43 ca bệnh COVID-19 liên quan ổ dịch Bạch Mai, số người chết trên thế giới đã hơn 6 vạn

Chủ Nhật, 05/04/2020, 08:10
Ngày hôm qua, Việt Nam chỉ ghi nhận thêm 3 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 240 người, với 43 trường hợp liên quan đến ổ dịch Bạch Mai. Trong khi đó trên thế giới, số ca tử vong mới trong ngày vẫn trên 5 ngàn người… 

Việt Nam có số ca mắc COVID-19 mới thấp nhất trong 2 tuần qua

Với 3 ca bệnh mới - trong đó có 1 ca liên quan tới Bệnh viên Bạch Mai, thấp nhất trong gần 2 tuần qua, con số người mắc COVID-19 tại Việt Nam hiện đã là 240 trường hợp.

Ngày hôm qua Việt Nam cũng công bố thêm 5 bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi, nâng tổng số ca bệnh đã được điều trị thành công lên 90 trường hợp, trong đó c 74 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi ở giai đoạn 2.

Thống kê COVID-19 tại Việt Nam. Nguồn: Bộ Y tế.

Thêm một tín hiệu đáng mừng là kết quả xét nghiệm của các nhân viên y tế ở 3 bệnh viện (Viện Huyết học-Truyền máu TƯ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Bệnh viện Việt Pháp) mà bệnh nhân số 237 người Thụy Điển đến khám đều đã cho kết quả âm tính.

Bệnh nhân 237, nam, 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển, đến Việt Nam từ cuối tháng 12/2019, di chuyển nhiều địa điểm như: Ninh Bình (17/3), quay lại Hà Nội từ 22/3 đến nay. Bệnh nhân bị ung thư máu (bạch cầu cấp).

Ngày 26/3, bệnh nhân bị tai nạn và được chở vào BV Việt Pháp bằng xe cấp cứu 115, sau đó quay lại khách sạn. Ngày 31/3, bệnh nhân bị chảy máu mũi nhiều, được người nhà đưa sang BV Đa khoa Đức Giang, được khám và chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu TƯ.

Số ca bệnh COVID-19 mới trên thế giới tiếp đã vượt trên 1,2 triệu người

Trong 24 giờ qua, thế giới tiếp tục chứng kiến số ca mắc mới và số ca tử vong mới do COVID-19 vẫn ở mức cao. Với 83.657 ca bệnh mới, hiện tổng số người mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt trên 1,2 triệu người, ở mức 1.200.319 trường hợp. Số ca tử vong trên toàn thế giới hiện đã là 64.667 người, với 5.493 ca tử vong mới.

Thống kê COVID-19 trên thế giới. Nguồn: Worldometer.

Nước Mỹ hiện vẫn dẫn đầu thế giới về tổng số ca bệnh – 310.233 trường hợp. Chỉ tính riêng tại New York, số ca mắc COVID-19 đã vượt Trung Quốc, Pháp và Đức với hơn 11 vạn người, ở mức 113.704 người so với 81.639 ca của Trung Quốc đại lục, 89.953 của Pháp và 96.092 của Đức.

Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Tây Ban Nha đã vượt Italia, với 126.168 ca so với 124.632 ca của Italia.

Số ca tử vong do COVID-19 tại Italia vẫn đứng đầu thế giới, ở mức 15.362 người – với 681 ca tử vong mới được ghi nhận. Xếp sau Italia là Tây Ban Nha, Mỹ và Pháp với con số người tử vong/số ca mới lần lượt là 11.947/ 749, 8.449/ 1.045 và 7.560/ 1.053.

Ảnh chụp tại một bệnh viện dã chiến ở Brescia, miền bắc Italy, hôm thứ Năm vừa qua.

Ở khu vực Trung Đông, số ca tử vong vì COVID-19 tại Iran đã vượt 3.400 người. Tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 tại đất nước Hồi giáo này đến nay đã ở mức 55.743, trong đó có 4.103 người đang trong tình trạng nguy kịch. 

Iran hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 ở khu vực Trung Đông và là quốc gia có số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đứng thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

Tình hình Nhật Bản cũng không mấy sáng sủa khi người ta đang lo ngại rằng Tokyo sẽ trở thành một “New York thứ hai”. Tính đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng 2,935 ca nhiễm và 69 ca tử vong vì dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã lên tiếng kêu gọi “phản ứng toàn cầu” đẩy lùi COVID-19.

Nghị quyết 74/270 nêu rõ, ĐHĐ LHQ gồm 193 quốc gia thành viên rất quan ngại trước mối đe dọa của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe và sự an toàn của người dân trên toàn thế giới. Nghị quyết cũng nhấn mạnh những tác động chưa từng có của đại dịch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội và thương mại toàn cầu.

Từ đó, ĐHĐ LHQ nhận thấy, “phản ứng toàn cầu” dựa trên sự đoàn kết và hợp tác đa phương là chìa khóa để đẩy lùi những tác động tiêu cực cũng như sớm tìm ra biện pháp chấm dứt đại dịch này. Trong đó bao gồm các hoạt động trao đổi thông tin, kiến thức khoa học và thực hiện từ những hướng dẫn liên quan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

K.Hiền (tổng hợp)
.
.
.