Tokyo sẽ trở thành “New York thứ hai”?

Thứ Bảy, 04/04/2020, 09:02
Mỗi ngày trôi qua, Tokyo lại đón nhận thêm tin xấu liên quan đến dịch COVID-19.

Tình hình không mấy khả quan

Số lượng ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày đã tăng gấp đôi trong tuần qua, từ khoảng 40 ca trong những ngày cuối tháng 3 lên đến 97 ca vào ngày 2/4, ngày 3/4 ghi nhận 89 ca nhiễm mới, theo chính quyền thành phố Tokyo (Nhật Bản).

“Nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng, triển vọng về việc dập được dịch sẽ ảm đạm”, Kentaro Iwata, chuyên gia kiểm soát nhiễm trùng từ Đại học Kobe cho biết. Ông là người đã nhiều lần cảnh báo việc Nhật Bản không áp dụng đủ các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus.

"Nhật Bản cần phải có can đảm để thay đổi, khi nhận thức được mình đang đi sai đường", ông Iwata nói. "Chúng ta có thể thấy thành phố New York tiếp theo ở Tokyo". New York được coi là điểm nóng của dịch COVID-19 tại Mỹ với con số tử vong đến nay đã lên đến 2.935 người, cao hơn mọi bang khác tại Mỹ. Con số này xấp xỉ với số người chết trong vụ tấn công khủng bố 11/9/2011 ở thành phố New York.

Nội các Nhật Bản xác định nước này đang trên bờ vực tình trạng khẩn cấp. (Ảnh minh họa: Reuters) 

Tính đến ngày 4/4, Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng 3.329 ca nhiễm và 74 ca tử vong vì dịch COVID-19, theo CNN.

"Khởi đầu của sự bùng phát dịch ở Tây Ban Nha, Pháp, Italia hay thành phố New York, thực sự giống như Tokyo ngay bây giờ", ông Iwata nói, đồng thời cho rằng cần phải tiến hành xét nghiệm trên phạm vi rộng hơn nữa.

Tính đến ngày 4/4, Tokyo đã xét nghiệm ít hơn 4.000 người trong tổng số 13,5 triệu người. Và chỉ 39.466 người đã được tiến hành xét nghiệm ở quốc gia 125 triệu dân này, theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Đây là con số quá ít so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đến ngày 4/4, Hàn Quốc - nơi có dân số ít hơn nhiều so với Nhật Bản - đã xét nghiệm cho hơn 440.000 người.

Chính phủ Nhật Bản cho biết chế độ xét nghiệm của họ là đầy đủ và phù hợp với các trường hợp rủi ro cao.

"Xét nghiệm những người có xác suất nhiễm virus thấp sẽ gây lãng phí tài nguyên", Bộ Y tế Nhật Bản nói với CNN trong một tuyên bố. "Chúng tôi yêu cầu những người có một số triệu chứng ở nhà trong một khoảng thời gian".

Bị từ chối xét nghiệm

Sau khi xuất hiện các triệu chứng nhẹ như ho, sốt khó thở, Issei Watanabe, 40 tuổi, cho biết đã yêu cầu xét nghiệm COVID-19 nhưng bị bác sĩ từ chối. Anh phải chịu đựng một cơn sốt trên 40 độ C trong 5 ngày rồi sau đó mới được làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Watanabe nói rằng anh đã lây bệnh cho ít nhất 2 người trong khoảng thời gian đó.

"Mọi người không biết phải làm gì. Cuộc sống của bạn là do bạn quyết định. Hãy ở nhà. Đừng ra ngoài”, anh Watanabe nói, đồng thời bày tỏ sự lo lắng cho hàng chục triệu người dân Nhật có độ tuổi trên 65. Anh biết mình sẽ hồi phục, nhưng nhiều người trong nhóm cao tuổi thì không.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo về một cái giá đắt phải trả nếu virus lây lan nhanh chóng trong một đất nước đang đối mặt với sự già hoá dân số như Nhật Bản.

Masahiro Kami, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu quản trị y tế phi lợi nhuận của Nhật Bản, cho biết SARS-CoV-2 rất nguy hiểm đối với người già và hầu hết bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản đều xuất hiện ít các triệu chứng. "Khi họ nhiễm bệnh mà không có triệu chứng, họ có thể truyền virus cho người khác", Kami cảnh báo.

Không phong toả

Thủ tướng Shinzo Abe đã nhiều lần nói rằng tình hình hiện tại ở Nhật Bản chưa đủ nguy cấp để tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và cũng không áp lệnh phong toả thủ đô Tokyo.

Ông Shinzo Abe cho rằng các biện pháp cứng rắn như vậy sẽ gây thiệt hại thêm cho một nền kinh tế đang vật lộn với sự sụp đổ kinh tế nghiêm trọng vì COVID-19, cùng với việc trì hoãn Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020.

Nhật Bản cấp mỗi gia đình 65 triệu chống dịch COVID-19. (Ảnh minh hoạ: Mainichi)

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và đảng Dân chủ Tự do (LDP) chiếm đa số tại quốc hội Nhật Bản ngày 3/4 thống nhất thông qua kế hoạch hỗ trợ 300.000 Yen (tương đương 65 triệu VNĐ) tiền mặt cho mỗi hộ gia đình mất thu nhập vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo Mainichi.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại rằng những cảnh báo ngày càng nghiêm trọng của chính phủ về nguy cơ lây lan COVID-19 có thể đã là quá muộn, theo CNN.

Nỗi lo về dịch bệnh vẫn chưa vượt qua được truyền thống

Tuần trước, mặc dù được cảnh báo về mức độ lây lan của dịch bệnh, người dân Nhật Bản vẫn tụ tập đông người để ngắm hoa anh đào tại nhiều công viên trên cả nước. Lễ hội ngắm hoa anh đào lần thứ 22 tại Công viên Ueno ở Tokyo thu hút cả nghìn người tham dự. Một số người đeo khẩu trang, nhưng nhiều người thì không làm như vậy.

Nhiều người dân tại Tokyo, Nhật Bản đổ về công viên Ueno thưởng hoa anh đào. (Ảnh: Reuters)

Những hình ảnh tụ tập đông người tại các công viên được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, đã khiến chính quyền thành phố Tokyo phải lần đầu tiên ra lệnh đóng cửa một số công viên vào cuối tuần qua.

Thống đốc Tokyo Yuriko Koike và Thủ tướng Shinzo Abe đang khuyến cáo 13,5 triệu người dân Tokyo làm việc ở nhà, tránh đi lại và thực hiện giãn cách xã hội. Một số đang lắng nghe, nhưng nhiều người thì không. Tuy nhiên, làm việc từ xa đối với 80% các công ty ở Nhật Bản, bao gồm các tập đoàn lớn như Honda, Toyota hay Nissan là điều không thể.

Người dân vẫn đổ về thủ đô, với các chuyến tàu điện ngầm chật cứng người trong giờ cao điểm. Dù một số cửa hàng bách hóa lớn và khoảng 500 cửa hàng Starbucks đã tạm thời bị đóng cửa, nhưng nhiều quán bar và nhà hàng vẫn mở và đón nhiều lượt khách.

Thống đốc Koike ngày 4/4 cho biết Tokyo đã sử dụng 630/750 giường để điều trị cho các trường hợp nhiễm COVID-19, chủ yếu là những người có triệu chứng nhẹ.

Các cơ quan y tế đang đàm phán để chuyển các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc tiến triển tốt tới các phòng khách sạn, Koibe nói, đồng thời lần nữa cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra và kêu gọi mọi người dân ở nhà.

Cao Trung (Theo CNN)
.
.
.