Điểm mặt những chiêu trò lừa đảo qua facebook

Thứ Hai, 07/05/2018, 08:06
Lợi dụng hình thức liên lạc chủ yếu với người thân ở nước ngoài là qua facebook, các đối tượng đã hack nick của những người hiện đang lao động ở nước ngoài, nghiên cứu cách nói chuyện của họ rồi nhắn tin vào tài khoản của người nhà rằng đang cần gấp một số tiền và nhờ người nhà chuyển tiền vào một tài khoản do đối tượng cung cấp...


Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên, thời gian gần đây, đơn vị đã nhận được đơn trình báo của các nạn nhân về việc bị các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn trong đó có việc lợi dụng mạng Internet để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn. Mặc dù những hình thức lừa đảo này không mới, đã được báo chí phản ánh, nhưng vẫn có nhiều người cả tin, rơi vào bẫy của các đối tượng...

Trường hợp xảy ra gần đây nhất là của chị D (địa chỉ ở thành phố Hưng Yên). Chị D cho biết, thông qua facebook chị đã kết bạn, làm quen và chuyện trò với một người bạn nước ngoài, có địa chỉ facebook là Samuel Darko, tự xưng là lính Mỹ đang tham chiến tại chiến trường Trung Đông.

Sau một thời gian tâm sự, chuyện trò, chị D được Darko bày tỏ tình cảm, thổ lộ mong muốn về Việt Nam để kết hôn với chị và sẽ đầu tư tiền về Việt Nam cho chị. Để tạo lòng tin,  Darko nói đã gửi về cho chị quà và số tiền 2,5 triệu USD để chị giữ và kinh doanh, thông báo khoảng một tuần nữa quà sẽ được chuyển về Việt Nam.

Sau đó khoảng chục ngày, có hai phụ nữ người Việt Nam gọi điện thoại cho chị D xưng là nhân viên hải quan sân bay Tây Sơn Nhất rồi thông báo rằng có kiện hàng từ nước ngoài gửi về cho chị D với nhiều đồ vật có giá trị và một lượng tiền mặt lớn, lên đến hàng triệu USD.

Địa chỉ facebook mà đối tượng sử dụng để lừa chị D.

Tuy nhiên, muốn nhận quà và tiền, chị phải nộp một khoản tiền gồm chi phí vận chuyển và thuế hải quan. Tin lời, trong vòng 20 ngày, chị D đã 5 lần chuyển tiền với tổng số tiền lên đến hơn 1,9 tỷ đồng qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau do hai "nhân viên hải quan" cung cấp. Nhưng chờ nhiều ngày không thấy quà và tiền của bạn gửi về, cũng không liên lạc được với người bạn nước ngoài, chị D mới biết mình bị lừa nên mới đến cơ quan Công an trình báo.

Một thủ đoạn lừa đảo khác mặc dù số tiền bị lừa không lớn như của chị D nhưng lại xảy ra phổ biến hơn, đã có nhiều nạn nhân bị mắc bẫy. Nạn nhân mà các đối tượng hướng đến là những người có người thân ruột thịt đang lao động ở nước ngoài.

Lợi dụng hình thức liên lạc chủ yếu với người thân ở nước ngoài là qua facebook, các đối tượng đã hack nick của những người hiện đang lao động ở nước ngoài, nghiên cứu cách nói chuyện của họ rồi nhắn tin vào tài khoản của người nhà rằng đang cần gấp một số tiền và nhờ người nhà chuyển tiền vào một tài khoản do đối tượng cung cấp.

Tinh vi hơn, các đối tượng tiếp tục hack facebook của một người khác để nhờ bạn bè, người thân mở hộ một tài khoản ngân hàng nhưng đăng ký giao dịch theo số điện thoại do đối tượng cung cấp. Sau khi có tài khoản, các đối tượng sẽ yêu cầu người nhà của người đang lao động ở nước ngoài chuyển tiền vào tài khoản đó rồi sử dụng các dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking để rút tiền.

Số tiền các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt chỉ dao động từ 25 đến 30 triệu đồng cho phù hợp với các lý do các đối tượng đưa ra như mua hàng gửi về, gia hạn visa... Điều đặc biệt là các đối tượng đã nghiên cứu rất kỹ cách nói chuyện trên facebook giữa nạn nhân với người nhà nên đã bắt chước cách nói chuyện, khiến người nhà không hề nghi ngờ.

Bên cạnh đó, để tránh bị phát hiện, việc lừa đảo của các đối tượng chỉ được thực hiện trong ngày, khi người nhà của các nạn nhân vẫn đang trong thời gian làm việc, không thể trực tiếp nói chuyện qua facebook với mọi người. Nếu có người sử dụng ứng dụng messenger của facebook để gọi lại cho người nhà xác minh, các đối tượng sẽ nhắn tin lại rằng sóng yếu, đang làm không thể nghe máy, đang bận... để từ chối nói chuyện, cứ chuyển tiền như yêu cầu.

Tin nhắn lừa đảo của các đối tượng Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo qua mạng xã hội

Từ những sự việc trên, có thể thấy, hiện nay, tình trạng lừa đảo dưới hình thức công nghệ cao đang diễn ra khá phổ biến. Các đối tượng sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi để đánh lừa các nạn nhân và thường xuyên thay đổi phương thức lừa đảo. Đa số các đối tượng đều sử dụng những tài khoản ảo, tài khoản đã bị hack, sim rác để liên lạc với nạn nhân nên gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ.

Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên đang tích cực xác minh, làm rõ các vụ án. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, đề nghị người dân hết sức cảnh giác, không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào những thông tin trên mạng xã hội, cần xác minh kỹ thông tin trước khi chuyển tiền theo những yêu cầu qua mạng. Để phục vụ công tác điều tra, đề nghị những ai là nạn nhân trong những trường hợp tương tự như trên, đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên để trình báo.

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo qua mạng xã hội

Thời gian gần đây, Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai liên tục nhận được trình báo của một số người dân bị kẻ gian lợi dụng mối quan hệ trên mạng xã hội như facebook, zalo… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trình báo với cơ quan công an, bà H, 57 tuổi, ngụ phường Tân Biên cho biết, bà có người bạn học từ nhỏ cùng trường quê tỉnh Nam Định tên Lưu Chính Nghĩa. 

Ông Nghĩa hiện đang làm việc tại Angola và bà H thường xuyên liên lạc với nhau qua messenger. Gần đây có người xưng tên Nghĩa gọi điện cho bà H qua mạng messenger, sau đó nói là mạng yếu và yêu cầu nhắn tin qua lại. 

Ngay sau đó Nghĩa đã nhắn tin cho bà H rủ làm ăn bằng hình thức mua card điện thoại gửi cho anh ta bán lại cho khách bên đó chơi game sau đó anh ta sẽ gửi tiền lại vào tài khoản của bà H. Vì tin tưởng nên bà H không chút nghi ngờ và làm theo, chỉ trong 2 ngày sau đó, bà đã mua 106 thẻ card Mobiphone và Viettel trị giá 85 triệu đồng rồi chụp seri gửi cho Nghĩa.

Để tạo lòng tin, Nghĩa cũng đã chụp hóa đơn gửi tiền cho bà. Kẻ lừa đảo còn ranh mãnh yêu cầu bà H đốt hết các thẻ card đã mua và quay video gửi sang để tạo lòng tin cho khách hàng nên bà H đã làm theo. Tên Nghĩa còn yêu cầu bà xóa các tin nhắn gửi thẻ card qua lại, lúc này bà H nghi ngờ nên không xóa tin nhắn trên messenger và kiểm tra tài khoản của mình thì không thấy Nghĩa chuyển tiền vào; các hóa đơn chuyển tiền Nghĩa gửi đều là giả.

Thượng úy Võ Thế Tiến, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Biên Hòa thụ lý hồ sơ vụ việc này cho biết, dù có quan hệ từ trước nhưng không phải dễ dàng gì mà nạn nhân có thể chuyển số tiền lớn như vậy. 

Thủ đoạn của bọn tội phạm rất tinh vi. Khi lấy được quyền sử dụng tài khoản facebook của nạn nhân, bọn chúng sẽ nghiên cứu mối quan hệ, cách nói chuyện của hai người qua những tin nhắn trò chuyện trước đó. Khi trao đổi, các đối tượng sử dụng giọng điệu, cách thức nhắn tin giống như người kia nên nạn nhân không thể ngờ được là mình đang bị lừa.

Mai Phương
Phương Huyền
.
.
.