Bài học đắt giá từ những vụ vỡ nợ ở một vùng quê
Ông Nguyễn Thanh Phượng, Phó Chủ tịch xã Nghĩa Thuận tuyên bố mất khả năng chi trả hơn 8 tỷ đồng đã vay mượn của người dân để kinh doanh, thì mới đây nhiều người dân địa phương tố cáo bà Nguyễn Thị Lợi vừa tuyên bố vỡ nợ hàng chục tỷ đồng. Không ít người dân cả đời chắt chiu, không dám ăn, chả dám mặc gom góp tiền cho vay để rồi giờ trắng tay.
“Làm nhà to, đi xe xịn” để vay tiền rồi tuyên bố vỡ nợ
Hàng ngày chứng kiến Nguyễn Thị Lợi (55 tuổi), trú khối Tân Tiến, phường Hòa Hiếu, Thị xã Thái Hòa lượn lờ trên chiếc xe ôtô đắt tiền quanh thị xã phố núi, nhiều người dân nhìn ngắm chỉ trỏ xuýt xoa “đời như chị Lợi là sướng, có nhà lầu, ôtô đắt tiền, chẳng thiếu cái gì”. Mỗi lần nghe ai đó khen, Lợi cũng giả vờ khiêm tốn rằng chị ta cũng nhờ may mắn buôn đâu trúng đó, rồi Lợi cười tỏ ý thâm tình lắm với người đối diện. Khi biết “con mồi” đã cắn câu, Lợi mới giở bài cần huy động vốn để làm ăn và trả lãi suất cao.
Với chiêu thức cũ rích như vậy của Lợi nhưng rồi hiện chị Nguyễn Thị Hải, trú khối Tân Tiến, phường Hòa Hiếu ở Thị xã Thái Hòa đã phải bán nhà, chị Trương Thị Thanh Tâm chuẩn bị phải bàn giao nhà cho ngân hàng vì lỡ vay tiền để đưa cho Lợi. Gạt nước mắt, chị Nguyễn Thị Hải cho biết, ban đầu Nguyễn Thị Lợi vay một ít và trả rất đúng hạn cả gốc và lãi, nên chị Hải cầm cố nhà cửa của mình và tiếp tục vay bạn bè, người thân để đưa cho Lợi hơn 1,3 tỷ đồng. Chị Hồ Thị Thanh, trú phường Hòa Hiếu, người đã đưa cho Lợi vay 400 triệu đồng than thở “Nhìn bà ấy có nhà lầu, xe hơi, con cái lại thành đạt, ai ngờ bà ấy lại như vậy. Bây giờ chúng tôi lấy đâu tiền mà trả nợ ngân hàng”.
Dính vào tín dụng đen, nhiều người dân ở thị xã Thái Hòa trở nên trắng tay. |
Khác với Nguyễn Thị Lợi dùng nhà lầu, xe xịn cố ra mình giàu để dễ vay tiền thì vợ chồng bà Trần Thị Xuân (52 tuổi), trú xã Nghĩa Thuận, Thị xã Thái Hòa, Nghệ An lại dựa hơi chồng mình là Nguyễn Thanh Phượng Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận để “vay tiền làm ăn”. Anh Trần Sỹ Thiệp, trú xóm 7B, xã Nghĩa Thuận cho biết, là chỗ người làng, lại quen biết hàng chục năm nay nên khi vợ chồng ông Phượng ngỏ ý vay tiền anh đã cho vay 200 triệu đồng. Hàng tháng anh đều nhận được tiền lãi đầy đủ, nhưng đến khi vợ chồng Phượng vay lên đến 530 triệu đồng thì bà Xuân, ông Phượng bắt đầu thất hứa việc trả nợ. Không khác gì anh Thiệp, ở xã Nghĩa Thuận nhỏ bé này, vợ chồng Phượng, Xuân đã vay mượn của rất nhiều người với số tiền lên đến gần 10 tỷ đồng như: bà Bùi Thị Thanh cho vay 290 triệu; bà Ngô Thị Hương cho vay 420 triệu; bà Nguyễn Thị Lan cho vay số tiền 105 triệu…
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Dương Đình Văn-Trưởng Công an Thị xã Thái Hòa cho biết, đơn vị đã nhận được đơn của một số cá nhân tố cáo bà Nguyễn Thị Lợi cũng như vợ chồng ông Nguyễn Thanh Phượng vay tiền rồi không chịu trả và tuyên bố vỡ nợ. Hiện cơ quan Công an đang vào cuộc điều tra, làm rõ và có hướng xử lý theo đúng khuôn khổ pháp luật quy định. Đối với trường hợp ông Nguyễn Thanh Phượng, là Phó Chủ tịch xã đi vay nợ hơn 8 tỷ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ, ông Vũ Hiếu Lợi, Bí thư Đảng ủy xã và ông Võ Sĩ Thông, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết, Đảng ủy xã đã tổ chức nhiều cuộc họp đề nghị vợ chồng ông Phượng phải có trách nhiệm trả nợ cho những người vợ chồng họ đã vay mượn. Đồng thời Đảng ủy xã cũng đã báo cáo vụ việc lên lãnh đạo huyện và đang chờ hướng chỉ đạo, giải quyết.
Vì sao những vụ vỡ nợ vẫn liên tục xảy ra?
Sau khi huy động được từ người dân hiền lành hàng chục tỷ đồng, tháng 7/2012 Nguyễn Thị Lợi đột ngột rời Thị xã Thái Hòa sang Lào. Hàng trăm hộ dân nháo nhác, đảo lộn cả cuộc sống sinh hoạt thường nhật, có một số gia đình đã tan vỡ, phải bán cả nhà để trả nợ ngân hàng do huy động vốn gửi cho Lợi. Thế nhưng tháng 8/2014, Nguyễn Thị Lợi lại bất ngờ xuất hiện ở Thị xã Thái Hòa, khi nhiều người đến đòi nợ, ả còn thách thức “tố cáo lên Công an mà đòi”.
Với mảnh giấy đơn giản này, một hộ dân đã cho vay tới 1,3 tỷ đồng. |
Đối với vợ chồng Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận Nguyễn Thanh Phượng, sau khi bị dân tố cáo riết quá, thậm chí một số người còn giăng khẩu hiệu ngay trước nhà ông Phượng để đòi nợ, vợ chồng này đã bán căn nhà đang ở với giá 3,5 tỷ đồng để trang trải nợ nần nhưng vẫn không thấm vào đâu. Được biết, sau khi vay được tiền bà Lợi, bà Xuân, ông Phượng đều trả lãi suất cao hơn nhiều so với ngân hàng, nên một số người dân sau khi cho vay số tiền mình có, đã tìm cách huy động anh em, cầm cố ngân hàng nhà cửa để lấy tiền cho vay lại lấy lãi cao, vì thế chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng huy động vốn đã huy động được hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói, khi cho vay mượn tiền lên đến cả tỷ đồng, nhưng người cho vay chỉ nhận được một mảnh giấy viết tay, chứ người vay không cần thế chấp gì cả.
Rất nhiều vụ vỡ nợ diễn ra trên nhiều địa bàn cả nước, qua tìm hiểu chúng tôi khẳng định, khi các đối tượng huy động vốn của người dân hầu như các cấp chính quyền ở thôn, xã, các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội phụ lão… đều biết, nhưng không hiểu sao các cơ quan, tổ chức, đoàn thể không sớm vào cuộc tuyên truyền, giải thích cho người dân biết để tránh việc bị lừa gạt.
Qua bài viết này, chúng tôi muốn cảnh báo đến người dân: Ngoài các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại được nhà nước cho phép huy động vốn, thì chưa một doanh nghiệp, cá nhân nào huy động vốn từ người dân mà không tuyên bố vỡ nợ, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi