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình nêu quan điểm: Riêng về vụ việc em Lộc bị quán phở Lý Quốc Sư bắt và buộc làm việc trái quy định pháp luật thì chủ quán phở đã có dấu hiệu vi phạm hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 123 được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009.

Nếu xác định được chủ quán phở có hành vi hành hạ các nhân viên khác thì có thể còn bị truy tố về hành vi hành hạ người khác được quy định tại Điều 110 của Bộ luật này. Ngoài ra, cần xem xét hành vi cụ thể của từng cá nhân, để xem xét xử lý những người chạy xe ôm có là đồng phạm trong vụ án trên hay không. Vì họ đã trực tiếp đưa em Lộc và các em khác tới quán làm việc.

Cũng cần khẳng định thêm, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, chứ không phải là quan hệ lao động bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động. Bởi lẽ, các em đều chưa đủ 18 tuổi, chưa được ký hợp đồng lao động mà bị bắt, ép buộc làm việc.


Đ.Mừng - T.Hùng
.
.
.